Tạo dấu ấn từ hoạt động tư vấn phản biện

07/11/2016 09:59

(Baonghean) - Trải qua chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, sự nghiệp thủy lợi cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đã giành được những kỳ tích đáng tự hào trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, khai thác mặt lợi, ngăn trừ mặt hại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương sáp nhập, tên gọi thủy lợi không còn trong tổ chức bộ máy Nhà nước, nhưng vai trò vị trí của thủy lợi trong sản xuất và đời sống vẫn chiếm vị trí độc tôn. Để tập hợp, phát huy tài năng trí tuệ đội ngũ cán bộ viên chức trong ngành tích cực đóng góp vào sự nghiệp chung, năm 2006, UBND tỉnh ra Quyết định số 1548/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội Thủy lợi Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Quang Hòa trao đổi với người dân xã Châu Bình (Quỳ Châu), giá trị công tác phản biện đối với công trình Hồ chứa nước Bản Mồng.
Đồng chí Nguyễn Quang Hòa trao đổi với người dân xã Châu Bình (Quỳ Châu), giá trị công tác phản biện đối với công trình Hồ chứa nước Bản Mồng.

Qua 10 năm hoạt động, Hội Thủy lợi Nghệ An đã khẳng định vị trí là tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhạy bén, sáng tạo trong hoạt động, trước hết là cho ra đời Trung tâm Tư vấn ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ Thủy lợi làm đầu mối cho hoạt động khoa học. Hoạt động hội đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ của ngành và địa phương, đưa ra nhiều nội dung hoạt động thiết thực tạo dấu ấn thành công trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là công tác phản biện.

Trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật tư vấn và luận cứ khoa học, thành công có ý nghĩa mở đầu là phản biện chính sách, trong đó chính sách miễn thủy lợi phí cho nông dân là một ví dụ. Đó là: Quốc hội cho phép miễn thủy lợi phí cho nông dân. Tuy nhiên, ngày 15/10/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2007/NĐ-CP quy định thủy lợi phí (TLP) chỉ miễn cho nông dân sử dụng nước trồng lúa ở các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư xây dựng và công ty, xí nghiệp quản lý. Nông dân các vùng chưa được Nhà nước đầu tư phải vay vốn, đóng góp xây dựng và quản lý công trình không được thụ hưởng chính sách này.

Dự báo tình hình sẽ bất ổn khi chính sách trên đi vào cuộc sống, hội đã mạnh dạn lập báo cáo phản biện trình Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến tỉnh và viết bài “Thủy lợi phí ở Nghệ An kẻ cười, người khóc” đăng trên các báo Trung ương và địa phương và được dư luận đồng tình ủng hộ. Kết quả, chỉ một năm sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2008 ngày 14/11/2008 thay thế Nghị định số 154/2007/NĐ-CP quy định miễn thủy lợi phí cho tất cả hộ dùng nước ở các công trình thủy lợi không phân biệt đối tượng đầu tư và quản lý công trình.

Về phản biện các chương trình dự án, dấu ấn sâu đậm nhất là Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Theo dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được phê duyệt thì xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu bao gồm đồng bào các dân tộc và miền xuôi lên khai hoang lập nghiệp vượt nhiều khó khăn đã tạo lập được cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế đứng hàng đầu huyện Quỳ Châu bị ngập trong lòng hồ phải di dời 773 hộ; cơ sở hạ tầng bị ngập gồm: Trụ sở UBND xã 748 m2; trạm y tế 668 m2; nhà bưu điện 80 m2, 3,8 km Quốc lộ 48; có 4 trạm biến áp và đường dây cao thế, hạ thế; Toàn bộ trường học các cấp… Các khu quy hoạch tái định cư đã được phê duyệt không có tính khả thi do thiếu quỹ đất và nguồn nước.

Nhận định Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng có khả năng thất bại. Sau khi trình và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ phản biện, hội đã huy động các kỹ sư, chuyên gia đầu ngành tập trung sức nghiên cứu, khảo sát đề xuất phương án kỹ thuật có tính độc đáo, có tính khoa học, tính khả thi cao, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao và chấp nhận bổ sung hợp phần đập phụ, kênh thông hồ và kênh tiêu xã Châu Bình. Hiệu quả của phản biện đã tách được cơ bản địa bàn xã Châu Bình ra ngoài lòng hồ, 585 hộ không phải di dời trên 773 hộ di dời đã phê duyệt, Quốc lộ 48 và toàn bộ cơ sở vật chất hạ tầng, 215 ha ruộng lúa được bảo vệ, mực nước trong hồ vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu, đặc biệt giảm đầu tư tái định cư 272 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư đã được phê duyệt.

Nghiên cứu bản đồ và đi thực địa kiểm chứng đã lập báo cáo phản biện trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao và chấp nhận phương án đưa nước hồ Bản Mồng vượt sông Hiếu tưới tự chảy cho 2.263 ha thay thế cho 3 trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu.

Hoạt động hiệu quả, hội còn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng giao nhiệm vụ phản biện, tối ưu hóa cổng kiểm soát mặn và cải tạo môi trường vùng hạ lưu sông Hoàng Mai. Báo cáo phản biện của dự án này được Bộ NN&PTNT đánh giá cao, ngoài việc đơn vị tư vấn lập dự án tiếp thu, chỉnh sửa, văn bản phê duyệt dự án do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký còn lưu ý tiếp tục nghiên cứu 3 khuyến nghị của phản biện.

Không chỉ dừng lại ở đó mà hoạt động phản biện còn được mở rộng trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hiệu quả được ghi nhận là hội đã đạt giải cao trong cuộc thi Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 do Tổng Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức. Đề án dự thi có chủ đề “Xây dựng cơ chế chính sách, đưa chủ trương phản biện vào cuộc sống ở Nghệ An”, vượt qua 150 đề án dự thi cả nước, được cùng 40 đề án vào chung khảo. Đồng thời được giám khảo quốc tế đánh giá là 1 trong số 24 đề án đạt giải và được tài trợ thực hiện, đem lại kết quả thiết thực, bổ ích, góp phần giúp UBND tỉnh ban hành Quyết định số 60/2014/UBND về “Quy định cơ chế tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Nghệ An”.

Những kết quả trong hoạt động phản biện của Hội Thủy lợi Nghệ An không những thể hiện trí tuệ, trách nhiệm, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật trong ngành Thủy lợi mà còn thể hiện nền dân chủ và văn minh của chế độ, là yếu tố của khoa học xã hội và nhân văn, là môi trường, động lực giúp hội phát triển vững mạnh, gặt hái nhiều thành công trong thời kỳ mới.

Nguyễn Quang Hòa

(Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thủy lợi Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN