Độc đáo tục sửa sang nhà cõi âm của người Tày

26/04/2016 00:00

Theo phong tục của người Việt Nam nói chung và người Tày ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) nói riêng, cứ vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, dù ai đi đâu, ở đâu cũng cố gắng trở về quê hương để cùng gia đình đi tảo mộ.

Độc đáo tục sửa sang nhà cõi âm của người Tày ở Bình Liêu

Đây là dịp để con cháu được chăm sóc mộ phần, tỏ lòng biết ơn, hiếu kính với các bậc tiên tổ, là một nét đẹp văn hoá được người Tày coi trọng, gìn giữ từ bao đời nay.

Căn nhà của bà Bế Thị Hoa (ở khu Bình Quân, thị trấn Bình Liêu) hôm nay trở nên đông vui hẳn. Trời vừa sáng tinh mơ bà và con dâu, cháu dâu đã tất bật chuẩn bị mâm lễ. Mỗi người một việc, người thì thịt gà, người đồ xôi, người rán cá…

Trong làn khói hương bay nghi ngút, con cháu sẽ tảo mộ tổ tiên
Trong làn khói hương bay nghi ngút, con cháu sẽ tảo mộ tổ tiên

Bà Hoa cho biết: “Mâm lễ trong ngày tảo mộ của người Tày thường có xôi, thịt gà, thịt lợn, cá rán, rượu, kêêm ngần (tiền vàng mã), hương, nhà nào có điều kiện thì có thêm thủ lợn… Xôi ở đây thường được đồ với nhiều màu sắc bắt mắt, thường gồm 5 màu chính: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ, tím, vàng đều được làm từ củ, lá cây rừng.

Trong đó, màu đỏ là màu tượng trưng cho khát vọng, màu tím tượng trưng cho trời đất trù phú, màu vàng tượng trưng cho sự no đủ, màu xanh tượng trưng cho núi rừng Bình Liêu, màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng và sự thủy chung. Tất cả đều mang ý nghĩa tượng trưng cho âm dương và ngũ hành. Tùy theo từng gia đình mà có cách kết hợp màu sắc riêng, có nhà thì làm 5 màu, có nhà chỉ 2 màu, hoặc 3 màu”.

Mâm cúng được con cháu bày ở phía dưới các ngôi mộ

Sau khi mâm lễ được sửa soạn tươm tất, những người cao tuổi sẽ dẫn đầu đoàn, con cháu nối theo sau cùng đi ra phần mộ ông bà, tổ tiên. Trời vừa tạnh mưa, trong ánh nắng ban mai của tiết trời thanh minh theo chân bà Hoa và gia đình, chúng tôi đến khu nghĩa địa Đồi Chè, tại đây các phần mộ của những người đã khuất nghi ngút khói hương với các mâm cỗ đa dạng đồ lễ. Trong những làn hương khói bay nghi ngút, người cầm cuốc, người cầm xẻng, người cầm dao mỗi người một việc.

Mâm cúng được con cháu bày ở phía dưới các ngôi mộ
Mâm cúng được con cháu bày ở phía dưới các ngôi mộ

Người già thì lo thắp hương khắp các lượt mộ, miệng lầm rầm khấn vái, người trung tuổi và đám thanh niên thì phát cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ, sửa sang lại những chỗ bị mòn bởi mưa, người thì đào đất đắp lên mộ cho đầy đặn.

Sau khi công việc phát quang, dọn dẹp và đắp đất lên ngôi mộ đâu vào đấy, gia chủ sẽ đặt nằm chéo hai tờ giấy đỏ lên trung tâm ngôi mộ và đắp một vuông đất mới đặt lên trên, cắm 4 cây nêu màu đỏ hoặc màu hồng xuống 4 góc cạnh ngôi mộ (cờ của cõi âm ý nói đây là khu vực không được xâm lấn và đã có người quét dọn) lên mộ. Sau cùng, họ thắp hương và đốt vàng mã để mời những người đã khuất về ăn Tết cùng. Công việc cứ diễn ra như thế đến ngôi mộ cuối cùng của gia đình, họ hàng nhà mình thì dọn những đồ cúng mang theo để ngồi ăn vui vẻ cùng nhau.

Bà Hoa cho biết: “Người Tày quan niệm, khi đốt cháy tuần hương và vàng mã coi như người âm đã nhận đủ lễ vật mà người dương muốn gửi. Khi ngôi mộ được dựng một cây cờ trắng, người thân có thể bày mâm ăn uống hoặc thu lộc mang về nhà. Ngôi mộ nào càng được dọn dẹp sạch sẽ, đắp đất càng cao, càng to thì tổ tiên càng vui. Ai làm càng nhiều thì năm đó càng được ông bà, tổ tiên phù hộ nhiều”.

Việc đưa trẻ em đi tảo mộ là để giáo dục thế hệ trẻ biết kính trọng tổ tiên

Trong những ngày này, trẻ em cũng được theo cha mẹ và ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho thế hệ trẻ biết kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Cháu La Thị Lan Anh (4 tuổi) cũng theo chân mẹ đến để thắp hương và nhổ cỏ cho mộ ông ngoại. Cháu Lan Anh cho biết: “Đây là mộ ông ngoại của cháu. Ông mất rồi không nhổ cỏ được, Cháu hộ ông nhổ cỏ để mộ ông được sạch sẽ”.

Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ và sum họp với gia đình, người thân. Người Tày quan niệm rằng, có thể Tết Nguyên đán không về quê nhà được nhưng không thể vắng mặt trong ngày tết tảo mộ. Tết tảo mộ năm nay cũng vậy, ở Bình Liêu đâu đâu cũng thấy người ngược xuôi đi tảo mộ.

Chị La Thị Sin, làm việc tại Móng Cái cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày 3/3 âm lịch là tôi lại cố gắng thu xếp công việc để về quê dọn dẹp, sửa sang mộ ông bà, tổ tiên”.

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, kỹ lưỡng còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng (có thể là mộ của người Hoa trước kia). Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.

Việc đưa trẻ em đi tảo mộ là để giáo dục thế hệ trẻ biết kính trọng tổ tiên
Việc đưa trẻ em đi tảo mộ là để giáo dục thế hệ trẻ biết kính trọng tổ tiên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tảo mộ cũng diễn ra mang tính chất theo dòng họ. Tuy nhiên, thời gian quét mộ có thể diễn ra sớm hơn hoặc vào ngày nghỉ, mỗi gia đình sẽ cử một người đi đại diện và quét các mộ tổ chung, mộ nhánh thể hiện đạo đức, bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những tiền nhân đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về quê hương, cội nguồn.

Gần đến cuối buổi, những ngôi mộ um tùm cỏ mọc đã được quét dọn sạch sẽ, dọc các khu nghĩa địa, sườn đồi, khắp các phần mộ rực lên một màu đỏ của cây nêu báo hiệu đã sửa sang xong “mồ mả” tổ tiên. Trên khuôn mặt của từng người xen lẫn những giọt mồ hôi là những niềm vui, nụ cười, niềm hạnh phúc khi có thể báo hiếu với tổ tiên.

Có thể nói, tết tảo mộ của người Tày ở Bình Liêu gắn liền với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Kính hiếu tổ tiên”, đây còn là dịp để con cháu trở về sum vầy nơi quê cha, đất tổ, gạt bỏ mọi phiền lụy, góp phần giáo dục cho thế hệ sau những cách ứng xử có tình người, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trên cơ sở dòng chảy văn hoá.

Theo Pháp Luật Việt Nam

TIN LIÊN QUAN