Lỗ triền miên, Vietstar Airlines có đủ năng lực "cất cánh"?
Sau 5 năm hoạt động, Vietstar Airlines lỗ gần 50 tỷ đồng, nợ ngân hàng gần 300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện tối thiểu thành lập hãng hàng không. Thêm vào đó, việc công ty này có một cổ đông là đơn vị của Bộ Quốc phòng cũng đặt ra nhiều vấn đề về tính pháp lý, nhất là vốn góp của cổ đông này là đất quốc phòng.
Bản vẽ mô hình quy hoạch ga hàng không của Công ty Ngôi sao Việt |
Thua lỗ vì đâu?
Được thành lập từ năm 2010 với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng, Vietstar là kết quả của liên doanh giữa ba tổ chức gồm Công ty TNHH MTV HK Ngôi sao Việt góp 262,7 tỷ - tương ứng 65% vốn và Công ty cổ phần Logistic Ngôi sao Việt góp 37,5 tỷ đồng, 25% của Công ty Sửa chữa máy bay A41.
Theo lời giới thiệu trên website thì Vietstar Airlines chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không theo phương thức thuê chuyến (vận chuyển bằng các loại máy bay cánh bằng loại nhỏ và trực thăng đến các khu du lịch hoặc đảo nhỏ mà máy bay lớn không đến được); cung cấp dịch vụ mặt đất cho các loại máy bay, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay cho khách hàng là các hãng hàng không đang hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Lợi thế không phải không có, thế nhưng công ty này thực tế hoạt động không hiệu quả, thua lỗ triền miên. Tính đến ngày 31/12/2015, Vietstar Airlines lỗ lũy kế 47,4 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này còn cho thấy, khoản vay nợ đáng lưu ý nhất của Vietstar là khoản vay dài hạn Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank với tổng dư nợ tại ngày 31/12/2015 là 290 tỷ đồng – tăng 40% so với thời điểm đầu năm. Đây là khoản tiền vay theo Hợp đồng tín dụng số 2000-LAV-201405688 ngày 05/11/2014 chịu lãi suất 10,5%/năm dùng để mua sắm tài sản cố định.
Năm 2015, “ôm mộng” “cất cánh bay”, Vietstar Airlines quyết định tăng vốn lên 800 tỷ đồng phần vốn góp thực tế của chủ sở hữu mới là 700 tỷ đồng - đúng với số vốn tối thiểu cần có để được cấp giấy phép bay quốc tế theo điều 8 Nghị định 30/2013/NĐ – CP. Khoản tiền tăng thêm 300 tỷ do Công ty cổ phần Logistic Ngôi sao Việt và Công ty TNHH MTV HK Ngôi sao Việt do Tổng Giám đốc Phạm Trịnh Phương làm Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, do khoản lỗ lũy kế, mức vốn điều lệ 700 tỷ đồng mà các nhà đầu tư của Vietstar góp thêm trong năm vừa qua cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới không đạt tiêu chuẩn về vốn chủ sở hữu tối thiểu của hãng hàng không nội địa và quốc tế.
Cần làm rõ việc góp vốn bằng đất quốc phòng
Công ty Sửa chữa máy bay A41 là đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không, không quân, có lợi thế lớn là đơn vị quản lý nhiều đất quốc phòng tại các sân bay huyết mạch của đất nước.
Được biết, trong liên doanh với Vietstar Airlines, Công ty A41 góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong lĩnh vực hàng không với giá trị được định giá tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng. Nhờ có vốn góp bằng đất của Cty A41, công ty này đã lập quy hoạch Nhà ga hàng không Ngôi sao Việt khá hoành tráng.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu như đất mà Cty A41 đem góp vốn không phải là đất quốc phòng. Bởi theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 35/2009- TT- BQP về quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng quy định việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế có 3 hình thức và không có hình thức góp vốn.
