Giải quyết kiến nghị của cử tri về tổ chức thi hành án

09/05/2016 22:53

(Baonghean) - Trao đổi của đồng chí Nguyễn Văn Công - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Chi cục Thi hành án Dân sự tỉnh Nghệ An; ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV nói về chương trình hành động nếu được cử tri tín nhiệm.

P.V: Với cương vị Phó trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án - Chi cục Thi hành án tỉnh, nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đồng chí sẽ làm gì để đáp lại sự tín nhiệm của cử tri?

Đồng chí Nguyễn Văn Công: Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là vinh dự to lớn đối với tôi. Và nếu được cử tri tín nhiệm, với vai trò, chức trách của mình, tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, tham gia đầy đủ các cuộc họp của Quốc hội, các tổ đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.

Thứ hai, liên hệ mật thiết với cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của cử tri để phản ánh trung thực, kịp thời tới các cơ quan quản lý Nhà nước và Quốc hội, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ ba, tích cực tuyên truyền nhân dân thực thi hiến pháp, pháp luật gắn với công việc chuyên môn trong công tác thi hành án dân sự. Với vai trò, trách nhiệm của mình, tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác thi hành án.

Cụ thể như: tham mưu kiện toàn, sửa đổi, bổ sung quy chế, chương trình của ban thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện; chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ ở cơ sở để thi hành án kịp thời, đúng quy định của pháp luật, tránh khiếu nại, tố cáo của cơ quan thi hành án và cán bộ trực tiếp thi hành án.

Bên cạnh đó, hiện nay Nghệ An đang triển khai Nghị quyết của Quốc hội, đó là thực hiện Đề án thí điểm chế định thừa phát lại. Đây là chế định mới, tôi được giao gắn với mảng này, nên tôi sẽ quan tâm giúp các văn phòng thừa phát lại hoạt động tốt, từ đó giảm bớt nhiệm vụ và áp lực cho cơ quan thi hành án.

P.V: Đồng chí suy nghĩ gì về vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội trước cử tri?

Đồng chí Nguyễn Văn Công: Tôi nghĩ, ngoài việc hoàn thành tốt vai trò đại biểu dân cử trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, gương mẫu trong thực hiện hiến pháp, pháp luật, người đại biểu Quốc hội còn phải chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Ví dụ như trong công tác tổ chức thi hành án, mặc dù bản án xử đã có hiệu lực nhưng bản thân tôi và các đồng nghiệp luôn tìm giải pháp, phương thức, cách thuyết phục sao cho cả người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi liên quan đều thấy thấu tình, đạt lý và tự giác thực hiện. Từ đó góp phần tháo gỡ những vụ việc khó khăn, phức tạp, giảm án tồn đọng...

Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, trong đó có việc tham mưu, giải quyết những kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác tổ chức thi hành án, chú trọng việc tổ chức thi hành án đạt hiệu quả mà không gây tốn kém về tài chính, thời gian, sức lao động, tránh khiếu nại tố cáo của các bên.

K.L (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN