GS Nguyễn Lân Dũng: Chọn không đúng đại biểu sẽ thiệt thòi cho Quốc hội
GS Nguyễn Lân Dũng: Cơ cấu cũng quan trọng, nhưng phải đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu. Nếu không chọn đúng đại biểu sẽ thiệt thòi cho Quốc hội.
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đang đến gần GS.NGND. Nguyễn Lân Dũng- Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII trao đổi về một số vấn đề liên quan.
Phải đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu
PV: Có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn đại biểu Quốc hội không nhất thiết phải quan tâm tới cơ cấu, thành phần mà quan trọng nhất là làm thế nào nâng cao chất lượng đại biểu. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng |
GS Nguyễn Lân Dũng: Cơ cấu cũng quan trọng, nhưng phải đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu. Cơ cấu làm nên chất lượng nhưng giữa cơ cấu và chất lượng phải hài hòa, hợp lý. Cơ cấu mà ép địa phương quá thì không nên. Thực tế đã có địa phương gặp khó khăn trong quá trình dự kiến lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội khi một người phải gánh nhiều cơ cấu, vừa là nữ, vừa là người dân tộc ít người, lại vừa trẻ và ngoài Đảng.
Thực ra chỉ là tạm thời ngoài Đảng khi bầu cử, nhiều ĐBQH nhóm này tôi thấy ngay kỳ họp đầu tiên đã được kết nạp vào Đảng rồi. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi trong nhiệm kỳ Quốc hội mấy khóa trước vẫn còn tình trạng có những đại biểu thuộc nhóm này ít phát biểu, ít thảo luận, ít thể hiện chính kiến, thậm chí chưa phát biểu lần nào trong các phiên họp Quốc hội. Một người phải gánh tới 4 cơ cấu thì làm sao đảm bảo được chất lượng?
Chất lượng đại biểu Quốc hội đã có những quy định rất rõ. Không chỉ cần đạo đức tốt mà còn cần phải có năng lực và có điều kiện về thời gian để hoạt động Quốc hội. Ở những khóa tôi làm đại biểu Quốc hội có khi gặp cô giáo trẻ ngồi gần, thấy cô cắm cúi ghi chép cả các tỷ số bỏ phiếu và cả kỳ họp không thấy phát biểu gì cả. Tôi hỏi: “Cháu chép mấy thứ ấy làm gì?, cô trả lời: “Không chép, cháu cũng chả biết làm gì!”. Những cô đó không có đủ năng lực, vậy đưa vào Quốc hội để làm gì?
Tôi thấy như vậy rất tội nghiệp, các cô ấy cũng rất thiệt thòi. Thiệt thòi chung cho Quốc hội là cả mấy kỳ họp chẳng phát biểu được câu nào. Ngay bản thân các cô cũng thiệt thòi, tuy các cô rất yêu nghề, nhưng sau 5 năm trở về có khi không được tiếp tục đứng lớp, vì môn học đó có người dạy thay mất rồi. Sau đó các cô phải chuyển sang làm công đoàn, thư viện, thanh niên… không đúng vói nguyện vọng của mình. Cho nên theo tôi không nên cơ cấu những người như vậy.
Cơ cấu là cần thiết nhưng nữ phải là những phụ nữ tiêu biểu, trẻ cũng là những cán bộ trẻ xuất sắc, đồng bào dân tộc ít người không cần có quá nhiều đại diện, mà phải là những người am hiểu chính sách dân tộc và biết bảo vệ quyền bình đẳng cho các dân tộc, đại diện cho người ngoài Đảng (chiếm phần lớn dân số) thì phải tiêu biểu cho số đông dân chúng.
PV: Cần có sự giám sát như thế nào với các chương trình hành động của người ứng cử trong suốt quá trình làm đại biểu Quốc hội, bởi vẫn còn nhiều đại biểu không thực hiện lời hứa của mình trước cử tri trong các kỳ họp, thưa GS?