Lý giải rõ hơn dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, VP Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho rằng: Trường hợp góp vốn của Cty A41 cần xem lại quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền đối với lô đất đó, các kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị liên quan tới việc sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm rõ mục đích sử dụng đất, khi đó mới có cơ sở để xác định việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất là có hợp pháp hay không.
Việc xác định này là hết sức quan trọng bởi đất của Bộ Quốc phòng giao cho Cty A41 đều nằm ở các vị trí trọng yếu, là lợi thế rất lớn trong kinh doanh hàng không. Thế nhưng, vốn của A41 tại liên doanh này lại chỉ có 25% và được quy ra tiền chỉ là 100 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, Vietstar Airlines sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách, hàng hóa thông dụng và cả loại hình vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, hãng hàng không này dự kiến khai thác đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 737/Airbus 320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 tàu bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay...
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với một đơn vị có lợi thế về hạ tầng hàng không (có đất để quy hoạch nhà ga riêng) song vì sao Vietstar Airlines vẫn kinh doanh thua lỗ triền miên. Với năng lực yếu kém, vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện tối thiểu để được cấp phép, liệu Vietstar Airlines có thực sự “cất cánh” để “góp thêm một ngôi sao mới” trên bầu trời hàng không, thêm sự lựa chọn cho hành khách hay chỉ xin cấp phép nhằm vào mục đích khác?
Dư luận hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi lớn trước hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines, nhất là theo nguồn tin của PLVN, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang có văn bản góp vốn vào Vietstar Airlines.
Nếu như việc góp vốn của Vietnam Airlines vào Vietstar Airlines hoàn tất, hãng hàng không này được cấp phép và trở thành hãng hàng không thứ 5 ở Việt Nam và Hãng hàng không Vasco- SkyViet cũng được cấp phép như đệ trình của Bộ GTVT thì một mình Vietnam Airlines điều hành 4 hãng hàng không, chưa kể liên doanh ở Campuchia là 5 hãng.
Cần nói thêm rằng, sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines không còn là doanh nghiệp nhà nước và đã bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu cùng lúc đầu tư vào 5 hãng hàng không, Vietnam Airlines liệu có tránh được những rủi ro về tài chính, điều hành và quản trị?
Cục Hàng không né dư luận, “bao biện” dấu hiệu ồ ạt xin cấp phép hàng không
Trước hiện tượng “đua” xin cấp phép kinh doanh hàng không, phóng viên PLVN nhiều lần đặt lịch làm việc với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam nhưng không nhận được sự hợp tác, thông tin chính thức về những vấn đề báo đặt ra. “Né” tránh Báo PLVN, song ngày 4/4/2016, đại diện Cục Hàng không, ông Võ Huy Cường lại “đăng đàn” trên báo ngành và khẳng định “không chạy nước rút cấp phép hàng không”.
Theo thông tin trên tờ báo này thì Cục Hàng không cho rằng mình không lách luật khi đề nghị cho Vietstar Airlines được dùng báo cáo tài chính đã kiểm toán thay thế văn bản xác nhận vốn theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP. Cách giải thích này là bao biện, chưa thuyết phục, bởi báo cáo kiểm toán không thể thay cho tiền phong tỏa ngân hàng vì nguồn vốn đó đã sử dụng cho mục đích khác sẽ không còn nguồn đầu tư cho máy bay và các chi phí cho kinh doanh vận chuyển hàng không.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội): vốn pháp định phải thể hiện bằng tiền đồng Việt Nam, ngoại tệ hoặc bất động sản. Pháp luật không quy định về báo cáo tài chính thay thế văn bản xác nhận vốn. Việc chứng minh vốn bằng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ phải có xác nhận tại Ngân hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 30/2013/NĐ-CP nêu trên thì mới phù hợp quy định pháp luật. Nếu doanh nghiệp này không đáp ứng điều kiện nêu trên thì hồ sơ sẽ không thể thông qua.
Theo Pháp luật Việt Nam
TIN LIÊN QUAN |
---|