Góp phần để pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống (*)

10/05/2016 22:33

(Baonghean) - Trao đổi với ông Phan Tiến Dũng - Giảng viên, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng khoa Đào tạo Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV.

P.V: Trường Chính trị tỉnh hiện là nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn của tỉnh. Là một giảng viên, ông thấy cần phải có những đổi mới gì trong công tác đào tạo của nhà trường để phù hợp với thực tiễn hiện nay?

Ông Phan Tiến Dũng: Thời gian qua cấp ủy các cấp ở tỉnh ta đã quan tâm chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đó là một khâu quan trọng của công tác cán bộ. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (cả người học và cơ sở đào tạo); có chính sách thu hút người tài, thực hiện nghiêm các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ các cấp. Mạng lưới đào tạo cán bộ khá quy mô rộng khắp ở tuyến tỉnh, tuyến huyện với nhiều loại hình phong phú đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người học theo nhu cầu của mình.

Về phía Trường Chính trị tỉnh đã quan tâm gắn giữa đào tạo lý luận và nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, quan tâm cải tiến nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thiết thực hơn, trong đó chú trọng bám sát yêu cầu của thực tiễn đặt ra để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết với phương châm “học đi đôi với hành”, phát huy năng lực tư duy, vận dụng sáng tạo những kiến thức lý luận để giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống đặt ra. Về phía giáo viên, cũng nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động quản lý tại các địa phương, tích lũy vốn sống thực tế, kinh nghiệm để vận dụng vào các bài giảng; chuyển từ “dạy cái giảng viên có” sang “dạy cái học viên cần” với phương pháp tích cực.

P.V: Là một giảng viên giảng dạy bộ môn Nhà nước Pháp luật, ông sẽ phát huy vai trò như thế nào để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ người đại biểu nhân dân tại Quốc hội nếu trúng cử?

Ông Phan Tiến Dũng: Với kinh nghiệm từng công tác ở cơ quan bảo vệ pháp luật và là giảng viên giảng dạy về Nhà nước và Pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ doanh nghiệp ở địa phương, nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tham gia thực hiện tốt công tác lập pháp, vận dụng thực tiễn thi hành pháp luật vào cuộc sống; lắng nghe những quan điểm khác nhau, phân tích lựa chọn thông tin, cân nhắc đánh giá các dự luật để tham gia thảo luận góp ý và biểu quyết có chất lượng các dự án luật, để luật ban hành ra sẽ đi vào cuộc sống, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân và vì dân. Đồng thời tham gia một cách có trách nhiệm trong góp ý, thảo luận, biểu quyết các vấn đề quan trọng của đất nước mà Quốc hội bàn bạc, quyết định để các quyết định đó thực sự hợp lòng dân và mang lại lợi ích cho nhân dân.

Thực hiện hoạt động giám sát một cách tích cực thông qua việc phản ánh đầy đủ các ý kiến của cử tri và hoạt động chất vấn của đại biểu. Đặc biệt quan tâm đến việc giám sát các chương trình mục tiêu Quốc gia mà Nhà nước đã ban hành (chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo bền vững) để các chương trình đó thực sự mang lại hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ngoài ra, quan tâm có ý kiến và đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay như: phòng chống tham nhũng; ô nhiễm môi trường; an toàn thực phẩm… Thường xuyên tiếp xúc, gắn bó, gần gũi và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, tích cực đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri kịp thời, đầy đủ theo luật định và quan tâm theo dõi việc trả lời đó.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mỹ Hà

(Thực hiện)

_____________

(*) Đầu đề do báo Nghệ An đặt.

TIN LIÊN QUAN