Tích tụ ruộng đất làm sao để nông dân được hưởng lợi nhiều nhất
Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á 2017 và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017-2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, cải cách nông nghiệp vẫn là then chốt để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay và năm kế tiếp.
Báo cáo này dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn bán lẻ, ngân hàng và du lịch.
Tổ hợp tác sản xuất nông sản Mai Sơn (xã Mai Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã giúp nông dân tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản. Ảnh: Ảnh: Thùy Dung/TTXVN |
Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục thúc đẩu ngành chế tạo trong nước, đồng thời giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi dòng thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục suy giảm.
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam cũng đang tăng nhành, và được dự báo tăng gấp đôi so với hiện nay lên 33 triệu người vào năm 2030, cũng sẽ giúp gia tăng tiêu dung cá nhân và thúc đẩy thương mại bán lẻ.
Tuy nhiên, theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam thì nông nghiệp vẫn luôn là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhất là khi Việt Nam thực hiện cải cách lĩnh vực này vào cuối thập niên 1980.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, trước sức ép của cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011.
Sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng một phần ba của Indonesia và chưa bằng một nửa so với Thái Lan và Philipin. Do đó, việc chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp, làm cho nông nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững hơn là yếu tố thiết yếu để nâng cao tăng trưởng GDP.
Trong đó, cần tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để hỗ trợ các mặt hàng nông sản mang lại giá trị cao hơn, áp dụng công nghệ để cải thiện năng suấ, liên kết mạnh mẽ hơn giữa các Viện nghiên cứu nông nghiệp và nhà nông…
Việc quản lý tài nguyên cũng phải bền vững hơn, trong đó có các chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất. Vì hiện nay, trên 80% số thửa đất canh tác có diện tích dưới 1 héc ta.
Tuy nhiên, theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, quan trọng cuối cùng của việc tích tụ ruộng đất, đồn điển đổi thửa là người nông dân phải được hưởng lợi. “Phải làm sao để lợi nhuận, hiệu suất sinh lời của người người nông dân phải được tăng lên từ nông nghiệp”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Do đó, cũng theo ông Eric Sidgwick, việc tích tụ ruộng đất không chỉ là vấn đề kinh tế mà là cả vấn đề xã hội. Vì vậy, cần có thời gian để người nông dân có thể thay đổi tư duy, từ việc dồn điền đổi thửa ra sao đến việc trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế thực sự.
Cũng theo báo cáo này, ngành nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ có sự cải thiện trong năm 2017. Việt Nam cũng đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,8% trong năm nay.
Theo Xuân Phong/baotintuc
TIN LIÊN QUAN