Thông điệp của ánh sáng

08/11/2014 17:43

(Baonghean) - Theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi tò mò tìm đến nhà anh Đặng Ngọc Tám (số nhà 42, đường Lê Lợi, TP. Vinh), một người có thâm niên chơi đèn dầu cổ hơn 20 năm nay. Và câu chuyện về đèn dầu, về thứ ánh sáng mà qua biến động thời gian lịch sử như tỏa rạng thêm vẻ trong lành, ấm áp…

Lớn lên ở một vùng quê nghèo của huyện Hưng Nguyên, trong ký ức tuổi thơ của anh Đặng Ngọc Tám là những buổi tối theo cha đi soi ếch, bắt cá, bắn chim. Đó là quãng thời gian vất vả, khó khăn của gia đình, cha đi trước, con bước thấp, bước cao theo sau, lần mò trong đêm tối với cây đèn dầu hiu hắt trong tay. Đã mấy chục năm trôi qua, nghĩ lại, anh vẫn không thể nào quên cảm giác tràn đầy niềm tin và hy vọng khi ngọn đèn được thắp lên giữa những đêm vắng trăng tối mịt. Ánh sáng bừng rỡ cả tuổi thơ gian khó, cái mùi cháy khét của bấc đèn, tất cả đã theo anh suốt miền ký ức. Anh bảo: “Vì thế, bây giờ dù cuộc sống có đầy đủ đến đâu, tôi vẫn quý những cây đèn dầu. Quý và trọng đến mức như ám ảnh, thôi thúc mình phải sưu tầm, lưu giữ chúng như vật báu”.

Số đèn cổ của anh Đặng Ngọc Tám.
Số đèn cổ của anh Đặng Ngọc Tám.

Với anh và nhiều người chơi đèn dầu cổ khác, thì đèn dầu không chỉ đơn giản là vật dụng thắp sáng mà còn thể hiện rất rõ nét văn hóa truyền thống, kiến trúc, trình độ kỹ thuật chế tác qua các thời kỳ lịch sử. Nói cách khác, đấy là thông điệp của thời gian, của những bước phát triển đi lên của nhân loại. Chính vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới thú chơi đèn đã có từ lâu, và với những người sưu tầm, đèn được chia ra nhiều loại: có cái từ thời kỳ Chămpa, có cái là đèn gốm Lái Thiêu, lại có cái xuất xứ từ Anh, Pháp, Trung Quốc… Nguồn sưu tầm cũng rất đa dạng, có khi từ các bà, các chị buôn đồng nát, có khi lại nhờ người mua hộ khi đi du lịch ở nước ngoài…

Với anh Đặng Ngọc Tám, kỷ niệm đáng nhớ nhất là với cây đèn dầu Chăm pa. Lần đó anh đi công tác ở Tiền Giang, vô tình vào nhà một người bán nước bên vệ đường thì bắt gặp một dáng đèn rất lạ. Con mắt “nhà nghề” nhanh chóng nhận ra đây là cây đèn cổ vô cùng giá trị và hiếm có trên thị trường. Nằn nì hỏi mua, giá nào bà chủ quán nước cũng không bán, hỏi xin thì bà không cho vì cây đèn này đã lưu truyền trong gia đình bà đến 4 thế hệ. Mê mẩn trước vẻ đẹp của cây đèn, anh Tám đã quyết định tạm dừng chuyến công tác, thuê khách sạn lưu trú dài ngày, và ngày nào cũng tìm đến thuyết phục bà nhượng lại. Cảm động trước tấm lòng và đam mê của người khách lạ, cuối cùng, bà cụ đã tặng anh cây đèn. Bây giờ, cây đèn dầu Chăm pa ấy có một vị trí trang trọng trên giá sưu tập của anh. Anh tâm sự: “Cái hay của chơi đèn không chỉ dừng lại ở sưu tầm nhiều hay công dụng của nó mà cái chính là ở góc độ mỹ thuật của cây đèn, nó như một vật trang trí nội thất, để ở đâu cũng thấy đẹp, cũng gọn gàng thanh thoát làm cho ai đã nhìn thấy thì không dễ gì rời mắt”.

Ngày nay, thú chơi đèn đã nghiêng sang phần mua bán, trao đổi mang tính thương mại nhiều hơn, người chơi cũng đa dạng mọi lứa tuổi thành phần nên đèn dễ bị làm nhái, đồ giả cổ cũng nhiều, thế nên, nếu không có mắt nhìn thì rất dễ bị nhầm lẫn. Anh Phan Huy, một nhân viên ngân hàng đam mê chơi đèn cổ, chia sẻ: “Chơi đồ cổ nói chung và đèn cổ nói riêng, cái quan trọng nhất là phải có tâm rồi đến tầm, đến tài, cuối cùng mới là tiền. Cái tâm sáng để giữ cái duyên chơi, cái tầm để hiểu biết dấu ấn văn hóa của cây đèn, cái tài để không bị nhầm lẫn, rồi đến tiền để duy trì thú chơi”. Nhìn bộ sưu tập của anh Tám, anh Huy cũng đủ để gợi lại cho người xem một nét vàng son của chủ nhân nó thời kỳ hưng thịnh, khơi dậy những hiếu kỳ và thích thú tìm hiểu về giai đoạn lịch sử ra đời của cây đèn, từ đó, nhiều bài học thú vị, bổ ích được những người chơi thu nhận.

Chia tay anh Tám, anh Huy, tôi nhớ mãi mong ước của các anh về một cuộc triển lãm đèn cổ trong tương lai, để không chỉ các anh mà kể cả các thế hệ trẻ sau này biết và hiểu được, cha ông mình đã sống những tháng ngày tối tăm vất vả, đất nước mình đã trải qua những tháng năm gian khó để thêm yêu và quý trọng những thành quả của ngày hôm nay.

Hoàng Vũ

(TP. Vinh)