Anh Sơn phát triển công nghiệp sạch

07/11/2016 10:02

(Baonghean) - Từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Anh Sơn chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp Công nghiệp trên địa bàn được phát triển với các lĩnh vực trọng tâm là đường kính, xi măng, chè, gạch nung... theo hướng sạch, thân thiện với môi trường.

Động lực từ nhà máy mới

Anh Sơn là huyện miền núi thấp nằm về phía Tây Nam tỉnh Nghệ An có nhiều lợi thế và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Hiện nay huyện có nhiều nhà máy, công trình, nhiều sản phẩm công nghiệp như xi măng, gạch ngói, đá, cát, sạn, đường kính, chè trà, quần áo xuất khẩu... Toàn huyện có hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động, có 21 chợ nông thôn. Đặc biệt, từ khi Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 đi vào sản xuất, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho huyện.

Thu hái chè sạch ở xã Hùng Sơn.
Thu hái chè sạch ở xã Hùng Sơn.

Anh Đinh Thế Quyền, là kỹ thuật viên tại Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 chia sẻ: “Tôi may mắn được nhận vào làm việc tại nhà máy, và được đào tạo tiếp để sử dụng hiệu quả dây chuyền mới. Công việc giao khoán theo sản phẩm với mức lương bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng. Khi làm việc ở đây, mọi chế độ chính sách cho người lao động đều được công ty đảm bảo nên tôi rất yên tâm làm việc”.

Còn Nguyễn Đình Hậu ở Trù Sơn (Đô Lương), tốt nghiệp Trường xã Đại học Sự phạm Kỹ thuật Vinh cũng được nhận vào làm việc ở nhà máy xi măng cho hay: “Trước khi làm việc chính thức, tôi được nhà máy cử đi học tại Nhà máy Vissai Ninh Bình trong thời gian 3 tháng về kỹ thuật sản xuất xi măng, sau đó thì được nhận vào làm tại xưởng nguyên liệu, chuyên cấp nguyên liệu cho lò quay hoạt động. Công việc tại bộ phận này tương đối vất vả, nhưng thu nhập cũng ổn định, bình quân đạt trên 5 triệu đồng/tháng. Với tôi, có được công việc gần nhà cũng là điều may mắn”.

Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 công suất 600.000 tấn xi măng/năm với sản phẩm xi măng PCP30, PCP40 và clinker PCP50. 10 tháng đầu năm 2016, nhà máy đã sản xuất được gần 50.000 tấn Clinker, 40.884 tấn xi măng rời PCB 40, xi măng bao PCB 40 đạt 30.658 bao, doanh thu đạt gần 60 tỷ đồng, nộp thuế 41 tỷ đồng. Nhà máy có công nghệ tiên tiến nên đảm bảo về vệ sinh môi trường. Từ khi đi vào hoạt động, nhà máy thúc đẩy khu vực thị trấn và lân cận phát triển mạnh về dịch vụ và vận tải.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND xã Hội Sơn cho biết: Sau 2 năm Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 hoạt động đã góp phần giải quyết tốt lao động địa phương làm việc tại nhà máy với số lượng từ 120-150 người, mức lương ổn định và nhiều lao động làm việc thời vụ. Cùng với đó, hoạt động dịch vụ trên địa bàn cũng sôi động hơn trước, đặc biệt là các cửa hàng kinh doanh, buôn bán, các xưởng cơ khí sửa chữa, hàn xì...

Hiện ở Anh Sơn, xi măng là sản phẩm công nghiệp chủ lực của huyện với Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 của Tập đoàn The Vissai và nhà máy của Công ty TNHH MTV Thanh Sơn với công suất thiết kế 88.000 tấn/ năm. Hiện các nhà máy đã hoạt động cho ra sản phẩm và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Bên cạnh đó, tại xã Cẩm Sơn và Hội Sơn, có 2 doanh nghiệp tham gia sản xuất gạch đất nung, đưa ra thị trường tiêu thụ hơn 15 triệu viên gạch/năm.

Hướng phát triển công nghiệp sạch

Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp được huyện Anh Sơn ưu tiên và tổ chức ký cam kết với các nhà máy đảm bảo môi trường. Trên địa bàn ghi nhận sản phẩm đường kính do Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam sản xuất, sản lượng mỗi năm đạt từ 7000- 8000 tấn. Hiện nay, công ty có diện tích mía nguyên liệu 3.000 ha; nhà máy đang cải tạo thiết bị, nâng công suất từ 1.500 tấn mía/ngày lên 3.000 tấn mía cây/ngày vào năm 2020.

Để sản xuất đường sạch, công ty đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh, xây dựng hệ thống xử lý khói bụi lò hơi nấu cồn, xử lý nước hèm thải sản xuất cồn với tổng mức đầu tư 8,2 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty đã tận dụng được bùn tro bã mía để sản xuất 5.000 tấn phân vi sinh/năm. Việc tận dụng bùn thải làm phân vi sinh đã xử lý triệt để khoảng 100 tấn bã thải/năm, hạn chế tình trạng ô nhiễm mùi tại nhà máy cũng như môi trường xung quanh. Lượng nước thải (100m3/ngày) cũng đã được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Đóng bao xi măng ở Nhà máy xi măng Sông Lam 2.
Đóng bao xi măng ở Nhà máy xi măng Sông Lam 2.

Một sản phẩm nữa của Anh Sơn cũng đang vận hành theo mô hình sản xuất sạch, đó là chế biến chè công nghiệp dựa trên nguyên liệu chè búp, trồng ở nhiều xã trong toàn huyện, gồm các xã: Long Sơn, Phúc Sơn, Hội Sơn, Hoa Sơn, Cẩm Sơn, Hùng Sơn, Đức Sơn, Đỉnh Sơn, Tường Sơn, Tam Sơn... Để đáp ứng nhu cầu chế biến chè búp tươi, ngoài 3 doanh nghiệp sản xuất trước năm 2010 (Nhà máy chè Đỉnh Sơn, Nhà máy chè đen, Nhà máy chè Hùng Sơn) đến nay đã có thêm 3 doanh nghiệp tư nhân tham gia chế biến chè. Sản lượng chè công nghiệp duy trì ở mức độ phát triển khá, bình quân đạt 4.000 - 5.000 tấn/năm. Sản phẩm chè Anh Sơn được xây dựng thương hiệu như chè Mạc Điền, chè Hùng Sơn được khách hàng trong cả nước ưa chuộng.

Anh Sơn đang phấn đấu đưa ngành Công nghiệp có tỷ trọng đóng góp ngày càng tăng trong cơ cấu GDP của huyện; tỷ trọng ngành Công nghiệp trên địa bàn đạt 40% năm 2020. Tốc độ phát triển công nghiệp hàng năm giai đoạn 2015 - 2020 tăng 15%; giai đoạn 2020 - 2030 đạt 12 - 15%. Giá trị sản xuất công nghiệp (CN-TTCN-XD) đến năm 2020 đạt khoảng 2.100 tỷ đồng.

Trân Châu - Huyền Trang

TIN LIÊN QUAN