Bất cập của chăn nuôi nông hộ
(Baonghean) - Hình thức chăn nuôi nông hộ có truyền thống lâu đời và đang phát huy hiệu quả kinh tế tích cực; tuy nhiên, hiện đang đối mặt với khó khăn, yếu kém trong khâu vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch nên nguy cơ dịch bệnh là rất cao. Cùng đó, do thị trường không ổn định nên thường xuyên bị tư thương ép giá…
Mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Nguyễn Thiện Tám ở xóm 1, xã Khánh Sơn 2 (Nam Đàn). |
Gia đình anh Lê Thanh Ngọc ở xã Bài Sơn (Đô Lương) đã nhiều năm nay gắn bó với nghề nuôi lợn sinh sản và lợn thịt, hiện đang duy trì nuôi 4 lợn nái và 10 con lợn thịt. Đối với lợn thịt,5 mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa đầu tư tiền giống hết 10 triệu đồng, tiền cám 30 triệu đồng. Với giá hiện tại là 51.000 đồng /kg lợn hơi (tăng 4.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 5/2014) thì gia đình anh Ngọc thu được 43 - 45 triệu đồng. Như vậy, mỗi lứa lợn nuôi trong 4 tháng mới thu lãi từ 3 - 5 triệu đồng; 1 năm 3 lứa thu lãi 15 triệu đồng. Đối với lợn sinh sản, anh Ngọc có 4 con nái, mỗi năm sinh sản 2 lứa thì xuất được trên dưới 80 con lợn giống, thu nhập khoảng 80 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 50 triệu đồng.
Như vậy, cả lợn thịt và lợn sinh sản nếu trong quá trình chăn nuôi không gặp rủi ro thì gia đình anh Ngọc mới có lợi nhuận khoảng 35 - 45 triệu đồng mỗi năm. Nếu tính công và cả tiền đầu tư ban đầu xây dựng chuồng trại, thì người chăn nuôi lợn hiện nay lãi không đáng kể. Thế nhưng, vì chăn nuôi vẫn là nghề chính cùng sản xuất mấy sào ruộng, nên gia đình anh Ngọc cũng như nhiều hộ nông dân khác phải tiếp tục công việc đầy khó khăn này. Anh Ngọc cho hay: “Nếu không nuôi lợn thì các chất thừa như bã đậu, cây rau… bỏ đi tiếc lắm. Tuy hiệu quả kinh tế không cao nhưng đó là việc làm và giúp cho người dân có đồng ra đồng vào, và thực chất đối với nhiều hộ không có nghề nào khác…”.
Hộ ông Nguyễn Đình Lâm ở xóm 8 - xã Nam Anh (Nam Đàn) cũng có truyền thống nuôi lợn, nuôi bò hơn 30 năm nay. Ban đầu năng lực cũng chỉ nuôi được một con bò, dăm ba con lợn để tận dụng nguồn thức ăn thừa, rau, cám trong nhà. Qua thời gian tích tiểu thành đại, hiện tổng đàn của gia đình ông là 5 con lợn nái, 20 con lợn thịt và 4 con bò. Dù nuôi nhiều nhưng gia đình ông chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp khi giao thời giữa 2 mùa vụ sản xuất, lúc khan hiếm phụ phẩm nông nghiệp. “Nhà tôi nuôi lợn chủ yếu là cung cấp thịt cho người dân trên địa bàn xã. Nuôi kiểu tận dụng thức ăn thời gian xuất chuồng lâu hơn, nhưng chất lượng thịt ngon và đảm bảo nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Thực tế, tôi nuôi lợn hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi bắt lợn giống về thả đến khi xuất chuồng, thời gian nuôi kéo dài từ 5 - 6 tháng. Khi lợn đạt trọng lượng từ 60 -70 kg thì lợn có thể xuất chuồng, trung bình mỗi con lợn chỉ lời được không quá 500.000 đồng. Nhưng do cách nuôi tận dụng nên chúng tôi xem đây như là một hình thức bỏ ống tiết kiệm được một khoản tiền” - ông Lâm chia sẻ.
Ông Hồ Viết Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh (Nam Đàn) cho biết: Xã Nam Anh có 1.828 hộ dân thì có đến 95% tổng số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình nông hộ. Hiện toàn xã có 5.414 con lợn, chưa kể lợn sữa; 1.891 con trâu, bò và hơn 90.000 con gia cầm. Ngoài những ưu điểm như trên thì chăn nuôi theo hình thức nông hộ cũng tồn tại nhiều vấn đề. Đó là chuồng trại chăn nuôi chật hẹp, nằm trong khuôn viên của gia đình và chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, nên cũng không thể tránh khỏi việc gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định về chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Một số hộ chăn nuôi còn lơ là trong phòng dịch bệnh, khi có đợt tiêm phòng mới thực hiện chứ chưa chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc của gia đình. Do môi trường chăn nuôi trong khu dân chưa được đảm bảo; mầm bệnh chưa được xử lý triệt để nên nếu có dịch, nguy cơ bùng phát rất nhanh...
Để giúp chăn nuôi nông hộ nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường bảo vệ môi trường, tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 50/2014/QĐ-TTg quy định một số chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2020. Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách trên gồm các hộ trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp; người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc. Quyết định 50 được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức của chăn nuôi nông hộ, tạo bước đệm cho ngành chăn nuôi trụ vững trên thị trường hiện nay.
Bài, ảnh:Ngọc Anh