Những điều mẹ phải nhớ khi cho con du lịch biển

20/06/2016 22:32

Khi đi tàu thuyền, bạn bắt buộc phải cho con mặc áo phao còn khi ăn uống, không nên cho con ăn những món hải sản chưa thử bao giờ.

Mùa hè là mùa du lịch biển, nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho cả nhà đi biển nghỉ dưỡng, tận hưởng không khí thoáng mát, lộng gió tại các vùng biển nổi tiếng. Ngoài những địa chỉ ăn chơi, khách sạn tiện nghi, các mẹ khi cho con đi biển cần nhớ các lưu ý sống còn sau đây để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho các bé, tránh các sự cố về sức khỏe hay các tai nạn đáng tiếc.

Khi đi tàu thuyền

Nguyên tắc bất di bất dịch khi đi tàu thuyền bạn phải nhớ là bắt buộc mặc áo phao cho con, sau đó kiểm tra xem áo phao có dùng được không (có bị rách thủng, xì hơi hay không), nếu ở nước ngoài, hãy yêu cầu "life vest" khi muốn hỏi về áo phao.

Đừng vì lười hay ngại bởi cả tàu không ai mặc. Áo phao đã cứu được rất nhiều trẻ nhỏ khi tai nạn xảy ra. Vì thế, đừng bao giờ quên mặc áo phao cho con ngay từ khi đặt chân lên tàu. Nếu tàu không có áo phao thì không nên cho con lên tàu, không nên tự tin vào khả năng bơi lội của mình có thể cứu được em bé bởi tai nạn xảy ra rất nhanh và không ai kịp phản xạ.

Luôn cho con bơi trong tầm kiểm soát của bạn. Ảnh: pokerstarsblog

Luôn cho con bơi trong tầm kiểm soát của bạn. Ảnh: pokerstarsblog

Khi tắm biển

Luôn để con bơi trong tầm tay

Mỗi năm, có rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra với nạn nhân là các em nhỏ ở các khu du lịch, ngay cả khi đã dùng phao bơi. Vì thế, bạn phải luôn luôn để mắt tới con và chỉ cho con chơi trong tầm tay kiểm soát của cha mẹ.

Khi cho con đi du lịch biển hay đến các nơi có vùng sông suối, người lớn phải luôn kiểm soát con. Hãy chỉ cho trẻ chơi ở những nơi gần bờ, có cha mẹ bên cạnh giữ phao bơi. Nhiều người thường chủ quan để con tự dùng phao, điều này rất nguy hiểm vì trẻ sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng sẽ bị sóng đánh úp mà bạn phản ứng không kịp.

Tránh nhiễm lạnh

Trẻ con thường rất thích vầy nước và việc này rất dễ khiến bé bị nhiễm lạnh, dẫn đến cảm sốt. Vì thế, thời gian lý tưởng để các bé chơi dưới nước, dưới nắng là không quá 2 tiếng liên tục.

Ngay sau khi con lên bờ, bạn phải chuẩn bị khăn tắm khô để lau người rồi tráng nước ngọt và thay đồ khô cho con. Ngay cả khi đã lên bờ nhưng cơ thể dính nước cũng khiến bé nhiễm lạnh. Việc tắm không sạch nước biển còn khiến da bé bị mẩn đỏ, ngứa ngáy, dị ứng.

Tránh say nắng

Ngoài nguy cơ nhiễm lạnh vì tắm biển lâu thì bé cũng rất dễ bị say nắng khi chơi ngoài trời dưới cái nắng gay gắt của các vùng biển. Các mẹ cần chuẩn bị áo choàng, mũ dày để che chắn cho con trước khi ra ngoài trời, đảm bảo che đầu và gáy khỏi ánh nắng trực tiếp và tốt nhất không nên cho con ra ngoài chơi từ 10h đến 15h vì lúc này nắng gay gắt nhất.

Cho con uống bù đủ nước liên tục và tốt nhất là nên bổ sung vitamin A và E theo chỉ định của bác sĩ. Việc này giảm thiểu nguy cơ say nắng và dị ứng khi đi biển.

nhung-dieu-me-phai-nho-khi-cho-con-du-lich-bien-1

Không cho con chơi lâu dưới trời nắng để tránh say nắng.

Khi ăn uống

Trừ trường hợp các bé còn bú mẹ và ăn dặm thì khi cho con đi du lịch biển, phụ huynh cần để ý xem con mình có bị dị ứng các loại đồ ăn hải sản hay không. Có nhiều loại thức ăn bé chưa từng thử bao giờ bạn cũng không nên mạo hiểm bởi nếu dị ứng xảy ra thì rất khó xoay xở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nên tránh các loại đồ ăn có hàm lượng thủy ngân cao như cá kình, cá kiếm, cá ngừ, cá thu lớn.

Tốt nhất bạn nên nghe bác sĩ tư vấn trước khi bắt đầu chuyến đi, tham khảo các mũi tiêm phòng chống dị ứng để con có sức khỏe tốt nhất suốt hành trình.

Sơ cứu khi gặp nạn

Khi tai nạn đuối nước

Khi không may xảy ra sự cố khi tắm biển, bạn cần nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh, ưu tiên nhất là của đội cứu hộ nơi gần nhất.

Sau khi đưa bé lên bờ, cần kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người trẻ để bé có thể thở được. Nếu bé ngưng thở, cần ngay lập tức thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách đặt bé nằm ngửa, bịt mũi, thổi một hơi thật mạnh vào miệng bé 2-3 lần rồi đan bàn tay lại, ép vào lồng ngực bé theo nhịp (chú ý không dùng lực quá mạnh vì xương trẻ con yếu) cho đến khi bé thở trở lại; sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Khi say nắng

Ngay lập tức đưa bé vào bóng râm, trong nhà, quạt mát nhẹ nhàng, không nên cho vào phòng điều hòa ngay bé sẽ bị shock nhiệt. Bạn lau người bé bằng nước mát, cho uống oresol. Nếu tình trạng nặng hơn thì bạn đưa bé đến bệnh viện.

Theo Ngoisao.net

TIN LIÊN QUAN