'Không phải cứ bầu đủ đại biểu mới tốt"'

03/06/2016 08:10

Theo đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD–TTN&NĐ của Quốc hội, đó là lựa chọn của cử tri và điều quan trọng là bầu ra được những người có phẩm chất, năng lực, hết lòng vì dân.

Kết quả bầu cử mới được Ủy ban bầu cử các cấp công bố cho thấy, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng như đại biểu HĐND các cấp còn thiếu và nhiều nơi đã tiến hành bầu thêm. Đặc biệt, ở HĐND cấp xã, nhiều địa phương không bầu đủ hơn 2/3 số lượng cần bầu được ấn định, có địa phương thiếu đến hơn 400 đại biểu (Thanh Hóa).

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến:
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: "Lá phiếu người dân trao gửi cho người mình tin cậy" (Ảnh: Ngọc Thành)

Lựa chọn của cử tri thì phải tôn trọng

PV: Kết quả bầu cử thiếu rất nhiều đại biểu HĐND và thiếu cả số lượng đại biểu Quốc hội cần bầu được ấn định nói lên điều gì, thưa ông?

Đại biểu Lê Như Tiến: Trước hết, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận, cuộc bầu cử vừa qua thành công tốt đẹp. Có 98,97% cử tri cả nước đi bầu là thắng lợi. Thành công còn ở chỗ bảo đảm tuyệt đối an toàn, dân chủ, đúng pháp luật và tiết kiệm.

Tuy nhiên, quá trình bầu cử còn thiếu một số đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Chúng ta cũng phải quen dần với suy nghĩ và thực tế là không phải cứ bầu đầy đủ mới tốt, mà phải tôn trọng lựa chọn của cử tri. Nếu bầu được đầy đủ số lượng ấn định thì rất tốt, nhưng không vì bầu thiếu mà đánh giá kết quả không tốt đẹp hay không thành công.

Trước đây hay quan niệm đi bầu phải 100% và bầu được đầy đủ toàn bộ đại biểu, nhưng cách tiếp cận chung của thế giới bây giờ không nhất thiết như thế. Dù còn thiếu đại biểu nhưng Quốc hội và HĐND hoạt động bình thường, vì số lượng đó là lựa chọn của người dân.

PV: Kết quả bầu cử cũng là tín hiệu tốt khi cử tri ý thức được quyền của mình, có nghiên cứu, cân nhắc và thể hiện chính kiến rõ ràng qua lá phiếu?

Đại biểu Lê Như Tiến: Việc bầu chưa đủ số lượng đại biểu được ấn định, theo cách tiếp cận của tôi, đó là sự lựa chọn kỹ càng của cử tri, người ta cảm thấy bằng này đại biểu xứng đáng, còn đại biểu khác không xứng đáng thì không bầu. Hoặc có nguyên nhân nữa là thiếu thông tin về các vị ứng cử viên nên cũng có thể người ta chưa biết anh này thế nào nên chưa tự tin để bầu.

Thường trước đây đi bầu 99,99% và bầu được tất cả số đại biểu dự kiến. Đó cũng là cái tốt nhưng cũng có thể cho thấy người ta cứ bầu cho đủ. Còn đây là sự lựa chọn, mà đã lựa chọn thì không phải cứ bầu được tất cả, dù có số dư. Anh giới thiệu số lượng như thế nhưng tôi thấy trong số này có những người chưa xứng đáng nên chưa bầu hoặc không bầu.

Chúng ta cũng phải thấy rằng tuy bầu chưa đầy đủ về số lượng nhưng đảm bảo về chất lượng thì hoạt động vẫn tốt.

Cử tri chỉ bầu người mình tin cậy

PV: Ứng cử viên HĐND xã là những người gần dân, sát dân nhất và cử tri có điều kiện theo dõi, giám sát thường xuyên nên lá phiếu “rất thẳng”?

Đại biểu Lê Như Tiến: Đúng vậy, anh gần dân nhất, sát dân nhất mà chưa làm tròn được nhiệm vụ của một đại biểu, hoặc chưa trúng cử mà anh đã có vấn đề thì rõ ràng dân không nồng nhiệt bầu cho anh. Lá phiếu người dân trao gửi cho người mình tin cậy.

PV: Có nơi cả hai cán bộ đứng đầu Đảng ủy và UBND đều không trúng cử HĐND xã, thưa ông?

Đại biểu Lê Như Tiến: Có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân một vài lần bầu cử trước đây bà con thường hay quan tâm nhiều hơn đến dòng tộc, họ hàng, bà con cô bác của mình mà thiếu đi sự khách quan để lựa chọn những người thực sự xứng đáng. Nhưng cũng có nguyên nhân chính đại biểu đó chưa thể hiện để cho dân tin vào năng lực, phẩm chất của mình.

Người đang là đại biểu nhưng lại không trúng cử thì rõ ràng chưa thể hiện được vai trò nên cử tri không bầu. Thậm chí có đại biểu tái ứng cử chính ở đơn vị mà mình ứng cử lần trước nhưng cử tri vẫn không bỏ cho mình thì phải xem lại trách nhiệm trong thời kỳ là đại biểu anh đã làm tròn trách nhiệm chưa, xứng đáng chưa để người dân tin cậy.

Cử tri tìm hiểu và cân nhắc rất kỹ về người ứng cử trước khi bỏ phiếu (Ảnh: Ngọc Thành)
Cử tri tìm hiểu và cân nhắc rất kỹ về người ứng cử trước khi bỏ phiếu (Ảnh: Ngọc Thành)

PV: Kết quả vừa qua cũng cho thấy cần rút kinh nghiệm trong công tác giới thiệu người ứng cử, thưa ông?

Đại biểu Lê Như Tiến: Đó là bài học cho nhiệm kỳ sau, việc lựa chọn người ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp cần kỹ lưỡng hơn, cân nhắc thận trọng hơn và số dư hợp lý để người dân lựa chọn.

Lần này số dư tốt hơn nên sự lựa chọn của cử tri cũng tốt hơn, còn “bầu tròn”, giới thiệu bao nhiêu bầu bấy nhiêu thì dễ đạt mục đích bầu được đầy đủ người nhưng lại thiếu sự lựa chọn của cử tri thì như thế là thiếu dân chủ.

PV: Hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua là chưa tốt, hình thức. Qua sự lựa chọn kỹ càng của cử tri lần này và sự đổi mới trong luật, ông có tin tưởng hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử sẽ được nâng lên?

Đại biểu Lê Như Tiến: Tôi tin tưởng Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhiệm kỳ trước để lại rất nhiều di sản quý giá, là những kinh nghiệm được đúc rút thì khóa tới phải kế thừa, phát huy, hoàn thiện hơn, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN