Thanh Chương: Nhiều mô hình nhờ nghị quyết chuyên đề

20/08/2014 17:48

(Baonghean) - Khí thế sục sôi cách mạng của những ngày thu lịch sử cách đây 84 năm trên địa bàn huyện Thanh Chương được đánh giá “chưa từng thấy ở An Nam bao giờ...”. Khí thế ấy đã, đang được cán bộ, đảng viên và nhân dân trên vùng quê cách mạng này thổi bùng bằng những việc làm thiết thực vì mục tiêu dân giàu, huyện mạnh, xây dựng cuộc sống ấm no.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương khóa XXIX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra, trong đó yêu cầu tập trung ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, đảm bảo ổn định sản lượng lương thực hàng năm, gắn với đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập của người dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng và triển khai một số nghị quyết, đề án, như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; phát triển kinh tế trang trại, khai thác kinh tế vùng đất núi, đồi, rừng....

Thanh Chương đầu tư đưa cơ giới vào đồng ruộng.
Thanh Chương đầu tư đưa cơ giới vào đồng ruộng.

Tại xã Thanh Lĩnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng bao gồm trên đất lúa và đất màu. Trước đây, 100 ha màu của xã chỉ trồng ngô, lạc, đậu xanh thì nay đã có 2/3 diện tích đã được cơ cấu cây trồng có giá trị hàng hóa như: bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, hoa. Vì vậy, thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng lên, thậm chí đã có diện tích cho thu nhập 250 – 300 triệu đồng/ha/năm so với mức bình quân chỉ 30 – 40 triệu đồng/ha trước chuyển đổi. Ông Nguyễn Văn Dần, thôn Hồng, xã Thanh Lĩnh chia sẻ: "Trước đây, trên diện tích 3 sào, gia đình chỉ làm được 2 vụ ngô, đậu xanh.

Nhưng, hiện nay, chuyển đổi sang trồng màu, gia đình luân canh 3 vụ dưa chuột, bí… nên thu nhập tăng lên. Đời sống gia đình khấm khá hơn". Hiện nay, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích ở Thanh Lĩnh đã đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm (mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX đề ra đạt 50 triệu đồng/ha/năm). Ở nhiều xã như: Ngọc Sơn, Đồng Văn, Thanh Giang, Thanh Liên, Thanh Tiên... cũng đang hình thành vùng sản xuất rau hàng hóa gồm: su hào, bắp cải, dưa chuột, đậu cô ve, ớt xuất khẩu... Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đồng đất Thanh Chương "xanh ngắt bốn mùa", góp phần nâng giá trị thu nhập trên đơn vị sản xuất ở Thanh Chương lên 65 triệu đồng/ha/năm (vượt 129% chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ khóa XXIX đề ra).

Bên cạnh đó, để đảm bảo lương thực, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã luôn chú trọng việc chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng cơ cấu giống, lịch thời vụ trong từng vụ sản xuất để đảm bảo nguồn lương thực. Vì thế, nếu như năm 1995, cả huyện phấn đấu khó khăn mới đạt được 52.000 tấn lương thực quy thóc (bao gồm tính cả khoai lang), thì liên tục mấy năm gần đây sản lượng lương thực (chỉ tính lúa và ngô) ổn định 100.000 – 107.000 tấn/năm (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX đề ra). Đặc biệt, huyện đang từng bước chú trọng đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất trên hàng nghìn ha, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích như giống gạo đỏ, NA2, Thịnh dụ 1, Sin6, PC6, Việt Lai 20 và một số giống nếp khác. Điển hình, xã Thanh Phong đã xây dựng được một số cánh đồng mẫu thông qua sản xuất 2 giống lúa có giá trị hàng hóa, gạo đỏ và NA2 với gần 120 ha....

Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền ở Thanh Chương cũng đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng đất rừng, đồi núi để mở rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng chè, sắn, làm trang trại tổng hợp. Đồng chí Nguyễn Trọng Toàn – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lương, chia sẻ: “Xã có 13 xóm, trong đó có 7 xóm vùng bán sơn địa, điều kiện sản xuất khó khăn. Những năm qua, bên cạnh sự nhạy bén, tiếp cận nhanh và năng động phát triển nhiều loại ngành nghề, dịch vụ như mộc dân dụng, đồ rèn, gò, hàn, cưa xẻ, xay xát, chế biến thức ăn chăn nuôi của bà con vùng ngoài, bà con ở các xóm vùng núi cũng đã vươn lên, biến cái không thuận lợi thành lợi thế của mình thông qua phát triển trang trại tổng hợp vườn đồi trồng chè thương phẩm, cây lâm nghiệp, kết hợp với chăn nuôi dê, bò, gà đàn thả đồi, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Trong đó có những mô hình mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng như gia đình các ông Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Trọng Chắt, Nguyễn Trọng Huỳnh....”. Có thể nói, không riêng gì xã Thanh Lương mà các xã vùng đồi, núi, rừng như Thanh Đức, Thanh Thủy, Thanh An, Thanh Phong, Hạnh Lâm, Thanh Mai... cũng đã xây dựng được hàng trăm mô hình cho thu nhập cao, trong đó có gần 200 mô hình đạt tiêu chí trang trại tổng hợp, trang trại trồng cây lâm nghiệp, trang trại chăn nuôi, trang trại trồng cây ăn quả. Theo đó, ở Thanh Chương đã hình thành những vùng sản xuất khá lớn với hơn 10.000 ha rừng nguyên liệu; hơn 3.200 ha chè, 2.500 ha sắn công nghiệp; gần 90.000 con trâu, bò; hơn 110.000 con lợn; và dê, gà thả đồi cũng phát triển khá nhanh...

Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra rầm rộ trong từng xã, từng khu dân cư, bộ mặt nông thôn của Thanh Chương ngày càng khởi sắc. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân cũng ngày càng được nâng lên, bình quân thu nhập đạt trên 18 triệu đồng/người/năm (tăng gần 4 triệu đồng/người/năm so với đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 15%. "Thanh Chương bây giờ chưa phải là giàu, nhưng đã, đang vượt lên chính mình, phá đi cái tứ tắc trong tư duy và hành động, đó là một thành công vô cùng lớn” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đặng Anh Dũng chia sẻ. Rõ ràng, những gì Thanh Chương đang có hơn hẳn những ngày hôm qua, tuy nhiên vẫn chưa thể bằng lòng và thỏa mãn, vì huyện vẫn còn nghèo. Do đó, trên cơ sở nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; phát huy dân chủ, sự đoàn kết, đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, Thanh Chương cần tiếp tục tập trung phát huy tiềm năng để xây dựng vùng quê có truyền thống cách mạng thực sự giàu mạnh trong thời kỳ đổi mới.

Bài, ảnh: Mai Hoa