Được ăn cơm với Bác Hồ

03/04/2007 10:49

"Một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp thống nhất với nhau, sản sinh ra và kết tinh ở một con người. Đó là bản chất và tầm vóc của Hồ Chí Minh. Thường thường, khi con người biết mình là một nhân vật quan trọng thì không phải lúc nào cũng hồn nhiên và chân thật. Hồ Chí Minh không như vậy. Suốt đời mình, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, Hồ Chí Minh bao giờ cũng chân thực".

(Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong sách Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. NXB Sự thật, 1990)

ÔNG Nguyễn Sỹ Quế, một cán bộ cốt cán của tỉnh Nghệ An, người có may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần trong đời, mà lần đầu tiên là ở chiến khu Việt Bắc, đợt chỉnh huấn khóa 2. Ông nhớ lại, trong Hội thảo khoa học tại Thành phố Vinh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 9 năm 1989): "Vào một buổi chiều khi được tin tất cả lên tập trung ở hội trường, tôi và anh Nguyễn Khắc Minh bảo nhau có lẽ Bác đến thăm, ta phải đi nhanh kiếm chỗ ngồi, nhìn Bác cho rõ. Đúng là Bác đến thật! Đầu tiên, Bác hỏi mấy đồng chí ở Báo Sự Thật: "Các chú có biết Pháp đưa sang Đông Dương mấy tấn đạn không? Các chú đưa tin ta đốt một kho đạn lại nhiều hơn số đạn của Pháp đưa sang!". Rồi Bác bảo đưa tin phải cho chính xác, không được tùy tiện... Nghe Bác nói với các nhà báo, tôi tự liên hệ về mình còn hời hợt, đọc báo hay đọc lướt, còn Bác đọc rất kỹ. Bác chú ý đến từng chi tiết trong bài báo nên Bác phát hiện ra những sai sót đó. Sau này, tôi nhận được nhiều bài báo Bác cắt ở các báo địa phương ra, gửi về cho tỉnh kiểm tra lại. Thế mới biết, Bác rất chú ý xem báo địa phương và Bác đã đọc rất kỹ..."

Trong số nhiều kỷ niệm về Bác, với ông Nguyễn Sỹ Quế, còn có cả những bữa cơm ông cùng các đồng chí thân quý của mình vui vầy, đầm ấm bên Bác Hồ.

Lần Bác về quê Nghệ An đầu tiên, trong bữa cơm tiếp Bác có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Mâm cơm chỉ có mấy món ăn đơn giản, mỗi món đều dọn ra hai bát. Riêng món cà mắm có một bát. Bác cất bớt, để mỗi món ăn một bát thôi. Bác bảo: "Ăn hết thì lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, chớ để người ta ăn thừa của mình!"

Bữa ăn đó chỉ hết một nửa, một nửa còn lại để nguyên. Bát cà mắm chưa hết, Bác gắp bỏ vào bát mỗi người, phải ăn hết, đừng lãng phí!

Tối hôm ấy, Bác Hồ tiếp đoàn chuyên gia xây dựng Nhà máy điện Vinh. Khách chưa đến, thấy mấy đồng chí phục vụ cứ rót sẵn bia, cốc nào cốc nấy đầy tràn, Bác bảo rót vừa đủ số người uống thôi. Ai uống thêm người ta sẽ rót, để thừa lãng phí...

Rồi lần thứ hai, Bác về thăm lại quê hương. Các ông Nguyễn Sỹ Quế, Võ Thúc Đồng ra sân bay đón Bác. Bữa cơm chiều, Bác dặn cả hai người cùng đến ăn cơm cho vui, nhưng chú ý là phải đưa phần cơm của mình đến... Ngồi vào bàn ăn, Bác thong thả lấy ra một gói cơm ngô và một gói thịt rim mặn. Phần cơm nhà ăn của tỉnh nấu bằng gạo trắng, không độn, thức ăn dọn ra có cá, thịt, miến... Bác hỏi:

- Các chú ăn như thế này à?

- Dạ, thưa Bác, hôm nay Bác về thăm, cơ quan mới mua sắm như thế này ạ! Còn thường ngày thì làm gì có! Ông Võ Thúc Đồng trả lời Bác.

Thế là, bữa cơm hôm đó, ông Quế, ông Đồng cùng Bác ăn hết phần cơm độn ngô trước, đến khi dùng sang phần cơm của cơ quan tỉnh đưa, Bác xin thôi không ăn nữa...

Quả là, với các cán bộ, đồng chí của mình, dù bao giờ và ở đâu, từ việc to đến việc nhỏ, Bác Hồ của chúng ta đều tự mình làm gương; đồng thời Người không quên nhắc nhở, dẫn dắt họ với tinh thần tôn trọng, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu xa, thấm thía!

Xin nói thêm: Ông Nguyễn Sỹ Quế (1915 - 1995), quê Làng Đỏ, nay thuộc phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh, là Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, người thay mặt lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà đọc "Quyết tâm thư" tại cuộc mít tinh trọng thể, chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ hai, vào buổi sáng ngày 9-12-1961.


KIM NHẬT
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Sỹ Quế)