"Người đứng trong bếp" thì đã sao?

30/03/2016 18:31

(Baonghean) - Nếu cuộc sống bắt buộc những người phụ nữ phải chọn giữa việc đi làm kiếm tiền để “góp gạo thổi cơm chung” và ở nhà làm nội trợ với cái tiếng “ăn bám chồng”, “người đứng trong bếp” hay thậm chí là “lười biếng, vô dụng”, thì xin thưa, sau tất cả những kinh nghiệm mà tôi có được, tôi vẫn chọn ở nhà làm người đàn bà nội trợ, hơn là bươn ra ngoài xã hội để kiếm tiền.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tôi - một phụ nữ ở nhà nội trợ có thể ngẩng cao đầu mà tuyên bố rằng, tôi là bà chủ quỹ thời gian của mình. Tôi không cần phải dậy sớm chuẩn bị cơm nước hay dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con đi học trước... giờ đi làm, vì vậy buổi sáng đối với tôi không phải nặng nhọc, việc dọn dẹp nhà cửa ngày nào cũng phải làm nên cũng nhanh gọn và dễ dàng hơn.

Tôi không phải xin phép bất kỳ ai để nghỉ làm việc khi tôi cảm thấy không được khỏe hoặc con cái, người thân trong gia đình bị ốm.

Tôi không phải cắm cúi tới nửa đêm với đống công việc đem từ cơ quan về nhà mà quên mất rằng những đứa con của tôi đang cần mẹ chúng nó kể cho nghe một câu chuyện trước giờ đi ngủ.

Vì ở nhà, nên tôi có nhiều thời gian cũng như cơ hội chăm sóc tốt cho gia đình, cho chính bản thân mình hơn. Bữa cơm gia đình được đầu tư kỹ hơn, mọi thứ đều tươm tất hơn. Ngoài ra, tôi còn có thể tận dụng thời gian rảnh để chăm sóc da, để tập thể dục cải thiện sức khỏe. Đều này thật khó áp dụng đối với các chị em bận rộn đi làm.

Đàn bà nội trợ không hoàn toàn "đáng thương" như nhiều người vẫn nghĩ. Nội trợ cũng được xem như một nghề. Ở Nhật, một đất nước năng động và phát triển, phụ nữ sau khi kết hôn hầu hết đều muốn trở thành hậu phương vững chắc cho chồng. Họ được ủng hộ, và được trả lương trích ra từ một phần lương của chồng. Vậy thì hà cớ gì lại bảo họ “ngồi không ăn bám”?

Nếu đang có con nhỏ, việc ở nhà nội trợ chăm sóc con càng có nhiều ý nghĩa. Điều đó như là chất keo gắn kết gia đình, thắt chặt tình mẫu tử. Người mẹ sẽ cảm thấy như thế nào khi con của mình gần gũi với người giúp việc hơn với chính mình? Tôi có cô bạn làm giáo viên mầm non, vừa hết sáu tháng nghỉ sinh, đứa nhỏ hay bệnh, vậy là cô ấy xin nghỉ không lương để ở nhà chăm con thêm một tháng nữa. Đến khi đi làm gửi con cho bà ngoại vẫn không yên tâm, cứ mong tới giờ về nhà với con chẳng tập trung được vào công việc.

Có ý kiến cho rằng không ra xã hội, không tiếp xúc với người này người kia thì sẽ lạc hậu. Những bà nội trợ ở thế kỷ XXI sẽ chỉ trở nên lạc hậu nếu vào một ngày đẹp trời nào đó internet bị đánh sập trên toàn cầu và không bao giờ hồi phục được nữa. Với thời đại công nghệ, muốn tìm hiểu mọi thứ chỉ cần “search google” thì có ai nghĩ họ không đi làm là lạc hậu không?

Những bà nội trợ thời nay, quyết định làm hậu phương vững chắc cho chồng, không phải vì họ kém, không có năng lực làm việc, không kiếm tiền được, mà đơn giản chỉ vì họ hiểu được, biết được điều gì là cần thiết hơn đối với gia đình của mình. Hiển nhiên, đó không phải là một sự hy sinh, mà chính là sự phân công lao động để đạt được hiệu quả, quan trọng hơn chính là họ cảm thấy hạnh phúc.

Chuyện tiền bạc, chi tiêu luôn là vấn đề đau đầu của các bà nội trợ? Họ luôn than thở rằng vật giá ngày càng leo thang trong khi lương những ông chồng đưa về cho họ không bao nhiêu? Điều này cũng dễ hiểu, nhưng nếu biết chi tiêu hợp lý thì sẽ không thành vấn đề. Bởi vậy, đàn bà hơn nhau ở chỗ biết thu vén sao cho hợp lý để không bị tiền bạc làm căng thẳng đầu óc.

Là một phụ nữ nội trợ, tôi không ngại nói rằng tôi cảm thấy thoải mái vì không phải đeo thêm một cái mặt nạ vào mặt mình. Tôi không cần thiết phải thảo mai với người này hay người kia, cũng không phải dè chừng đồng nghiệp chơi xấu, cũng không phải “bằng mặt mà không bằng lòng” với các mối quan hệ trong công việc. Tôi ở nhà. Tôi là sếp. Tôi chỉ phải học cách để tự làm mình hài lòng mà thôi.

Hạnh phúc là khi bạn hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi hài lòng với chức vụ “nữ tướng” ở nhà. Tôi tự tin chồng con tôi được chăm sóc chu đáo, nhà cửa gọn gàng tinh tươm. Hơn tất thảy, tôi được làm công việc mình thích và biết yêu thương trân quý bản thân mình hơn. Ông bà ta có câu “Không biết bao nhiêu cho đủ”, nên cuộc sống của mình, mình tự thu xếp và vun vén, có thảnh thơi hay “đầu bù tóc rối”, “tối mặt tối mũi” cũng tự mình mà ra thôi.

Tất nhiên, người phụ nữ hoàn hảo là người vừa gánh vác công việc xã hội, vừa quán xuyến việc nhà. Còn nếu phải lựa chọn. Tôi chọn cách không đấu tranh đòi bình đẳng giới trong chuyện bếp núc. Bởi ngoài chồng con, tôi nghĩ rằng tôi yêu cái bếp của mình.

An Nhiên

TIN LIÊN QUAN