GS Nguyễn Lân Dũng: Mỗi năm có 4 lần tiếp xúc cử tri, quan trọng ở chỗ cử tri là ai? Những lần ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu tôi thấy rất hay ở chỗ các cuộc tiếp xúc cử tri không hạn chế người dự, ai đến cũng được, nếu đông quá thì bắc loa ra ngoài. Như thế cử tri có điều kiện kiến nghị, chất vấn và có điều kiện giám sát hoạt động của các đại biểu do mình bầu ra.
Tôi không bằng lòng kiểu “đại cử tri” ở các thành phố lớn. Tiếp xúc cử tri trong các phòng sang trọng, lần nào cũng vẫn chỉ là những gương mặt quen biết. Khi hỏi ra, tôi biết có nơi cử tri còn cần phải có giấy mời mới được đi dự. Thậm chí có những nơi cử tri muốn phát biểu gì phải viết trước ra giấy trước. Điều đó là hoàn toàn thiếu dân chủ và không đúng quy định.
Bác Hồ định nghĩa “dân chủ” rất đơn giản. Bác nói “dân chủ là để cho dân mở miệng". Ở đây không phải dân mà là để mọi cử tri có quyền "mở miệng". Hoặc là họ nói lên những bức xúc của họ, hoặc là họ phê phán người đại biểu đã hứa mà chưa thực hiện ...
Hơn nữa, đã có quy định đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với cử tri và như vậy là nhẽ ra cử tri muốn gặp đại biểu lúc nào cũng được. Bản thân tôi khi làm đại biểu Quốc hội, người dân đến gặp tôi rất đông, không bận thì mời vào nhà, họ đưa đơn thì mình tiếp, nếu bận thì hẹn thời gian khác... Không phải là cử tri những nơi tôi ứng cử mà cử tri tỉnh hay thành phố nào nào tôi cũng tiếp. Tôi quan niệm đại biểu Quốc hội là đại biểu của cả nước. 500 đại biểu Quốc hội là đại biểu của toàn dân chứ không phải chỉ là đại biểu của nơi mình ứng cử.
Tôi hỏi họ sao không gặp đại biểu mà mình bầu ra, họ bảo khó gặp lắm, đến Trụ sở cùng lắm là chỉ gặp được Thư ký của Đoàn, đến nhà thì họ không tiếp. Cái đó theo tôi là không đúng quy định cần có quan hệ mật thiết với nhân dân.
PV: Theo Giáo sư, trong quá trình vận động bầu cử, giữa người ứng cử và người tự ứng cử có sự phân biệt nào không?
GS Nguyễn Lân Dũng: Không có sự phân biệt nào giữa người ứng cử và người tự ứng cử. Thậm chí người tự ứng cử lại dễ dàng hơn nhiều so với người được đề cử. Người được đề cử còn phải qua nhiều cấp, nhưng người tự ứng cử thì cứ thế viết đơn, thậm chí những người không có nghề nghiệp gì cũng được quyền tự ứng cử.
Kỳ này tôi thấy đã có khá nhiều người tự ứng cử. Qua hội nghị tiếp xúc cử tri ở cơ quan và khu dân cư thì khá nhiều người không được đa số đồng tình. Nhiều người không có cơ quan công tác, họ khó vượt qua được vòng hiệp thương ở ngay khu dân cư của mình, vì bà con không thấy được rõ năng lực công tác dân cử của những người đó.
Tuy nhiên, tôi cũng có một băn khoăn, đó là trường hợp đã có 100% phiếu của cử tri nơi sinh sống, 100% phiếu của cán bộ cơ quan công tác, vậy mà hiệp thương lần thứ 3 lại loại bỏ với câu trả lời đơn giản: "Trong bó đũa phải chọn cột cờ”. Trả lời như vậy theo tôi là chưa thoả đáng. Ai là đũa, ai là cột cờ, lấy tiêu chuẩn nào để lựa chọn? Liệu các vị đại biểu đó có hiểu về vị ứng cử viên tự do này hơn cả cơ quan và cả nơi người đó sinh sống hay không? Trên mạng xã hội thậm chí có người phản ứng gay gắt đến mức muốn biết những ai không bỏ phiếu cho người đó. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp đó cần phải để cho cử tri được lựa chọn.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./
Theo VOV