Nơi ngọn nguồn hình thành nhân cách

30/06/2006 10:05

Đã có nhiều gia đình phải trả những cái giá quá đắt khi không coi trọng mái ấm của mình. Có thể là người cha...

Đã có nhiều gia đình phải trả những cái giá quá đắt khi không coi trọng mái ấm của mình. Có thể là người cha hay người mẹ bị tha hoá về nhân cách, bị chi phối bởi lối sống vì tiền, vì tính ích kỷ, đố kỵ, nhỏ nhen...nên cuộc sống gia đình không thể xuôi chèo, mát mái, thiếu văn hoá người, văn hoá ứng xử, "nhà dột từ nóc" sẽ sản sinh ra những đứa con hư, chí ít cũng tự ti, mặc cảm, khó chan hoà với cuộc sống cộng đồng, không có ý thức, hoặc thiếu ý thức về bản thân. Từ đó, trong cuộc sống sinh hoạt nảy sinh những hành vi thiếu nhân cách. Ngay ở lứa tuổi vị thành niên, những đứa trẻ sinh ra trong những mái gia đình không êm ấm, đã có những hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều góc độ. Đó có thể là trộm cắp, đánh lộn, gây rối; là cướp của, trấn lột, thậm chí cả giết người. Còn những người đã vào tuổi trưởng thành, dễ lao vào những lối sống sa đọa, bất chấp kỷ cương, phép nước, làm đảo lộn những giá trị truyền thống mỹ tục thuần phong có từ lâu đời của dân tộc. Những vụ án trong những năm gần đây đã minh chứng cho chúng ta điều đó.

Những đứa trẻ hư hỏng, phần lớn đều có nguyên nhân sâu xa từ gia đình như thiếu sự chăm sóc, rèn dũa, dạy bảo, cha mẹ bỏ rơi không có trách nhiệm với con cái... ở những đứa trẻ này, khả năng "miễn dịch" của chúng rất kém và chúng nhiễm rất nhanh những thói hư tật xấu sẵn có trong môi trường tiêu cực ngoài xã hội...

Ngược lại, trong những gia đình mà ở đó luôn thực sự trở thành "tổ ấm", biết sống hoà thuận, chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ, tin cậy lẫn nhau tất sẽ sinh ra những đứa con hiếu thảo, hiền hậu, nhân ái. Ở đó, không có đất cho sự hiếu thắng, hơn thua, kiêu kì, hợm hĩnh mà là sự đồng hành của nhường nhịn, của "chị ngã em nâng", kính trên nhường dưới. Mái ấm của gia đình sẽ tạo ra những đứa trẻ lớn lên với lòng vị tha, biết yêu thương, sống rộng lượng. Nhiều gia đình có nếp sống gia phong tốt từng thổ lộ rằng : Điều quan trọng bậc nhất mà cha mẹ có thể giúp cho con cái phát triển và hoàn thiện nhân cách tốt chính là cuộc sống đầm ấm, biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau của chính họ. Hạnh phúc gia đình là nền tảng tốt cho sự phát triển nhân cách và đạo đức của con cái. Song hành với tình thương và lòng nhân ái phải là sự nghiêm khắc.

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi hình thành, giáo dục và rèn luyện nhân cách cho trẻ em. Gia đình lành mạnh thì xã hội mới khoẻ khoắn phát triển. Vì vậy, việc gìn giữ tổ ấm gia đình, duy trì nếp gia phong sẽ giúp cho trẻ hình thành và phát triển được những hành vi và nhân cách đẹp. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cần thường xuyên ra sức đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi thành viên trong các cộng đồng dân cư và xã hội về xây dựng gia đình văn hoá, hiểu biết pháp luật, sức khoẻ, đời sống lành mạnh. Chung sức xây dựng tổ ấm gia đình, bảo vệ các thành viên khỏi sự tấn công của các tệ nạn xã hội, biến gia đình thành bến đậu an toàn sau những sóng gió của cuộc đời để mãi mãi giữ vững được những hành vi và nhân cách đẹp của con người phải là mục tiêu phấn đấu cao cả của mỗi một con người và của cả cộng đồng xã hội.


Vân Anh; ảnh: Đức Quang - BNA