Công trình xây nhà ở sai phép ngày càng 'nhờn' luật?

05/08/2017 10:20

Vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án nhà ở có xu hướng gia tăng. Dường như đụng đến dự án nào cũng có vi phạm. Phải chăng các chủ đầu tư đang "nhờn luật" bởi chính sự buông lỏng quản lý?

Mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng tại 38 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị tại Hà Nội giai đoạn 2002-2014, trong đó chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án. Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi số tiền sai phạm lên đến 1.562 tỷ đồng.


Con số này khiến nhiều người không khỏi giật mình. Bởi những công trình xây dựng quy mô lớn, muốn được phê duyệt và triển khai phải qua rất nhiều cấp thẩm quyền. Chưa kể đội ngũ thanh tra xây dựng "phủ sóng" khắp các quận huyện. Tại sao vẫn không phát hiện ra sai phạm? Liệu có sự bao che, cố tình làm ngơ hay buông lỏng quản lý?

Chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) xây vượt số tầng.

Các sai phạm chủ yếu được Thanh tra Chính phủ nêu là: chưa nộp tiền sử dụng đất; xác định các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư chưa đúng, chưa đủ; chủ đầu tư dự án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích tăng thêm; xác định tiền sử dụng đất của dự án không đúng vị trí quy định tại bảng giá đất...


Những năm qua, hàng loạt công trình xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt tại Hà Nội, nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc dư luận như tòa nhà 8B Lê Trực, các dự án phá vỡ quy hoạch khu đô thị của chủ đầu tư Mường Thanh... Điều dư luận quan tâm là với những công trình xây dựng sai phép, tại sao không bị xử lý, phá dỡ mà vẫn "hiên ngang" tồn tại bao năm qua.

Dẫu biết sai nhưng... khó xử

Ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, theo Luật Xây dựng 2014, công tác quản lý giấy phép xây dựng phải có quy hoạch về xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Đây là cơ sở pháp lý để cấp phép xây dựng, tránh tình trạng xin - cho.

Trong nhiều năm trước đây, công tác 'phủ kín' quy hoạch rất thấp nên cơ quan cấp phép xây dựng có biểu hiện xin- cho. Khi vi phạm cũng khó cưỡng chế phá dỡ. Sau này, khi các quy hoạch nhiều hơn, nếu vi phạm đến quản lý kiến trúc quy hoạch đã công bố thì có thể phá dỡ. Nếu như vi phạm không ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc chung, quy hoạch xây dựng trước đó thì không phá dỡ.

Cũng với lý do "lịch sử để lại" này, tại buổi họp báo quý II/2017 của Bộ Xây dựng ngày 2/8, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, trong vòng 1 năm trở lại đây, có khoảng trên 60.000 giấy phép xây dựng khác nhau, có giấy phép xây dựng nhỏ, có giấy phép cho cả dự án. Quan điểm của Bộ Xây dựng là xử lý tất cả công trình sai phép.

"Tình trạng vi phạm là có, cụ thể như không phép hoặc sai phép. Tuy nhiên cần phải đánh giá theo quá trình", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, những năm 2010-2011, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh việc quản lý và cấp phép chưa hoàn thiện dẫn đến có xảy ra cơ chế xin cho hoặc sai phạm khó xử lý.

Hiện nay, cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, đã có nghị định hướng dẫn cụ thể, việc xử lý cũng có chế tài, phương pháp xử lý. Nhờ đó, tỷ lệ công trình sai phép đã giảm đi. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xảy ra sai phép, không phép, bao gồm cả công trình nhỏ, công trình lớn.

"Quan điểm xử lý của Bộ là sai phép, không phép thì phải đình chỉ thi công. Nếu không giấy phép là phải làm các thủ tục để xin phép, có thể cưỡng chế phá dỡ. Sai phép thì đình chỉ thi công, đối chiếu giấy phép và quy hoạch", Thứ trưởng Hùng cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng, cần xem lại bản chất việc xây dựng sai phạm vẫn là tài sản. Nếu đang xây tức thời thì phải xử lý. Còn nếu đã xây xong rồi, nếu phù hợp quy hoạch, sẽ thu phần chênh lệch do sai phạm mà có.

Việc phá vỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực vẫn chưa hoàn thành.

Phạt cho tồn tại khiến sai phạm tăng?

Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, để được tồn tại, công trình sai phép phải đảm bảo điều kiện: không vi phạm chỉ giới, đất hợp pháp, không tranh chấp, người dân ở ổn định.

Ông Tuấn dẫn chứng, nhà đang xây 4 tầng mà làm lên 5 tầng, phá đi cũng lãng phí nên cho tồn tại nếu quy hoạch cho phép được xây 5 tầng. Cho tồn tại, nhà nước sẽ thu 50% giá trị xây dựng sai phép.

Giải pháp "phạt cho tồn tại" này thoạt nghe có vẻ "nhân đạo", tránh lãng phí nhưng nó cũng đang khiến sai phạm gia tăng, thậm chí nhiều chủ đầu tư "nhờn luật", sẵn sàng sai phạm để nộp phạt. Bởi thực tế, phần giá trị phát sinh của phần xây sai phạm thường lớn hơn rất nhiều so với phần tiền phải nộp phạt (do những lợi thế về vị trí dự án).

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở đã ra 940 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 9,5 tỷ đồng. Số tiền này không "thấm" vào đâu so với những giá trị nhà ở phát sinh do xây sai phạm mang lại cho chủ dự án.

Do đó, theo các chuyên gia xây dựng, việc quản lý trật tự xây dựng phải làm từ gốc, ngăn từ gốc những hành vi vi phạm. Khi có dấu hiệu vi phạm, xây sai phép, cơ quan quản lý cần "tuýt còi" ngay, chứ không để đến khi "sự đã rồi" mới chạy theo giải quyết, rồi lại "phạt cho tồn tại". Làm như vậy không những khiến các chủ đầu tư "nhờn luật" mà còn tạo điều kiện cho một bộ phận cán bộ "đi đêm" với doanh nghiệp.

Trước đó, tại cuộc họp HĐND TP Hà Nội tháng 7, trả lời chất vấn về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết: "Các quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng có đầy đủ. Việc xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng hiện nay có nguyên nhân từ cán bộ quản lý địa bàn, chính quyền cơ sở chưa kiên quyết; ý thức của chủ đầu tư và một bộ phận người dân cố tình vi phạm. Do đó, thời gian tới, thành phố chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng, nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý hình sự".

Đã đến lúc cần phải siết chặt quy trình quản lý xây dựng. Những nơi để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng, thanh tra xây dựng, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Có như vậy mới lập lại được trật tự văn minh, đô thị.

Theo Hoàng Dương/baotintuc

TIN LIÊN QUAN