Muốn 'chết' thì cứ xài công nghệ, thiết bị lạc hậu Trung Quốc

24/09/2016 23:39

Hàng loạt dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, làm ăn thua lỗ, bết bát, ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, giảm sức cạnh tranh... vì dùng công nghệ, thiết bị lạc hậu Trung Quốc. Câu chuyện “nhặt rác” công nghệ Trung Quốc thật sự nhức nhối, đáng báo động.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công thương) nêu quan điểm khi trao đổi xung quanh câu chuyện Việt Nam trước nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

PGS.TS Thắng nói: Công nghệ luôn là yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đối với các nền kinh tế. Không thể hội nhập quốc tế bằng những công nghệ cũ được.

Muốn “chết” thì cứ xài công nghệ, thiết bị lạc hậu Trung Quốc

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ nghìn tỷ ở nhà máy đạm Ninh Bình là do chi phí cao, công nghệ lạc hậu khi chọn công nghệ Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là suốt trong nhiều năm qua, vấn đề về thiết bị, công nghệ lạc hậu lại trở nên nhức nhối. Đâu đâu cũng thấy tràn nhập, thiết bị lạc hậu từ Trung Quốc.

Nhiều năm trước đây, chúng ta hẳn còn nhớ về câu chuyện xi măng lò đứng. Hồi đó nhiều cơ quan có thẩm quyền vận động cái công nghệ lạc hậu này từ Trung Quốc du nhập vào nước ta, sau một thời gian thì thấy rõ, ô nhiễm môi trường trầm trọng, hiệu quả kinh tế không có.

Gần đây thì sao? Đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, Nhà máy bột giấy Phương Nam, xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng… và hàng loạt dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” khác vì sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc.

Liên quan đến nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong những dự án điêu đứng vì dùng công nghệ Trung Quốc, để cứu nhà máy này, UBND Ninh Bình đã kiến nghị áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm urê nhập khẩu để hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ.

Tôi cho đây là đề nghị rất “ngớ ngẩn”. Đạm Ninh Bình sử dụng công nghệ quá cũ (khí hóa than), công nghệ Trung Quốc lạc hậu khiến giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp, không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trong nước, đặc biệt là phân bón Trung Quốc.

Câu chuyện “nhặt rác” công nghệ Trung Quốc thật sự nhức nhối.

Hiểm họa như vậy, nhưng theo ông nguyên nhân vì đâu cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân cứ đổ xô nhập thiết bị Trung Quốc?

Tôi cho rằng vấn đề này không chỉ do các doanh nghiệp mà còn ở khâu quản lý. Nhiều người làm cơ quan quản lý thấy việc làm ăn với Trung Quốc là cơ hội để kiếm trác, vì lợi ích nên họ bất chấp.

Trong khi đó, bản thân nhiều doanh nghiệp làm ăn với kiểu chộp giật, tư duy rất ngắn … Hoặc có thể vì những lý do liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm nào đó, họ biết rõ hiểm họa nhưng vẫn bất chấp làm.

Còn như đối với doanh nghiệp nhà nước, họ dùng tiền ngân sách để làm việc đó, tiền thì họ hưởng mà hậu quả thì để lại người dân, cho con cháu thì họ vẫn cứ làm thôi.

Chưa kể, doanh nghiệp Trung Quốc cũng có rất nhiều chiêu trò để đánh vào lòng tham của người Việt: Họ cho vay vốn lãi suất thấp, rồi chi tiền “lót tay” nhiều, thậm chí có doanh nghiệp Trung Quốc còn “dụ dỗ” sẽ hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho anh nếu anh mua máy móc của tôi…

Theo ông, cần có những biện pháp gì ngăn chặn không để Việt Nam không trở thành bãi thải công nghệ?

Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây đã tuyên bố quan điểm không chấp nhận công nghệ sản xuất lạc hậu. Chủ tịch Quốc hội nói sửa Luật chuyển giao công nghệ để ngăn việc Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ.

Tuy nhiên, những chủ trương đó có đi vào thực tiễn hay không lại nằm ở sự tuân thủ của các cơ quan quản lý, nằm ở cán bộ. Ai làm sai, gây thất thoát phải quy trách nhiệm rõ ràng. Cần làm rõ trách nhiệm của từng người đã xây dựng, tham gia, phê duyệt các đầu tư thất bại, gây lãng phí, hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng đó là tích cực cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Bản chất các doanh nghiệp nhà nước họ không phải chịu sức ép cạnh tranh trong nước, họ sống dựa vào lợi thế được ưu ái, tiếp cận với mọi nguồn lực bằng cách dễ dàng. Nhưng nhìn vào những con số thua lỗ hàng nghìn tỷ của nhiều doanh nghiệp nhà nước có thể thấy, họ đang làm giảm sức mạnh của nền kinh tế…

Trung Quốc là nước phát triển với nhiều trình độ khác nhau. Họ có công nghệ rất cao, nhưng cũng có công nghệ lạc hâu. Mục tiêu của họ là thải rác ra để có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh. Để đạt được lợi ích, họ phải làm mọi cách đẩy “của ôi thiu” sang cho chúng ta.

Chuyện đó sẽ không thay đổi dù chúng ta có kêu gọi họ hay như thế nào nữa cũng sẽ vẫn thế. Quan trọng là ở chúng ta thôi. Đừng “tiếp tay” cho họ nữa.

Rất nhiều cảnh báo dưa thừa được đưa ra đối với những ngành như thép, ngành xi măng… nhưng nhiều doanh nghiệp với sự ủng hộ của các bộ ngành vẫn cố “đâm đầu” vào đầu tư bằng công nghệ thải loại từ Trung Quốc.

Điều đó sẽ gây nên hậu họa đối với nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, cần tỉnh táo để bảo vệ quyền lợi cho chính đất nước mình!

Theo bizlive

TIN LIÊN QUAN