Quê Hương nghĩa trọng tình cao

23/02/2007 15:42

Chủ tịch Hồ Chí Minh chôn rau, cắt rốn và sống thời ấu thơ ở làng Hoàng Trù (1890- 1895), thời niên thiếu lớn lên ở làng Kim Liên (1901-1906), cả hai thời kỳ vừa trọn 10 năm, nhưng tình cảm của Bác đối với quê hương Kim Liên, Hoàng Trù thật là sâu nặng! Hễ có người Kim Liên, Hoàng Trù hoặc người Nghệ An được gặp Bác Hồ là Người ân cần hỏi thăm mọi mặt tình hình của quê hương.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh chôn rau, cắt rốn và sống thời ấu thơ ở làng Hoàng Trù (1890- 1895), thời niên thiếu lớn lên ở làng Kim Liên (1901-1906), cả hai thời kỳ vừa trọn 10 năm, nhưng tình cảm của Bác đối với quê hương Kim Liên, Hoàng Trù thật là sâu nặng! Hễ có người Kim Liên, Hoàng Trù hoặc người Nghệ An được gặp Bác Hồ là Người ân cần hỏi thăm mọi mặt tình hình của quê hương.


Vào lúc 11h30 ngày Chủ nhật 27-10-1946, bà Nguyễn Thị Thanh ra thăm Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên bà Thanh và Bác Hồ gặp nhau kể từ khi Người tạm biệt quê hương ra đi bôn ba bốn biển năm châu tìm đường cứu nước. Trong câu chuyện thắm thiết tình nghĩa chị em ruột thịt, bà Nguyễn Thị Thanh hỏi Bác: "Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không? Cậu còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát bài ru non nước không? Thuở đó, gia đình ta khá vất vả". Nói đến đây, bà Thanh lại khóc. Nước mắt của Bác bùi ngùi cảm động, Bác lấy khăn chấm chấm đôi mắt mình, vừa hút thuốc, vừa nhìn ra ngoài cửa sổ, Bác nói: "Chị ơi, quê hương nghĩa nặng, ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình. Những chiến sĩ cách mạng chân chính, đều là những người con chí hiếu, có tình cảm quê hương sâu nặng. Chị ơi, khi ở nước ngoài, có lúc đêm khuya thanh vắng, bỗng được nghe một lời ru con của người nhà mình thì lòng dạ lại càng thêm cồn cào nỗi nhớ quê hương, đất nước"...

Bà Nguyễn Thị Thanh hỏi Bác tiếp: "Khi nào cậu về thăm quê được?". Một lát sau, Bác trả lời rằng: "Em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm!".

Đúng một tuần lễ sau, cũng đúng ngày Chủ nhật (3-11-1946), ông Nguyễn Sinh Khiêm lại ra Hà Nội thăm Bác. Trong câu chuyện vui vẻ thắm đượm tình cảm anh em ruột thịt sau mấy chục năm trời mới được gặp nhau, ông Nguyễn Sinh Khiêm hỏi "Chú định đến khi nào về thăm quê nhà?". Bác Hồ thong thả trả lời: "Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc thế này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu!".

Đúng như dự đoán của Bác, mãi đến 11 năm sau (1957), Bác Hồ mới có dịp về thăm quê được.

Đối với quê hương Kim Liên, Hoàng Trù và tỉnh Nghệ An kể từ khi làm Chủ tịch nước đến khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ đã có 35 văn bản bằng các bức thư, bài nói chuyện, điện thăm hỏi động viên những sự kiện đặc sắc như sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, gương người tốt, việc tốt, trong đó có lá thư gửi lãnh đạo tỉnh nhà viết ngày 17/9/1945, vừa đúng trọn nửa tháng sau khi Người đọc "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (2/9/1945), lá thư gửi cậu Hoàng Phan Kính và dượng Trần Lê Hựu (tháng 4 năm 1949) và lá thư cuối cùng Bác thân ái gửi ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (21-7-1969).

Năm 1957, tình hình trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi, miền Bắc sau ba năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh đã thu được nhiều thắng lợi lớn, đất nước đi vào thế ổn định, đang trên đà phát triển mạnh về đối ngoại, Bác muốn đi thăm các nước anh em và bầu bạn trên thế giới. Trước khi đi công tác xa, Bác muốn về thăm quê hương để tạo ra tâm thế mới. Do đó Bộ Chính trị đã có kế hoạch bố trí cho Bác về thăm Nghệ An và một số tỉnh thuộc khu IV.

Sau hơn 50 năm xa cách, đúng ngày Chủ nhật 16/6/1957, tức ngày 19 tháng 5 năm Đinh Dậu, Bác Hồ về thăm quê hương lần đầu tiên.

