Chú trọng phát huy hiệu quả dòng vốn FDI

05/08/2016 11:16

(Baonghean) - Với xuất phát điểm một tỉnh lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế chủ lực, Nghệ An xác định thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp là giải pháp mũi nhọn để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Trong xu thế chung hội nhập, dòng vốn FDI được xem là một tác nhân đặc biệt thúc đẩy tiến trình này.

Vốn FDI tăng mạnh nhưng chiếm tỷ lệ thấp

Tính lũy kế từ năm 1996 - thời điểm Nghệ An có dự án FDI đầu tiên, đến nay tỉnh đã thu hút được 75 dự án FDI, trong đó có 58 dự án còn hiệu lực. Đây là con số không lớn so với tổng số dự án thu hút đầu tư vào Nghệ An. Tuy nhiên, đáng chú ý là từ năm 2015, số dự án FDI thu hút được có sự bật tăng (13 dự án trong năm 2015 so với trung bình 4 - 5 dự án/năm của các năm trước). Số vốn đăng ký được cấp phép cũng tăng gấp hơn 13 lần so với năm 2014, lên đến hơn 168 triệu USD. Con số này cũng chiếm hơn một nửa tổng số vốn FDI đăng ký của cả giai đoạn 2011 - 2015 (hơn 297 triệu USD).

Đóng hộp tại nhà máy Royal Foods Khu công nghiệp Nam Cấm (Khu Kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng
Đóng hộp tại nhà máy Royal Foods Khu công nghiệp Nam Cấm (Khu Kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng

Đồng chí NGUYỄN XUÂN ĐƯỜNG - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: “Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của các dự án FDI lên quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần nghiêm túc nhìn nhận rằng, mặc dù Nghệ An đã có nhiều nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, cải thiện thứ bậc trong bảng xếp hạng toàn quốc về chỉ số PCI, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập về mặt hành chính, thiết chế pháp lý, cũng như tiếp cận thị trường. Những lỗi này thuộc về trách nhiệm của tỉnh và tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục trong thời gian tới để nâng cao niềm tin, sự yên tâm nơi các nhà đầu tư. Tôi tin là khu vực này có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, có những tác động rõ nét hơn về mặt thu ngân sách tỉnh.

Tôi cũng mong muốn được lắng nghe các nhà đầu tư bày tỏ nhiều hơn về nguyện vọng, kế hoạch hoạt động để chúng ta cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc vì lợi ích của doanh nghiệp và tỉnh nhà. Tôi cho rằng mấu chốt quyết định thành công của các dự án đầu tư phải là sự hợp tác, đồng hành”.

Tuy nhiên, khu vực vốn FDI vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số vốn từ thu hút đầu tư. Trong năm 2015, Nghệ An đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 108 dự án với số vốn đăng ký đạt gần 87.000 tỷ đồng. Vốn FDI chỉ chiếm khoảng 4,2%, trong đó một số cái tên nổi bật đáng chú ý như Liên doanh Mía đường Nghệ An & Lyle (Anh); Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BSE, Nhà máy sản xuất loa điện thoại di động Emtech (Hàn Quốc); Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Royal Foods (Thái Lan);… Tuy nhiên, những dự án có quy mô lớn nhất vẫn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp trong nước hoặc liên doanh như Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy Xi măng Sông Lam 2, Nhà máy Masan,…

Tương quan tỷ lệ vốn FDI và vốn từ doanh nghiệp trong nước cho thấy sức thu hút và tính phổ biến của thị trường Nghệ An đối với các doanh nghiệp nước ngoài vẫn khá hạn chế. Nguồn vốn FDI đổ vào Nghệ An chủ yếu đến từ các nước châu Á (25/31 dự án, chiếm tới hơn 80% cả về số lượng và số vốn); các đối tác hàng đầu là Hàn Quốc và Singapore. Như vậy về phạm vi tầm châu lục còn bó hẹp, song phạm vi thu hút ở tầm khu vực thì đã có chuyển biến với sự tăng trưởng mạnh trong dòng vốn từ Hàn Quốc - một đối tác mới nổi lên trong giai đoạn 2011 - 2015.

Tác động của FDI tác động lên nền kinh tế

Các dự án FDI trên địa bàn Nghệ An đa số có quy mô vừa và nhỏ, tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cơ khí. Tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI cao nhất (năm 2013) đạt 2,20% GDP của tỉnh, thu ngân sách cao nhất (năm 2015) đạt 350 tỷ đồng. Những con số này đều nằm ở mức thấp, riêng thu ngân sách thấp là do các chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất mà Chính phủ và tỉnh đưa ra khi thu hút, kêu gọi nhà đầu tư. Như vậy, khu vực FDI chưa có tác động trực tiếp rõ nét cho nền kinh tế tỉnh nhà.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại nhà máy Royal Foods. Ảnh: Lâm Tùng
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại nhà máy Royal Foods. Ảnh: Lâm Tùng

