Taxi truyền thống đổi mới công nghệ

12/05/2016 15:39

Các hãng taxi truyền thống đang tìm mọi cách, trong đó ưu tiên đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý...

Ứng dụng phần mềm gọi Taxi của Mai Linh - Ảnh: Tạ Tôn
Ứng dụng phần mềm gọi taxi.

Đứng trước thực tế phải cạnh tranh khốc liệt với loại hình taxi Uber, Grab, các hãng taxi truyền thống đang tìm mọi cách, trong đó ưu tiên đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhằm thay đổi cách điều hành, hạ giá, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đổi mới để tồn tại

Một trong những bất cập lớn nhất của taxi truyền thống thời gian qua là thiếu kênh thông tin giao tiếp giữa lái xe với hành khách. Cùng đó, công tác quản lý điều hành thủ công, quy mô nhỏ và đặc biệt là tỷ lệ chạy xe rỗng cao. Trong khi đó, Grab và Uber lại có ưu điểm nổi bật là chỉ cần những chiếc smartphone có kết nối 3G hoặc Internet, hành khách có thể gọi xe gần nhất một cách nhanh chóng, biết được lộ trình và số tiền ước tính phải trả, tiết kiệm được một khoản chi phí. Với lợi thế này, các hãng taxi truyền thống đang thực sự gặp phải những đối thủ cạnh tranh khó chịu và đang bị taxi Grab và Uber “lấn sân”.

Hiện, Mai Linh đang bắt tay đầu tư phát triển phần mềm ứng dụng gọi đặt taxi Open 99 tương tự GrabTaxi, Uber do Công ty CP Mai Linh miền Bắc tự phát triển và đã áp dụng tại một số chi nhánh ở các tỉnh, thành.Trước thách thức này, các hãng taxi truyền thống đang nháo nhào tìm giải pháp tự đổi mới bằng việc ứng dụng công nghệ tương tự như Grab hay Uber để tồn tại. Ông Hồ Chương, Tổng giám đốc Công ty CP Mai Linh miền Bắc cho biết, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ là bắt buộc trong xu thế hiện nay. “Taxi truyền thống nếu ứng dụng phần mềm sẽ đạt được nhiều lợi ích, vừa nâng cao sức cạnh tranh vì có sẵn hạ tầng, vừa cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiến tới hạ giá cước”, ông Chương nói và cho biết, với 15 nghìn xe của Mai Linh khi ứng dụng công nghệ sẽ nâng cao hiệu quả quản lý gấp ba lần lên 45 nghìn xe mà người quản lý vẫn bằng 15 nghìn xe.

Một số hãng khác (như Group, VinaSun...) cũng đã và đang nghiên cứu phát triển phần mềm tương tự GrabTaxi, Uber để sử dụng song song hai kênh kết nối: Tổng đài điện thoại truyền thống và phần mềm để kết nối với khách hàng. Trong khi Vinasun đã triển khai chính thức dịch vụ xe sang Vcar thì Group đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Tuy nhiên, ngoài các doanh nghiệp có quy mô lớn, không phải hãng taxi nào cũng đủ lực để ứng dụng phần mềm vì chi phí không hề nhỏ, có khi mất hàng chục tỷ đồng. Ông Phạm Duy Kính, đại diện hãng victaxi cho biết: “Chúng tôi đang hướng tới áp dụng phần mềm tiên tiến trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc áp dụng thế nào, tại thời điểm nào cho phù hợp với khả năng của doanh nghiệp là vấn đề phải tính toán kỹ và cần phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.

Quản taxi ứng dụng phần mềm thế nào?

Nhiều hãng taxi ứng dụng công nghệ đã và đang chuẩn bị ra đời tạo nên một thị trường taxi cạnh tranh sôi động. Tuy nhiên, vấn đề quản lý loại hình này thế nào là bài toán không hề đơn giản. Theo ông Hồ Chương, nên quản lý bằng cơ chế như taxi truyền thống vì Uber hay Grab thực chất là taxi. Taxi ứng dụng phần mềm, có thể quy định riêng một loại nhận diện thương hiệu, anh có lợi thế cho khách hàng, quản lý tốt hơn, được khách hàng ưa chuộng phải cạnh tranh lành mạnh.

Ở khía cạnh khác, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, bản chất của Grab và Uber là taxi, chỉ khác là được tính tiền trên APP (phần mềm). Nếu để hoạt động theo hợp đồng như hiện nay, sẽ không có ai làm nổi taxi truyền thống và taxi truyền thống sẽ chuyển hết sang chạy Uber hay Grab.

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: “Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, chúng tôi đề xuất là đối với taxi ứng dụng phần mềm hoặc vừa ứng dụng phần mềm, vừa hoạt động theo hình thức cũ đều được, nhưng khi đã có ứng dụng phần mềm, phải có đèn taxi, và phải có chữ “Taxi E” để phân biệt với taxi truyền thống.

Cũng theo ông Bình, phần mềm đó phải được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. Có những nội dung cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho hành khách. “Đã kinh doanh taxi phải trực thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý theo quy định của Luật GTĐB. Chúng tôi sẽ dự kiến đưa thêm một số quy định chi tiết hơn trong thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định, trong đó có việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với loại hình taxi ứng dụng phần mềm để đảm bảo công bằng với các đơn vị taxi truyền thống”, ông Bình nói.

Theo Giao thông

TIN LIÊN QUAN