Khi lãnh đạo xã nhà và bà con mời Bác vào nhà khách, Bác vui vẻ nói: "Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà". Nói rồi, Bác đi về phía nhà mình. Đến đây, cổng tre đã mở sẵn, mọi người mời Bác vào nhà, nhưng Bác dơ tay chỉ và nói: "Cổng ngày xưa ở đầu kia". Bàn chân của Bác đã trở về nhà theo dấu chân thuở còn niên thiếu.

Bác đi vào gian nhà ngoài, nơi thờ cúng gia tiên và có treo bức chân dung cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chỉ vào chiếc bàn thờ mới được làm lại, Bác nói với bà con: "Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân, mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc".

Bước vào gian trong, Bác nhìn thấy bộ phản ngày trước Bác và ông Cả Khiêm thường nằm, Bác nói: "ồ, bộ phản này vẫn còn, bà con giữ tài thật, nhưng hình như có ngắn hơn trước thì phải?". Bà con thưa với Bác, bộ phản này trước khi cô Thanh bị thực dân Pháp cầm tù, có cho một gia đình trong họ dùng, mùa đông sưởi, làm cháy một đầu, nên phải cắt ngắn đi. Bác nhìn thấy chiếc võng bện bằng sợi đay để nằm mát vào những ngày hè, một án thư để đọc sách và uống trà, một chiếc rương gỗ để đựng lương thực, một tủ hai ngăn để bát chén, trên tủ có chiếc mâm gỗ sơn, gia đình dùng khi có khách quý, trên vách treo chiếc đèn đĩa thắp bằng dầu thực vật. Bác xuống thăm ngôi nhà ngang ba gian, nơi nấu ăn hàng ngày của gia đình, người nội trợ chính là cô Thanh, Bác và ông Cả Khiêm cũng thường giúp chị gánh nước, thổi cơm. Bác cảm động nhìn thấy tất cả những đồ dùng của gia đình còn nguyên...

Ra thăm sân và vườn. Một số cây cảnh dân làng đem đến trồng từ năm 1901, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng vinh quy về đây, nay bị mất chưa kịp trồng lại, nhớ lại cảnh cũ, Bác xúc động nói: "Ngày trước, ở ngay cổng ra vào có cây ổi đào nhiều quả và rất ngọt, trước sân là cây bưởi, bên hồi nhà có cây cam, sau nhà có hàng cau đẹp".

Mảnh vườn trước đây gia đình cụ Phó bảng thường sản xuất hoa màu theo thời vụ, một đồng chí cán bộ tỉnh đã mạnh dạn xin Bác cho phép trồng hoa trong vườn cho đẹp, Bác chỉ vào vườn khoai đã có hoa và nói: "Hoa khoai vẫn đẹp". Mọi người hiểu ý Bác.

Khi ra đến ngõ, Bác nhắc lại một lần nữa: "Đường vào nhà, xưa đi lối này". Bên phải, Bác chỉ bờ rào hàng xóm tức là nhà ông Nguyễn Danh Ước có hàng cây mãn hảo, tay phải Bác cầm một cành cây mãn hảo giật giật như muốn nhấn mạnh để mọi người nhớ, và bên trái chỉ về phía trong vườn nhà là bờ rào dâm bụt. Bác hỏi thăm giếng Cốc, một di tích lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Tú tài Vương Thúc Mậu, nơi Bác thường ra gánh nước về cho gia đình dùng khi sống ở làng Kim Liên.

Ra về phía bên trái cổng, đến cạnh cây chuối bên đường, chỉ vào một lối đi, Bác hỏi: "Trong này có lò rèn của cố Điền (Hoàng Xuân Luyến) nay còn nữa không?". Cố Điền là người thợ rèn cần mẫn, thật thà, hiền lành và vui tính, được nhân dân trong vùng yêu mến. Trong thời kỳ sinh sống ở làng Kim Liên, những lúc rảnh rỗi, Bác thường ra lò rèn chơi. Bác quý trọng cố Điền và cố Điền cũng rất mực yêu mến Bác. Bác giúp đỡ cố Điền thổ bể, đập đe. Đặc biệt, Bác hay hỏi han, trao đổi, đàm luận với cố Điền và bà con về những vấn đề xã hội và thời cuộc lúc bấy giờ mà nhân dân đang quan tâm.

Tiếp đó, Bác vào Nhà thờ họ Nguyễn Sinh thắp hương kính viếng Tổ tiên. Khi sắp vào nhà thờ, Bác chỉ tay về bên trái và nói: "Trong này có nhà cố Phương. Nay cố có đủ ăn không?". Nghe vậy, mọi người đều nghẹn ngào xúc động, vì ai nấy đều biết gia đình cố Phương là gia đình nghèo khó nhất làng Kim Liên thuở Bác từ giã quê hương ra đi tìm đường cứu nước.

