Hỗ trợ mức tốt nhất cho phát triển kinh tế

19/08/2016 14:41

(Baonghean) - Trước những diễn biến bất ổn về kinh tế - chính trị toàn cầu, như biến động khó lường trên thị trường tài chính và giá dầu, làn sóng di cư quy mô lớn khiến châu Âu tiếp tục phải đối mặt thêm nhiều khó khăn và chia rẽ. Thêm vào đó, đà suy giảm của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; ảnh hưởng của xu thế tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ có tác động nhiều chiều đến thị trường tài chính, thương mại và đầu tư trên quy mô toàn cầu, Bộ Tài chính đã có những quyết sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế.

Giao dịch tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Nghệ An
Giao dịch tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Nghệ An. Ảnh C.L

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, một số tổ chức quốc tế uy tín đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 so với dự báo trước đó. Chẳng hạn: Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,4% trong năm 2016, giảm 0,2% so với mức dự báo tháng 10/2015. Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 là 3,0% thay vì mức 3,3% như dự báo tháng 11/2015; Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt mức 2,9% năm 2016, thấp hơn 0,4% so dự báo vào tháng 6/2015.

Chính vì vậy, nền kinh tế trong nước cũng phải đối mặt với một số khó khăn lớn. Để thực hiện được mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước 2016 có mục tiêu tổng quát là: Huy động, phân phối, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, công bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; từng bước cơ cấu lại NSNN, ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính, đảm bảo an toàn nợ công”.

Trên cơ sở số thực hiện thu NSNN năm 2015, dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 1,8% so thực hiện năm 2015. Trong đó, dự toán thu nội địa đạt 785.000 tỷ đồng (bao gồm cả 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp); không kể thu tiền sử dụng đất (50.000 tỷ đồng), thì tăng 9,3% so với thực hiện năm 2015, trong đó thu từ một số khu vực chủ đạo như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước dự kiến tăng 12,9%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8%, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 10,7%...

Dự toán thu thì như vậy, còn dự toán chi NSNN năm 2016 là 1.273.200 tỷ đồng, tăng 11% so dự toán năm 2015. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 254.950 tỷ đồng, chiếm 20% tổng chi NSNN (năm 2015 là 17%), tăng 30,7% so với dự toán năm 2015 (bao gồm cả 30.000 tỷ đồng tiền từ bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đưa vào cân đối NSNN năm 2016, dành tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng, có sức lan tỏa cao thuộc trách nhiệm của NSTW). Kể cả chi đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ (60.000 tỷ đồng), nguồn xổ số kiến thiết (26.000 tỷ đồng) thì tổng chi đầu tư phát triển là 340.950 tỷ đồng, chiếm 25% tổng chi NSNN (dự toán năm 2015 là 24%) và chiếm 6,7%GDP (bằng dự toán năm 2015). Dự toán bội chi NSNN năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95%GDP, giảm 0,05%GDP so năm dự toán 2015.

Thi công trên công trường cụm công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, ảnh minh họa
Thi công trên công trường cụm công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Ảnh minh họa

Để đạt được các mục tiêu dự toán trên, Bộ Tài chính đã đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện dự toán NSNN năm 2016 cho những tháng cuối năm. Theo đó, việc kết hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được đặt lên hàng đầu. Với việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả gắn kết đồng bộ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tín hiệu thị trường nhằm ổn định vĩ mô, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế; mức tăng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng đồng thời bảo đảm chất lượng tín dụng; cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước là nhiệm vụ tối quan trọng.

Bên cạnh đó, cần phải chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả, khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ là các giải pháp được đặt lên hàng đầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để củng cố vững chắc cơ sở cho tăng trưởng kinh tế, việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực” là giải pháp vô cùng căn cơ. Chúng ta buộc phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đa dạng hóa thị trường, tận dụng, phát huy lợi thế do quá trình hội nhập đem lại, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh mới có thể duy trì đà phát triển.

Chính vì vậy, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng; thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc… Ngoài ra, cần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quốc gia. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu.

Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo UBND tỉnh đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thành các dự án thu hút đầu tư và công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh có Công văn 4315/UBND-CN (ngày 20/6/2016) yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh các công trình trọng điểm theo từng lĩnh vực cụ thể, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế và hạ tầng trên địa bàn, góp phần quan trọng thực hiện thành công các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã đề ra.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN