Gỡ "nút thắt" trong đào tạo nhân lực du lịch

31/03/2016 12:27

(Baonghean)- Lâu nay, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng ngành du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn bị đánh giá là nặng về lý thuyết, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Điều này đặt ra sự cấp thiết phải nâng cao quy chuẩn đào tạo, đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp theo hướng đào tạo có địa chỉ…

Bất cập cung – cầu

Khách sạn Mường Thanh Sông Lam nói riêng và hệ thống khách sạn, khu dịch vụ du lịch thuộc Tập đoàn Mường Thanh nói chung luôn ở tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao. Từ nay đến tháng 5/2017, tập đoàn sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng 17 dự án khách sạn và khu dịch vụ du lịch khác. Do đó, Tập đoàn Mường Thanh cần khoảng hơn 3.000 nhân sự mới. Riêng Khách sạn Mường Thanh Sông Lam, hàng năm thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng từ 20 – 40 nhân sự mới.

Mặc dù thông báo tuyển dụng thường xuyên được cập nhật công khai trên website chính thức của khách sạn và qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng số lượng và chất lượng hồ sơ ứng viên gửi về vẫn rất hạn chế.

Còn ông Võ An Huy – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Kim Liên cho biết, những năm gần đây, khách sạn có nhu cầu lớn về nhân sự chuyên ngành du lịch nhưng rất khó tuyển dụng. Cách đây vài tháng, khách sạn đã đăng tuyển rộng rãi nhưng cho đến nay chỉ có gần 20 hồ sơ ứng tuyển. Số lượng ít nên dường như chúng tôi không có nhiều lựa chọn về chất lượng ứng viên. Do đó, Công ty CP Sài Gòn Kim Liên đã phải thành lập Trung tâm đào tạo nghề sơ cấp buồng, bàn, bếp và lễ tân để đào tạo lại nhân sự, vừa mất thời gian, vừa tốn kinh phí.

Hầu hết chương trình đào tạo của các trường đang nặng về lý thuyết.
Hầu hết chương trình đào tạo của các trường đang nặng về lý thuyết.

Trong khi đó, về phía các cơ sở đào tạo lại khẳng định rằng vẫn còn rất nhiều học sinh, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng chuyên ngành du lịch tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm ổn định. Theo khảo sát, sinh viên sau khi tốt nghiệp tùy từng thời điểm có khi lên đến 70 – 80% có việc làm nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hộ gia đình, công việc và thu nhập thiếu ổn định; phần lớn sinh viên ra trường thiếu việc làm tại các đơn vị doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp.

Hiện tại, ngành Du lịch Nghệ An có khoảng 9.000 lao động trực tiếp, thường xuyên, còn tính cả thời vụ và một số lĩnh vực khác dao động từ 15.000 - 16.000 người. Chỉ có 30% lao động qua đào tạo chuyên ngành, 30% có trình độ phổ thông nằm ở mô hình nhà nghỉ, cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, hộ gia đình…

Liên kết đào tạo

Nguyên nhân của thực trạng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực du lịch trước hết đến từ việc “cung” chưa bắt kịp với yêu cầu chất lượng của “cầu” và liên kết lỏng lẻo giữa nhà trường - doanh nghiệp dẫn đến sự thiếu hụt thông tin từ hai phía.

 Sinh viên trường Cao đẳng Nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An thực hành lễ tân. Ảnh Sỹ Minh
Sinh viên trường Cao đẳng Nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An thực hành lễ tân. Ảnh Sỹ Minh

Mới đây nhất, tại Hội thảo tăng cường hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch do Ban Quản lý Dự án chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức, lãnh đạo các nhà trường đã thẳng thắn thừa nhận thực trạng giáo trình đào tạo ở trường vẫn theo mô-típ truyền thống, chưa phù hợp với chuyển động của thực tiễn nên khi ra trường, sinh viên khó bắt nhịp ngay với công việc. Đồng thời, mặt bằng chung đầu vào tuyển sinh của các trường hiện nay khá thấp, dẫn đến chất lượng học tập của sinh viên có nhiều hạn chế, đặc biệt về ngoại ngữ - yếu tố quan trọng được các nhà tuyển dụng đặt lên hàng đầu khi xem xét nhân sự.

Góp phần giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý Dự án EU vừa ban hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ và Nghệ An là một trong những địa phương được thụ hưởng. Ông Vũ Quốc Trí – Giám đốc Dự án EU tại Việt Nam khẳng định: “Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam được xây dựng tương đương với tiêu chuẩn hiện hành quốc tế, có đầy đủ các kỹ năng nghề phù hợp với cả các cơ sở đào tạo lẫn doanh nghiệp và được cung cấp hoàn toàn miễn phí”.

Tăng cường phần thực hành trong đào tạo.
Tăng cường phần thực hành trong đào tạo.

Về phía các trường cần chủ động tìm kiếm, tiếp cận, phát triển mối quan hệ với hệ thống các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, doanh nghiệp cần thiện chí và tin tưởng xây dựng chính sách hợp tác, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế. Đây là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm đưa du lịch Nghệ An phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Sông Lam: “Giải pháp tăng liên kết “hai nhà” là trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường nên trưng cầu ý kiến của các đơn vị sử dụng lao động để đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. “Hai nhà” cũng cần thường xuyên tổ chức hội thảo, đối thoại, hoạt động seminar, thực tập rèn nghề… để giúp sinh viên cọ xát với thực tế, tăng kỹ năng mềm…”.


Phương Chi

TIN LIÊN QUAN