Điều đó không có nghĩa là khu vực FDI không tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội. Hiệu quả lớn nhất mà các dự án FDI mang lại tính đến thời điểm này mang tính gián tiếp và liên quan đến con người nhiều hơn là vật chất. Trước hết, các doanh nghiệp FDI đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và tăng hàm lượng trí tuệ, chất lượng của sản phẩm. Từ một tỉnh tập trung xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm sản chủ lực, nay Nghệ An còn được biết đến với những sản phẩm có uy tín trong và ngoài nước như sản phẩm may mặc, linh kiện điện tử, đường, gỗ ván ép, thức ăn gia súc,… Nhờ đó quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu của Nghệ An đến với thị trường tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp tìm đến đầu tư vào các lĩnh vực chưa được khai thác xứng tầm tiềm năng tài nguyên của tỉnh.

Các dự án FDI cũng tập trung sử dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo việc làm cho 20.000 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân khoảng 2,5 - 5 triệu đồng. Điều này giúp hạn chế tình trạng đi làm xa của lao động địa phương, tạo ra môi trường lao động công nghiệp hiện đại để người lao động Nghệ An tiếp xúc với các yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng nước ngoài. Chất lượng nguồn lực lao động của tỉnh nhờ đó được nâng lên, tạo được sức hút và niềm tin ở các nhà đầu tư khi đến với Nghệ An. Tuy nhiên, các dự án FDI hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung khai thác lao động phổ thông chứ chưa hướng đến lực lượng lao động trình độ cao nên tính lan toả, chuyển giao công nghệ chưa cao. Đây là một hạn chế đáng tiếc, vì trang thiết bị và trình độ công nghệ sử dụng tại các dự án này nhìn chung tiên tiến hơn mặt bằng công nghệ trong tỉnh. Đặc biệt là phương thức quản lý, kết nối giữa các khâu của quy trình sản xuất, tương tác giữa công ty mẹ và con - những chìa khoá, bí quyết “nghề” khiến năng suất lao động của khu vực FDI cao hơn nhiều so với khu vực đầu tư trong nước.

Như vậy, mặc dù tỷ lệ và tỷ trọng của vốn FDI trong dòng vốn đầu tư vào Nghệ An không cao, nhưng đây lại là tác nhân tạo được nhiều chuyển biến đáng kể cho nền kinh tế - xã hội địa phương. Để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế của doanh nghiệp nước ngoài, địa phương phải nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, chú trọng đào tạo nguồn lao động tại chỗ. Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI cũng tạo áp lực cạnh tranh để các doanh nghiệp Việt phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Tầm nhìn từ nay đến năm 2020

Mục tiêu Nghệ An đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là thu hút được 500 triệu USD vốn FDI (tương đương 10.000 tỷ đồng); cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Để thực hiện mục tiêu đó, Nghệ An sẽ thu hút có chọn lọc dựa trên chất lượng, giá trị gia tăng cũng như công nghệ sử dụng của dự án.

Những ngành áp dụng công nghệ cao như nông nghiệp sử dụng công nghệ sinh học, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển dịch vụ,… sẽ được ưu tiên và ưu đãi. Đồng thời, Nghệ An cũng sẽ quy hoạch thu hút đầu tư phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương để đảm bảo lợi ích tổng thể, phát triển đồng đều và hài hoà cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các đối tác cũng sẽ được lựa chọn và quy hoạch dựa trên năng lực tài chính, bề dày kinh nghiệm, quốc gia hay vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các nhà doanh nghiệp có khả năng kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp, có mạng lưới đối tác vệ tinh phong phú như Becamex, VSIP, Hemaraj,… được ưu tiên trong chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh.

Tuy nhiên, song song với việc tạo điều kiện thuận lợi, đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, Nghệ An xác định luôn chú trọng công tác quản lý, rà soát việc triển khai và hiệu quả của các dự án đã đi vào hoạt động với hai mục đích: duy trì đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc và đảm bảo nhà đầu tư hoàn thành các trách nhiệm với địa phương như đã cam kết. Lợi ích kinh tế luôn đi kèm những ràng buộc về mặt trách nhiệm, nhà đầu tư và tỉnh phải có sự kết nối liên tục về mặt thông tin, giám sát lẫn nhau và hợp tác cùng nhau vì lợi ích bền vững của đôi bên.

Ý kiến doanh nghiệp

Bùi Thị Minh - Giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An: “Góp phần tích cực trong cải cách thủ tục hành chính công”.

Thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, với mục tiêu giúp người dân tiết kiệm công sức, thời gian cũng như chi phí đi lại, Bưu điện tỉnh Nghệ An là đơn vị đi đầu trong việc triển khai nhiều dịch vụ Hành chính công tiện ích tới người dân như phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An triển khai các dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, thu BHXH - BHYT tự nguyện mà mới đây nhất là dịch vụ Chi trả Bảo trợ xã hội; phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An triển khai các dịch vụ chuyển phát chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy đăng ký xe; phối hợp với Sở GTVT triển khai dịch vụ chuyển phát giấy phép lái xe, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe; phối hợp với Sở Tư pháp triển khai dịch vụ chuyển phát Hồ sơ lý lịch tư pháp và phối hợp với các sở, ban ngành khác để triển khai các dịch vụ chuyển phát hành chính công. Trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh Nghệ An xác định tiếp tục phấn đấu hơn nữa nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ, đặc biệt là các dịch vụ hành chính công, đồng thời triển khai nhiều hơn nữa những dịch vụ tiện ích mới, góp phần tích cực trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính công của tỉnh.

Ông Hoàng Xuân Thành - Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hủa Na: “Quan tâm đời sống người dân vùng tái định cư”.

Đến nay, Công ty CP Thủy điện Hủa Na đã thực hiện giải ngân kinh phí cho Hội đồng BTHT&TĐC để thực hiện chi trả cho hầu hết các cá nhân và tổ chức. Dự kiến trong quý III/2016, UBND huyện sẽ phê duyệt hoàn thành 14 phương án bồi thường giá trị quyền sử dụng đất thu hồi ở nơi đi đối với 878 hộ tái định cư theo dự án. Công ty sẽ thực hiện chuyển tiền bồi thường sau khi đổi trừ giá trị bồi thường giữa nơi đi và nơi đến. Một số nội dung bồi thường, hỗ trợ còn sót lại, UBND huyện đang xúc tiến hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt, dự kiến hoàn thành trong quý III/2016. Dù kinh doanh khó khăn, nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty đã thực hiện hỗ trợ gạo cho nhân dân các điểm TĐC được 13/16 đợt (tương đương 39/48 tháng). Riêng 92 hộ của điểm TĐC Piêng Cu đã được nhận hỗ trợ gạo đủ 48/48 tháng. Công ty đang tích cực phối hợp UBND huyện, Hội đồng bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện, Ban quản lý dự án tái định cư Nhà máy Thủy điện Hủa Na huyện Quế Phong để hoàn thành toàn bộ công tác giao đất ở, đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa nước cho nhân dân tái định cư. Trong đó đối với đất ở, đất vườn, đất rừng, đất nông nghiệp đã hoàn thành công tác giao đất trên thực địa cho nhân dân sử dụng, UBND huyện đang đôn đốc nhà thầu hoàn thành thủ tục trích đo, trích lục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho nhân dân trước 31/12/2016.

Ông Nguyễn Trọng Tính - Giám đốc Viettel Nghệ An: “Không ngừng nỗ lực sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ”.

Từ đầu năm đến nay, doanh thu của Viettel Nghệ An ước đạt trên 1.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 82 tỷ đồng. Năm 2015 đánh dấu một mốc son đáng nhớ của Viettel Nghệ An trong công tác hoạt động xã hội; với hàng loạt hoạt động vì cộng đồng; với tổng kinh phí lên tới gần 60 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Viettel Nghệ An mong muốn UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ trong hoạt động xây dựng trạm BTS, triển khai hệ thống cáp ngầm. Bên cạnh đó, Viettel cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh trong việc đưa ứng dụng CNTT vào các hoạt động hành chính, triển khai hệ thống chính phủ điện tử, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, quản lý và năng lực cạnh tranh của các đơn vị.

Ông Phạm Đình Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp: “Mong doanh nghiệp nội tỉnh cũng được quan tâm như các nhà đầu tư ngoại tỉnh”: Chúng tôi rất vui mừng khi thời gian qua đã có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với tư cách là một doanh nhân tôi mong rằng doanh nghiệp của mình và các doanh nghiệp nội tỉnh được quan tâm, được chăm lo như các nhà đầu tư ngoại tỉnh đến với Nghệ An. Trong thủ tục hành chính hồ sơ liên quan đến các cơ quan công quyền nhiều lúc vẫn còn chậm, các doanh nghiệp hầu hết chưa được hưởng chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp ngoại tỉnh và các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù có những doanh nghiệp tiềm lực không hề thua kém.

Ông Lê Quang Minh – Giám đốc Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 6

“Chia sẻ trách nhiệm cộng đồng, xã hội”: Trong năm 2015, Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 6 tổ chức trao tặng 5 nhà tình nghĩa mỗi căn nhà trị giá 80 triệu đồng cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công, hộ nghèo, trao tặng 1.000 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, trao tặng 2.000 thẻ bảo hiểm y tế cho 500 hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có công tại địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 2016, Công ty đã và đang tiếp tục tổ chức các chương trình an sinh xã hội tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 6 mong muốn đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình; chia sẻ trách nhiệm cộng đồng xã hội, đồng hành và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất để thương hiệu MobiFone ngày càng khẳng định vị trí tại Khu vực Bắc Trung bộ.

NHÓM P.V (Ghi)

Thục Anh

TIN LIÊN QUAN