Chữa đau xương khớp nhờ ngải cứu
Được sử dụng trong bữa cơm hàng ngày, ngải cứu còn là vị thuốc trị các bệnh về xương khớp hữu hiệu.
Ngải cứu. |
Ngải cứu là loại cây thân thảo, có vị hơi đắng, tính cay nóng. Ở các vùng quê, ngải cứu thường được trồng quanh nhà để làm rau ăn, còn mọc dại nhiều nơi. Thông thường, ngải cứu được sử dụng để điều kinh, an thai, chữa đau bụng, ngoài ra còn được biết đến nhiều với tác dụng chữa các bệnh về xương khớp.
Theo sách y học của Tuệ Tĩnh, lá ngải cứu có từ 0,2 đến 0,34% tinh dầu, tác dụng giảm đau. Ngải cứu còn chứa rất nhiều cineol, chất kháng khuẩn tự nhiên và thuyon, dehydro matricaria este, tetradecatrilin, tricosanol... giúp làm giảm các cơn đau thần kinh.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, để chữa đau nhức cột sống, hãy lấy một nắm lá ngải cứu rửa sạch, giã nát, sau đó trộn với một ít giấm và đun nóng. Bọc hỗn hợp này trong một chiếc khăn mỏng rồi xoa dọc vị trí đau trong khoảng 15 phút. Duy trì như vậy trong khoảng từ 2 đến 3 tuần, cơn đau sẽ hết. Để phát huy hiệu quả triệt để, nên duy trì khoảng 2 tháng.
Người đau thắt lưng chỉ cần rang muối với ngải cứu rồi gói vào một chiếc khăn mỏng, đắp lên lưng trước khi đi ngủ, cơn đau sẽ dịu dần. Để tránh bị bỏng, hãy lót một chiếc khăn mỏng lên lưng trước khi chườm hỗn hợp ngải cứu. Lưu ý: Hỗn hợp này nguội nên rang nóng lại rồi tiếp tục đắp. Hỗn hợp này cũng hiệu quả với người đang bị đau lưng do mang thai, nếu được thực hiện thường xuyên.
Giã ngải cứu lấy nước cốt. |
Không chỉ đắp ngoài da, ngải cứu còn được giã lấy nước cốt uống. Người bị đau nhức xương, lấy ngải cứu rửa sạch với nước muối pha loãng, giã nát rồi chắt lấy nước, thêm 2 thìa mật ong vào uống ngày 2 lần. Thực hiện như vậy liên tục trong 2 tuần, cơn đau nhức sẽ giảm hẳn.
Tuy nhiên, cần cẩn thận liều uống vừa đủ nước ngải cứu giã nát. Uống quá nhiều có thể làm cho niêm mạc da bị nóng rát, ửng đỏ, họng có cảm giác khô, rát, thậm chí đau bụng, buồn nôn, nôn... Nhiều nghiên cứu cho thấy tinh dầu ngải cứu ngoài tác dụng chữa bệnh còn có một ít độc tố. Ăn hoặc uống nhiều nước ngải cứu có thể dẫn tới hiện tượng chân tay run, giật, thậm chí viêm gan, vàng da, gan to... Do vậy không nên lạm dụng các phương pháp giảm đau bằng ăn hoặc uống nước ngải cứu.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|