Hôm đó, Bác đã nói chuyện với bà con xã Kim Liên và đại biểu nhân dân các xã vùng phụ cận dưới gốc cây đa tại sân vận động của làng. Bác căn dặn Đảng bộ, chính quyền sửa sai cải cách ruộng đất cho tốt, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đừng để "đèn nhà ai rạng nhà nấy". Bác nhắc nhở mọi người phải chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, đừng để các cháu gầy gò, ốm yếu, đau mắt hột. Hầu như việc gì Bác cũng đề cập đến và có những lời khuyên cụ thể, thiết thực. Trước lúc ra về, Bác còn dặn: "Cán bộ và nhân dân Kim Liên làm tốt, Bác sẽ về thăm!".

Giữ đúng lời hứa, bốn năm sau đó, ngày 9-12-1961 Bác về thăm quê ngoại Hoàng Trù và quê nội Kim Liên. Chuyến về thăm quê lần thứ hai này, Bác đã vào Đền làng Sen làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Kim Liên. Sau đó, cũng dưới gốc cây đa như bốn năm về trước, Bác đã nói chuyện thân mật với nhân dân xã nhà. Bác mong mọi người có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng hợp tác xã ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng dân chủ xã hội ở miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Kết thúc buổi nói chuyện, Bác bắt nhịp bài ca "Kết đoàn" cho cả biển người cùng hát. Mọi người say sưa hát theo nhịp tay điều khiển của Người.

Trong dịp về thăm quê lần thứ nhất, trước khi về Kim Liên, sáng ngày 14/6/1957 Bác đã nói chuyện với đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An tại hội trường Tỉnh uỷ trong Thành cổ Vinh. Bác nói:

"Tôi là một người con của tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay lần đầu tiên trở lại về thăm tỉnh nhà, có thể nói là: "Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình"...

Cũng trong dịp này, Bác đến thăm công trường xây dựng Nhà máy điện Vinh, thăm đơn vị 324 bộ đội tỉnh Quảng Ngãi tập kết ra miền Bắc đóng tại Rú Đụn, huyện Nam Đàn; thăm các cháu Trại trẻ miền Nam tại Vinh...

Trong đợt về thăm quê lần thứ 2, ngày 8-12-1961, Bác đã làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Uỷ ban hành chính tỉnh, Bác nói: "Tất cả cái gì về quốc kế dân sinh ở tỉnh Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc gì?

Một là: nguyên tắc đoàn kết nội bộ

Hai là: nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Muốn làm tốt còn phải gì nữa? Phải dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần gì nữa? Phải phê bình và tự phê bình...".

Khi nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh nhà (cũng ở trong Thành cổ Vinh, ngày 9-12-1961), Bác căn dặn: "Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc"!

Trong dịp về thăm quê lần thứ 2, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với các chiến sĩ cách mạng tham gia phong trào Xô - viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), thăm một số nhà máy, trường học, địa phương, trong đó có Nhà máy cơ khí Vinh, Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, Đài liệt sỹ Thái Lão, xã Vĩnh Thành, Nông trường Đông Hiếu.

Đến thăm Nhà máy cơ khí Vinh, Bác dặn: "Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là người lãnh đạo để người ta tin cậy... Phải làm tốt 4 chữ: nhanh, nhiều, tốt, rẻ".

Đến thăm học sinh, cán bộ trường sư phạm miền núi Nghệ An, Bác nói: "Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hoá đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không rông dài. Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hoá đều tiến bộ, các dân tộc đoàn kết với nhau. Học để làm gì nữa? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Có thể dẫn chứng nhiều tư liệu, nhiều mẩu chuyện Bác Hồ về thăm quê hương, nhưng chỉ cần qua mộtsố nội dung đã nói ở trên cũng đã thấy khá đầy đủ tình cảm của Bác đối với quê hương. Trong tình cảm đó, có cái bình dị như mọi người bình thường, song bao quát vẫn là tình cảm của một vĩ nhân, nói như Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Người đã hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng mọi người Việt Nam lên đến tầm Người"!.

Nhân dân quê hương Nghệ An, trong đó có làng Kim Liên, Hoàng Trù hết sức trân trọng tình cảm yêu thương sâu nặng và vô cùng trong sáng của Bác Hồ, nguyện mãi mãi làm theo những lời chỉ bảo ân cần của Bác, để xây dựng Kim Liên thành xã kiểu mẫu, xây dựng Nghệ An thành tỉnh gương mẫu như Bác hằng mong muốn.
Trần Minh Siêu