Vỡ mộng vì di dịch cư để tìm 'miền đất hứa'

27/06/2016 11:31

(Baonghean) - Di dịch cư tự do, trái phép qua biên giới trên địa bàn huyện Kỳ Sơn là vấn đề nóng trong những năm qua. Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, tình trạng này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để ổn định tình hình về lâu dài đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ…

Theo chân cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Ngoi, chúng tôi đến thăm gia đình ông Già Chống Tểnh, ở bản Ca Dưới, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Đây là một trong số những hộ “hồi hương” sau một thời gian sang Lào mong tìm miền đất hứa.

Trong căn nhà chật chội của người con trai đầu, với sự hối tiếc, Già Chống Tểnh cho hay: “Thay vì một cuộc sống khá giả, sung túc như nhiều người nghĩ, cuộc sống ở đất nước bạn khó khăn không kém. Hơn nữa, những người Việt Nam định cư trái phép bên đó cũng không được chính quyền sở tại hỗ trợ, nên cuộc sống càng trở nên bất ổn định”.

Cách đây hơn 2 năm, Già Chống Tểnh quyết định bán toàn bộ tài sản, nhà cửa để đưa vợ con di cư trái phép sang Lào với lý do đoàn tụ anh em họ hàng, người thân. Tuy nhiên, sau 2 năm “vật vã” ở xứ người nay trở về, gia đình ông không còn nhà cửa, ruộng vườn, gần 10 miệng ăn phải sống nhờ gia đình người con trai đầu. Từ một gia đình khá giả, sau 2 năm di cư tự do, ông trở thành tay trắng.

Bộ đội biên phòng phối hợp tuyên truyền phòng, chống di dịch cư ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn).
Cán bộ đoàn Kinh tế quốc phòng 4 hướng dẫn đồng bào Mông ở Na Ngoi (Kỳ Sơn) chăm sóc mô hình cây dong riềng. Ảnh: Đ.C

Trường hợp tiếp theo chúng tôi gặp là Già Chống Pó, ở bản Ca Dưới, xã Na Ngoi. Nhớ lại những ngày sống vất vưởng vì di cư tự do, Già Chống Pó chia sẻ: “Thật không có dại nào bằng dại này. Đang yên đang lành lại bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi để chuốc lấy cuộc sống cơ cực, chui lủi. Cũng may nhà cửa chưa bán, không thì...”.

Năm 2014, Già Chống Pó vượt biên sang Lào nhưng sau 6 tháng ở nơi đất khách quê người với không ít khó khăn, không có đất để sản xuất, cùng với việc chính quyền Lào tăng cường kiểm tra, kiểm soát những người cư trú bất hợp pháp, Già Chống Pó phải cùng vợ con xin trở về Việt Nam bằng con đường trao trả người di cư.

Cũng may, chỉ mới có ý định “thăm dò” nên Già Chống Pó chưa bán nhà, vì vậy sau thời gian đầu khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền, của cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi, cuối cùng cuộc sống gia đình ông cũng đã ổn định trở lại. Hiện tại, Già Chống Pó đã mua được 2 xe máy, 3 con trâu, 1 con bò và nhiều tài sản có giá trị khác.

Rời địa bàn Na Ngoi, chúng tôi đến xã Huồi Tụ, cũng là một trong những điểm “nóng” về tình trạng di cư trái phép sang Lào. Ông Hờ Nhia Khù - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Tính đến nay, xã còn 2 hộ, với 11 khẩu di cư sang Lào chưa trở về. Có 2 hộ với 10 nhân khẩu có ý định di cư, nhưng sau khi xã phát hiện và tuyên truyền vận động nên đã từ bỏ ý định. Cũng tại đây, chúng tôi gặp anh Dềnh Dua Chò ở bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ, một người từng di cư sang Lào, trở về.

Chò cho biết: Trước năm 2000, nghe theo lời xúi giục, lôi kéo của một số người là sang bên Lào dễ làm ăn hơn, đất đai rộng, sản xuất được nhiều hơn, tôi bàn với vợ bán hết tài sản đưa con vượt biên sang Lào. Nhưng sang đến nơi, gia đình tôi không nhà cửa, không nghề nghiệp, không đất sản xuất; bệnh tật liên tục hoành hành khiến sức khỏe mọi người trong gia đình ốm yếu. Tha phương sau nhiều năm, đến năm 2003, gia đình tôi quyết định quay trở về quê hương. Thật may mắn và xúc động, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương; sự bao bọc, che chở của bà con bản làng, đến nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chính khiến đồng bào Mông ở Kỳ Sơn di cư là bởi bà con có nhu cầu đoàn tụ với gia đình, với anh em dòng họ ở phía bên kia biên giới do mối quan hệ thân tộc lâu đời. Bên cạnh đó, do tập quán du canh, du cư từ bao đời nay vẫn không thay đổi.

Cùng với đó là ý thức quốc gia, quốc giới còn rất hạn chế nên người dân coi việc di, dịch cư là điều bình thường. Ngoài ra, do sự lôi kéo, xúi giục của một số đối tượng xấu với luận điệu “sang Lào được tự do làm ăn, sung sướng…”, trong khi đó trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên dễ bị mắc lừa.

Theo thống kê, nếu như cuối năm 2015 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tình trạng di cư còn nhiều, có 81 hộ/492 nhân khẩu, thì 6 tháng đầu năm 2016 chỉ còn 35 hộ/165 nhân khẩu, chủ yếu là người dân thuộc các xã Huồi Tụ, Mỹ Lý, Nậm Cắn, Nậm Càn, Đoọc Mạy và Na Ngoi di cư vào khu vực tỉnh BôLyKhămXay và Xiêng Khoảng (Lào). Điều đó cho thấy, tình trạng di cư trái phép đã giảm đáng kể, song để tình hình thực sự ổn định là cả vấn đề, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành trên địa bàn.

Cán bộ đoàn Kinh tế quốc phòng 4 hướng dẫn đồng bào Mông ở Na Ngoi (Kỳ Sơn) chăm sóc mô hình cây dong riềng.  Ảnh: Trần Hải
Bộ đội biên phòng phối hợp tuyên truyền phòng, chống di dịch cư ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh: Trần Hải

Theo ông Xeo Văn Nam - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn, trong công tác tuyên truyền chống di cư trái phép, huyện đã chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể cấp xã phối hợp với già làng, trưởng bản tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng đến từng bản, từng hộ để đồng bào nhận thức rõ việc di cư trái phép là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đồng thời, cán bộ xã thường xuyên tham gia vào các buổi sinh hoạt ở bản; trực tiếp trao đổi, nói chuyện, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc mà đồng bào đang gặp phải. Thông qua việc thị sát và tin báo từ nhân dân, nếu phát hiện được gia đình nào có ý định bán trâu, bò, nhà cửa để di cư sang Lào, chính quyền xã sẽ tiếp cận ngay, thông báo cho nhân dân toàn xã không được thu mua nhà cửa, trâu, bò của gia đình đó…

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: 6 tháng một lần, huyện Kỳ Sơn phối hợp với các huyện Noọng Hét, Mường Khăm, Mường Quắn và Mường Mọc của nước bạn Lào tổ chức giao ban, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của địa phương. Trong đó có việc thông báo tình hình di cư trái phép của đồng bào Mông huyện Kỳ Sơn sang nước bạn Lào; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của nước bạn tổ chức kiểm tra chặt chẽ, trao trả công dân đang sinh sống trái phép ở Lào về Việt Nam.

Đặng Nguyễn

TIN LIÊN QUAN