Công khai số liệu tài sản công

11/10/2016 16:44

(Baonghean) - Quá trình thực hiện Luật quản lý tài sản công, ban hành từ năm 2008 có nhiều lĩnh vực chưa hợp lý cần điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó, theo ý kiến Bộ Tài chính cho rằng, việc công khai trong quản lý, sử dụng tài sản là cần thiết.

Hàng năm Bộ Tài chính đều báo cáo Quốc hội, Chính phủ, có 4 loại tài sản trị giá 1.040.000 tỷ đồng, tương đương gần 50 tỷ USD chưa kể nhóm tài sản hạ tầng, nhóm tài sản là mười mấy nghìn công trình cấp nước sạch trị giá 20 nghìn tỷ đồng. Riêng về hạ tầng, theo danh mục Bộ Tài chính theo dõi, có 39.962 tuyến đường, trong đó đường do Trung ương quản lý là 173 tuyến, còn lại 39.789 tuyến với tổng nguyên giá là 1.831.000 tỷ đồng do bộ ngành địa phương quản lý hiện đang trong quá trình đăng nhập vào cơ sở dữ liệu. Đó là tổng tài sản quốc gia, và việc đưa ra biện pháp khai thác phù hợp nhất là nhiệm vụ rất quan trọng.

“Hiện nay, theo Luật Ban hành năm 2008, công tác quản lý công sản, cả nước có bao nhiêu xe? biển số nào? ai dùng? biến động thế nào, trụ sở, nguyên giá hay hao mòn giá trị còn lại bao nhiêu… Bộ Tài chính đều nắm được. Tuy đang trong hoàn thiện, nhưng muốn làm đầy đủ công tác quản lý nên luật này phải được ban hành, có quy định rõ ràng, có giải pháp quản lý cho phù hợp thì tôi tin sẽ nhận được sự ủng hộ của báo chí và xã hội” - Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng khẳng định.

Công khai trong quản lý, sử dụng tài sản là cần thiết. Ảnh minh họa: Internet
Công khai trong quản lý, sử dụng tài sản là cần thiết. Ảnh minh họa: Internet

Về chủ trương khoán xe công, trả lời câu hỏi Bộ Tài chính dự trù tiết kiệm kinh phí Nhà nước được là bao nhiêu, việc coi biển số xe đẹp và số điện thoại đẹp là tài sản Nhà nước liệu sẽ được thực hiện thế nào, thuộc quản lý đơn vị chuyên ngành nào, có giá trị thế nào? Hay việc xe công dôi dư không đúng tiêu chuẩn sẽ xử lý thế nào, nhân sự đội xe dư sắp xếp xử lý ra sao? Cục trưởng Trần Đức Thắng cho biết, theo quan điểm cá nhân, ông cho rằng biển đẹp số đẹp là tài sản trong 5 nhóm tài sản. Theo kinh nghiệm các nước, biển xe ở một số nước mang ra đấu giá theo nguyên tắc dễ nhớ, trùng ngày, tháng, năm sinh hay kỷ niệm được chọn nhưng phải trả cho cơ quan Nhà nước một khoản tiền. Họ cũng không đưa vào ngân sách mà dùng làm từ thiện công tác xã hội. Việt Nam chưa có quy định này, và chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để sau khi luật ban hành sẽ tính đến - Cục trưởng Trần Đức Thắng nói.

“Về xe công, đại diện Cục Quản lý công sản cho biết, hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về việc sắp xếp xe công sau khi bộ ngành địa phương rà soát thực hiện đã báo cáo. Theo đó, đã xác định rõ số lượng xe bao nhiêu, chỗ nào thừa thiếu, định mức thế nào là thừa, là thiếu; xe nào quá cũ thanh lý, xe nào còn dùng được điều chỉnh cho các đơn vị còn thiếu xe, tránh thừa xe nhưng cứ bán đi rồi thiếu cứ mua, lãng phí tài sản Nhà nước” - Cục trưởng Trần Đức Thắng khẳng định.

Theo Cục Quản lý công sản, các tiêu chuẩn định mức hiện nay cơ bản là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu hoạt động các cơ quan đơn vị. Tuy còn có vài điểm thực hiện chưa phù hợp thì tới đây, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh báo cáo Chính phủ điều chỉnh phù hợp hơn. Ngay như việc Bộ Tài chính tự nguyện khoán xe công cho các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng trong bộ, thì cách khoán cũng thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ theo khoảng cách từ nhà đến cơ quan bao nhiêu. Tuy dự đoán là sẽ tiết kiệm được nhiều, Bộ Tài chính là cơ quan tiên phong đi đầu trong việc khoán nhưng phải thận trọng từng bước, trước mắt khoán xe đưa đón, sau một thời gian sẽ đánh giá lại. Còn hiện tại, đội ngũ lái xe nếu giải tán ngay cũng khó nên cần có khoảng thời gian điều chỉnh, và việc đi công tác vẫn phải bố trí đi công tác, họp hành các tỉnh.

Đồng quan điểm này, Phó Chánh văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng cho biết thêm: “Bộ Tài chính sẽ triển khai từng bước, sau thời gian đánh giá lại một cách thận trọng rồi tiến tới các bước tiếp theo. Dù sao đây là bước đầu tiên, mong rằng sẽ nhận được sự ủng hộ và có sức lan tỏa mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, để từng bước tiến tới khoán xe công, Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện muốn thực hiện được đầy đủ thì phải sửa quy định cụ thể trong Quyết định 32/TTg. Sau thời gian thực hiện, đã có một số bộ ngành địa phương làm tốt, và theo đó có một số địa bàn lĩnh vực có thể bắt buộc thực hiện, ví dụ tới đây có thể với các địa bàn ở các khu trung tâm đô thị phương tiện công cộng cá nhân phát triển tốt rồi có thể khoán được chức danh bắt buộc, gắn hạ tầng đáp ứng yêu cầu. Phải xác định địa bàn, theo quy định, không phải ồ ạt ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ các cơ quan đơn vị - ông Ngô Chí Tùng phát biểu.

Theo dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), tài sản Nhà nước tại Việt Nam có phạm vi, quy mô rất lớn; là cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và là nguồn lực quan trọng, bền vững có thể khai thác để phát triển kinh tế - xã hội.

Luật được ban hành sẽ thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý"; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan, tác động trực tiếp tới quản lý, sử dụng tài sản công Bộ luật Dân sự, Luật NSNN, Luật KTNN, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về tên gọi của dự án luật, để phù hợp với Điều 53 Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Chính phủ đã trình Quốc hội cho đổi tên của dự án luật là “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN