Người ứng cử Quốc hội và HĐND khai man tài sản, thu nhập sẽ bị xử lý

20/04/2016 14:43

"Người ĐBQH, đại biểu HĐND nếu kê khai không đúng, hoặc thiếu trung thực sẽ tùy theo tính chất và mức độ để xử lý, không có trường hợp ngoại lệ".

Đó là nội dung được Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Nguyễn Hoàng Năng trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề minh bạch hóa tài sản, thu nhập đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo Điều 35, Chương V Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, quy định hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp bao gồm: đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cấp có thẩm quyền của đơn vị, tóm tắt tiểu sử, bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

KM.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Năng

PV: Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử không phải là cán bộ, đảng viên, công chức đang làm việc trong các cơ quan nhà nước và trong hệ thống chính trị thì quản lý, xác minh ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Năng: Kê khai tài sản đối với người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp để xác định nguồn gốc tài sản của họ là rõ ràng, minh bạch và chứng minh được tài sản đó có nguồn gốc hợp lý, rõ ràng.

Nếu người ứng cử không phải là người làm việc trong các cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị thì người đó phải kê khai toàn bộ tài sản mà họ có trong quá trình làm việc đã tạo lập nên. Ủy ban bầu cử tỉnh, thành sẽ lưu giữ các bản kê khai tài sản của người ứng cử, khi họ trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, quá trình hoạt động có ai phản ánh do thiếu minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập thì có cơ sở để cơ quan có trách nhiệm xem xét sự khai báo đó xem có trung thực không.

PV: Nếu phát hiện kê khai không đúng, thiếu trung thực sẽ xử lý sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Năng: Căn cứ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức HĐND các cấp để xử lý. Trong đó, quy định trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nếu kê khai không đúng, hoặc thiếu trung thực sẽ tùy theo tính chất và mức độ để xử lý, không có trường hợp ngoại lệ.

PV: Nhiệm kỳ qua, người dân phản ánh có một số đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có những mờ ám về nguồn gốc tài sản và thu nhập, giàu lên bất thường?

Ông Nguyễn Hoàng Năng: Trong cơ cấu, thành phần của các cơ quan dân cử từ HĐND các cấp đến Quốc hội hoạt động không mang tính chuyên nghiệp. Mỗi đại biểu đều là đại diện cho các cơ cấu, thành phần nhất định, có những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước, trong hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội, có người hoạt động ở các doanh nghiệp… Việc giàu có lên của những người đại biểu ở ngoài cơ quan, tổ chức Nhà nước, do hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, là bình thường.

Đối với những đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND các cấp mà hoạt động trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nếu phát hiện việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng, nguồn gốc tài sản không rõ ràng thì phải căn cứ theo Luật Phòng chống tham nhũng để xử lý.

PV: Có đại biểu hoạt động ngoài cơ quan tổ chức Nhà nước, họ là doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và giàu lên bất thường trong nhiệm kỳ hoạt động của mình, người dân đặt vấn đề, do họ đứng chân trong bộ máy quyền lực dân cử nên nắm bắt nhiều thông tin, nhiều chính sách có lợi, thậm chí là họ tham gia vào nhóm lợi ích chi phối trong việc ban hành chính sách?

Ông Nguyễn Hoàng Năng: Vấn đề này, cần căn cứ vào điều kiện hoạt động kinh doanh của người đại biểu đó xem cụ thể ra sao. Nếu người đó giàu lên bất thường và được cho là lợi dụng chức quyền, ảnh hưởng của mình mà biết được thông tin, chính sách để trục lợi, hoặc cấu kết với nhau thành nhóm lợi ích chi phối một vấn đề, một lĩnh vực hoạt động nào đó thì phải được xác minh, làm rõ và xử lý ở từng mức độ khác nhau.

Vấn đề kê khai tài sản, thu nhập không chỉ phục vụ việc theo dõi, giám sát hoạt động của người ứng cử, hoặc người đại biểu, mà là xác định xem họ có lợi dụng việc biết được những chủ trương, chính sách có lợi cho ngành và doanh nghiệp mình, rồi liên kết với những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy chính quyền và trong các cơ quan nhà nước để trục lợi hay không. Nếu xác định được hành vi này thì phải xử lý pháp luật hiện hành đối với các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh tế và phòng chống tham nhũng.

PV: Từ trước đến nay đã phát hiện, xử lý được trường hợp nào chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Năng: Thời gian qua ở TP HCM, chúng ta chưa phát hiện được trường hợp nào.

PV: Ở giai đoạn trước và sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, nếu người dân phát hiện người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có hành vi bất minh trong kê khai tài sản, thu nhập và gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, thì việc xem xét xử lý sẽ thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Năng: Trước hội nghị hiệp thương lần thứ 3 và sau khi đã lập danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Ủy ban Bầu cử TPHCM nhận được đơn tố cáo của cử tri về những nội dung liên quan đến khê khai tài sản, thu nhập thì sẽ giao cho cơ quan chức năng điều tra, xác minh thật cụ thể với thời gian nhanh nhất, kết luận sớm nhất để bảo đảm quyền lợi của người ứng cử. Thời hạn xem xét, kết luận là trước 10 ngày diễn ra cuộc bầu cử.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Điều 35, Chương V Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, quy định hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp bao gồm: đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cấp có thẩm quyền của đơn vị, tóm tắt tiểu sử, bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Theo Sài gòn giải phóng

TIN LIÊN QUAN