Bảo vệ quyền lợi, yêu cầu chính đáng của thanh niên

07/05/2016 22:20

(Baonghean) - Trao đổi với anh Mong Văn Tình - dân tộc Khơ mú, cán bộ Huyện đoàn Quế Phong, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV.

P.V: Là một cán bộ đoàn địa phương, tuổi đời còn rất trẻ (SN 1988), anh có cảm nghĩ gì khi được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV?

- Ứng cử viên Mong Văn Tình: Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Còn trẻ tuổi, nhưng tôi không quá bất ngờ về điều đó, bởi trong cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội luôn có một tỷ lệ nhất định dành cho tuổi trẻ để nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đem sự nhiệt huyết, khả năng, trí tuệ của tuổi trẻ đóng góp các ý kiến trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tôi cũng rất tự hào khi mình là ứng cử viên duy nhất đại diện cho dân tộc Khơ mú của tỉnh Nghệ An.

P.V: Nếu được cử tri tín nhiệm bầu trở thành đại biểu Quốc hội, trong chương trình hành động của mình, anh sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

- Nếu trúng cử, tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội và giữ liên lạc thường xuyên với người dân, đặc biệt là cử tri nơi tôi ứng cử để nắm rõ tình hình và lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của cử tri để chuyển tải tới diễn đàn Quốc hội cũng như chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.

Là một cán bộ đoàn, tôi sẽ nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, yêu cầu chính đáng của thanh niên. Chú trọng đề xuất tới Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến thế hệ trẻ.

Đặc biệt, tôi quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền núi. Theo nắm bắt, hiện nay số lượng thanh niên đi làm ăn xa quê hương ở các địa phương, nhất là các huyện miền núi khá nhiều.

Họ chủ yếu ra các thành phố, đến các khu công nghiệp, khu đô thị để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, đại đa số việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, bởi trình độ học vấn thấp, quan hệ xã hội hạn hẹp, ít có điều kiện tiếp cận và sử dụng tư liệu lao động hiện đại nên họ chỉ có thể làm được những công việc giản đơn theo vụ việc với mức lương thấp, đời sống khó khăn, tạm bợ. Các doanh nghiệp chưa coi thanh niên nông thôn là lực lượng lao động chủ chốt nên chưa nhiệt tình và tin cậy để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tôi sẽ tập trung kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề phù hợp. Kiến nghị Nhà nước tiếp tục huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn; đầu tư ngân sách thỏa đáng để mở rộng mạng lưới dạy nghề, phổ cập nghề cho thanh niên, hỗ trợ cho doanh nhân trẻ nông thôn.

P.V: Anh có đề xuất nào dành cho đồng bào dân tộc mình nói riêng và các đồng bào dân tộc thiểu số nói chung?

- Bản thân là người dân tộc thiểu số Khơ mú, sinh ra ở vùng miền núi nghèo, tôi sẽ đem trăn trở của mình đề xuất các chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao điều kiện sống, đặc biệt là tập trung hơn nữa vào hạ tầng cơ sở của nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, nước sạch; vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Cùng với đó tôi sẽ vận động bà con hiểu rõ và nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy ý chí vươn lên trong mỗi người, đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm thoát nghèo...

P.V: Xin cảm ơn anh!

Hồ Phương (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN