Cơ hội mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn

13/09/2016 15:13

(Baonghean) - Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng. Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa ra đời từ tháng 4/2016 đã mang lại kỳ vọng mới. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này cũng không dễ dàng.

Nhiều chính sách ưu đãi

Nghệ An hiện có gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển đa dạng trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp khai thác, chế biến và các ngành nghề khác. Trong đó, nhiều DN tương đối năng động trong thương mại và giao thương. Song đội ngũ DN tỉnh nhà nhiều nhưng chưa mạnh, hầu hết các DN hoạt động đều dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng, do vậy Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa (SMEDF) ra đời được cộng đồng DN kỳ vọng tạo cơ hội mới để tiếp cận nguồn vốn.

Sản xuất ván sàn xuất khẩu tại Doanh nghiệp Song Thắng (KCN nhỏ Nghi Phú, TP. Vinh).
Sản xuất ván sàn xuất khẩu tại Doanh nghiệp Song Thắng (KCN nhỏ Nghi Phú, TP. Vinh).

Với quy mô ban đầu 2.000 tỷ đồng, SMEDF là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mục đích của quỹ là giúp các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các DN đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Từ năm 2016, quỹ ủy thác cho 3 ngân hàng thương mại (Vietcombank, HDBank, BIDV) cho vay. Các DN nhỏ và vừa đáp ứng được các điều kiện sẽ được quỹ cho vay với mức lãi suất ưu đãi là 5,5% đối với khoản vay ngắn hạn, và 7% đối với khoản vay trung, dài hạn.

Những rào cản về điều kiện vay vốn

Nhiều DN cho rằng, rào cản lớn nhất là yêu cầu về tài sản thế chấp. Đây là một trong những thách thức lớn với DN. Rất nhiều DN hiện nay không tiếp cận được các chương trình hỗ trợ tín dụng của Nhà nước cũng như nguồn vốn từ ngân hàng vì lý do này.

Đại biểu Trần Thanh Thủy- Giám đốc VNPT Nghệ An: Cần có chính sách khuyến khích giới trẻ khởi động doanh nghiệp.
Hình minh hoạ.

Ông Vũ Văn Tượng - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Xuân chia sẻ: “DN chúng tôi chuyên nuôi trồng thủy sản 5 ha tôm, sản lượng thu hoạch hàng năm từ 40 - 45 tấn; khai thác đá và chế biến các loại đá phục vụ xây dựng công trình, trung bình mỗi năm khai thác chế biến khoảng 100.000 m3 đá xây dựng các loại; ngoài ra, đơn vị có 15 xe tải chuyên vận tải đá phục vụ các công trình xây dựng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 60 - 70 lao động, với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hàng năm của đơn vị khoảng 30 tỷ đồng. Nạp ngân sách Nhà nước từ 2- 2,5 tỷ đồng/năm. Hiện nay chúng tôi đang muốn mở rộng thêm khu khai thác mỏ đá; đồng thời cải tạo hệ thống ao nuôi tôm, hệ thống xử lý nước để đảm bảo phục vụ chăn nuôi, cần tổng nguồn vốn khoảng 30 tỷ đồng để đầu tư. Năm nay có Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa ra đời, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp cận được nguồn vốn này. Tuy nhiên, để đáp ứng được điều kiện vay vốn cũng không dễ, bởi quỹ cũng yêu cầu tài sản thế chấp như vay vốn ở ngân hàng thương mại. Trong khi, quá trình hoạt động DN phải tự bươn chải, một số tài sản như bìa đất của gia đình cũng đã thế chấp để vay vốn ngân hàng. Bây giờ không có tài sản để thế chấp, DN mong muốn được quỹ tạo điều kiện cho vay tín chấp bằng chính năng lực suốt quá trình hoạt động của đơn vị và thế chấp bằng những dự án khả thi mà DN đang làm”.

Hiện, nhiều DN đang rất trông chờ vào hoạt động của Quỹ SMEDF như một chỗ dựa để phát triển. Do đó rất kỳ vọng ban quản lý quỹ cũng như các ngân hàng thương mại nhận ủy thác cho vay đồng hành cùng doanh nghiệp tốt hơn để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN