Tăng tốc ôn thi THPT Quốc gia

26/05/2017 10:38

(Baonghean) - Mặc dù đã bước vào những ngày cuối cùng của năm học, nhưng không khí ôn tập và chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn đang được các nhà trường gấp rút triển khai. Đây cũng là thời điểm quan trọng để học sinh và các trường rút kinh nghiệm và lên phương án để kỳ thi đạt được kết quả tốt nhất…

Điều chỉnh theo bộ đề thi tham khảo

Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 3 lần công bố đề thi minh họa và mỗi lần đều có sự điều chỉnh khác nhau. Về phía các trường THPT, đề thi minh họa cũng được xem là “cẩm nang” quan trọng, để từ đó xây dựng phương án ôn tập cho học sinh được hiệu quả. Hiện tại, mặc dù chỉ mới 1 tuần sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo, nhưng nhiều trường đã điều chỉnh phương pháp ôn thi THPT. Tại Trường THPT chuyên Đại học Vinh, dù môn Toán là thế mạnh của trường, nhưng giáo viên và học sinh hoàn toàn không chủ quan.

Ngược lại, nhà trường còn chủ động nghiên cứu kỹ đề thi để có bước điều chỉnh ôn tập. Nói về đề thi tham khảo, Thạc sĩ Lê Mạnh Linh - Giáo viên Toán Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: “Với đề thi này hạn chế học sinh dùng máy tính bỏ túi, yêu cầu học sinh nắm vững và biết vận dụng kiến thức cơ bản trong dạng Toán. Ngoài ra, học sinh cũng phải sử dụng tư duy logic, suy luận để làm bài.

Ở những câu vận dụng bậc cao thì hạn chế tính hàn lâm và không nên đưa những câu hỏi tự luận vào làm thi trắc nghiệm”… Do có những thay đổi trong đề thi tham khảo nên đề cương ôn tập của học sinh cũng đã được điều chỉnh, trong đó phần câu hỏi có thể giải bằng máy tính giảm xuống còn 10% thay vì 30% như trước. Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích học sinh học nhóm với nhau để các em có sự tương tác, giúp đỡ, bổ trợ kiến thức cho nhau.

Giờ ôn tập theo nhóm của học sinh lớp 12 A1 - Trường THPT chuyên Đại học Vinh.
Giờ ôn tập theo nhóm của học sinh lớp 12 A1 - Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú 1 Nghệ An, với đặc thù 100% học sinh là dân tộc Thái, Khơ mú, Mông, hơn một nửa số học sinh khối 12 của trường lựa chọn thi tổ hợp khoa học xã hội. Với đề thi tham khảo bộ môn Lịch sử, có 2 dạng câu hỏi được thầy, cô giáo lưu ý để ôn tập cho học sinh trong thời gian tới là câu hỏi chọn đáp án đúng nhất và câu hỏi chứa từ khó hiểu.

Em Trương Thị Lan Anh - Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Dân tộc nội trú 1 Nghệ An cho rằng: Qua 3 đề thi minh họa thì em thấy cấu trúc đề thi tham khảo sát với chương trình học, có sự phân hóa rõ rệt từ câu dễ đến câu khó. Điều này, đòi hỏi học sinh phải có tư duy và cách làm chắc chắn mới đạt được điểm cao.

Việc sắp xếp các câu hỏi theo thứ tự từ dễ đến khó tạo nên tâm lý thoải mái, tự tin cho học sinh khi làm bài. Chia sẻ về kinh nghiệm, cô giáo Vi Thị Hồng, giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường THPT Dân tộc nội trú 1 Nghệ An cho biết: Trong thời gian nước rút này, học sinh nên lựa chọn cụm từ chìa khóa để học, cố gắng phân biệt được thuật ngữ Lịch sử và các cụm từ khóa, đồng thời vạch ra được công thức chung để các em học, tránh nhầm lẫn sự kiện này với sự kiện kia. Trong quá trình học cố gắng tìm ra những sự kiện Lịch sử thế giới có tác động trực tiếp đến Việt Nam, vận dụng liên hệ thực tế”.

Không chủ quan

Đây là một trong những yêu cầu được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đưa ra trong buổi làm việc với các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Bởi lẽ, trong Kỳ thi THPT Quốc gia tới, điểm xét công nhận tốt nghiệp có đến 50% là điểm lấy từ học bạ. Vì vậy, nếu không đánh giá khách quan, rất dễ xảy ra tiêu cực.

Tại Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, cô giáo Hoàng Thị Kim Liên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian qua nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên cần phải trung thực trong việc chấm điểm và vào sổ điểm cho học sinh. Về phía nhà trường, do sổ điểm của các em được cập nhật theo tháng và được niêm yết bằng sổ điểm điện tử nên khó có thể điều chỉnh.

Quá trình ôn tập cũng cho thấy còn nhiều điều phải lo lắng. Đơn cử như ở thành phố Vinh, thời gian qua 3 trường công lập trên địa bàn thành phố là THPT Hà Huy Tập, THPT Lê Viết Thuật và THPT Huỳnh Thúc Kháng đã cùng phối hợp để tổ chức thi thử cho học sinh.

Tuy vậy, ngoài kết quả chưa cao như kỳ vọng, việc tổ chức còn bộc lộ những hạn chế, do năm nay là năm đầu tiên nhiều môn thi được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm. Thầy Nguyễn Văn Đờn - Tổ trưởng bộ môn Vật lý, Trường THPT Lê Viết Thuật nêu ý kiến: “Qua những lần tổ chức thi thử, làm bài kiểm tra như thật, hiện tôi khá yên tâm với lực học của các em. Tuy nhiên, kỹ năng và thao tác làm bài còn cần phải được thực hành thêm, nhất là cách điền đáp án vào phiếu trả lời.

Đơn cử như môn Vật Lý, đây là một trong ba môn của tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. Nếu như trước đây, các em làm xong môn nào thì nộp bài thi môn đó. Nhưng hiện tại, chỉ có một phiếu chung để trả lời cho 3 môn thi gồm 120 câu hỏi nên các em phải cẩn thận, tránh nhầm lẫn, sai sót gây mất điểm. Trong thời gian làm bài thi cũng cần phải lưu ý, đặc biệt là với những môn thi tổ hợp.

Không loại trừ trường hợp có những phòng thi do học sinh chỉ đăng ký một phần của môn thi tổ hợp, nên giữa các môn thi các em sẽ ở trạng thái “ngồi không” mà không được ra ngoài phòng thi. Do đó, để đảm bảo khách quan, các điểm thi cần bố trí phòng thi hợp lý theo từng nhóm thí sinh, tránh làm xáo trộn đến tâm lý làm bài của các thí sinh khác”.

Ở Trường THPT Nam Yên Thành (Yên Thành), sau kỳ thi thử, nhiều giáo viên cũng không giấu được nỗi lo khi số học sinh có điểm trên 5 chỉ chiếm khoảng 40%. Chính vì lẽ đó, thời điểm cuối năm là lúc mà nhà trường tăng tốc ôn tập và đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh trung bình, yếu.

Chia sẻ về kế hoạch của tháng cuối cùng, thầy giáo Nguyễn Văn Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Chúng tôi chỉ đạo giáo viên trong soạn bài giảng và lên lớp cần tập trung 60% kiến thức cơ bản trọng tâm để học sinh đạt được mục tiêu tốt nghiệp.

Quá trình giảng dạy, cần tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở để giảm áp lực ôn tập cho học sinh, không để xảy ra trường hợp học sinh bỏ ôn tập vì lý do gặp áp lực quá lớn. Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

Liên quan đến Kỳ thi THPT Quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã liên tục có văn bản yêu cầu các trường tăng tốc ôn tập. Đồng thời đã trực tiếp đi kiểm tra ở các trường để nắm bắt tình hình và có phương án điều chỉnh phù hợp.

Ông Võ Văn Mai - Trưởng phòng Trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Trong thời gian còn lại, các trường cần tiến hành rà soát, bổ sung kế hoạch ôn tập, trong đó chú trọng việc xác định nội dung, thời lượng, hình thức tổ chức ôn tập, lưu ý hướng dẫn học sinh tự ôn tập.

Về nội dung ôn tập, cần chú ý xác định các chủ đề cần ôn tập của từng môn học; trong mỗi chủ đề, xác định rõ chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt; các loại/dạng câu hỏi, bài tập; hệ thống câu hỏi/bài tập ở các mức độ để giúp học sinh ôn tập, rèn luyện kỹ năng.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả học tập, kết quả thi thử, mục đích thi của học sinh để điều chỉnh nội dung, lựa chọn hình thức ôn tập phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh từ yếu, trung bình, khá - giỏi. Với các trường đã tổ chức thi thử, sau thi cần chú ý phân tích kết quả, giúp học sinh kịp thời rút kinh nghiệm làm bài và ôn tập, rèn luyện những kiến thức, kỹ năng còn yếu.


Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN