Lời Bác dạy khi về thăm xã Vĩnh Thành mãi còn nguyên giá trị

14/06/2007 09:40

Ngày 10 tháng 12 năm 1961, trong dịp về thăm Nghệ An lần thứ hai, Bác đã về thăm Vĩnh Thành (huyện Yên Thành), nơi có phong trào hợp tác hoá và trồng cây gây rừng. Thời gian đã đi qua gần 46 năm, nhưng lời dạy của Người mãi mãi là những bài học lớn cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.

Ngày 10 tháng 12 năm 1961, trong dịp về thăm Nghệ An lần thứ hai, Bác đã về thăm Vĩnh Thành (huyện Yên Thành), nơi có phong trào hợp tác hoá và trồng cây gây rừng. Thời gian đã đi qua gần 46 năm, nhưng lời dạy của Người mãi mãi là những bài học lớn cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.


* Bài học thứ nhất: Nói cho dân dễ nghe, dễ hiểu.


Sinh thời Bác luôn luôn dạy cán bộ, đảng viên: "Nói chuyện cho bà con dân tộc và bà con trình độ còn hạn chế phải chú ý nói cho dễ hiểu"... "Các văn bản tuyên truyền luôn nhớ nói cho ai nghe"... Chính Bác đã nói và làm như vậy. Khi Người nhắc nhở động viên nhân dân Vĩnh Thành hăng hái thi đua lao động sản xuất làm thuỷ lợi, phân bón và chăm lo công tác vệ sinh: "Hợp tác xã Vĩnh Thành tuy có nhiều Người nói: tiến bộ nhưng đang ít quá, nên Bác nói thêm mấy điều... Nước cần cho lúa, ngô khoai, sắn... và các thứ cây khác. Các cô các chú một ngày không uống nước có chịu được không? ("dạ không ạ").

Vậy, các cô các chú không để cây khát... "Người cần ăn mới sông; cây cũng cần ăn mới sống. Người không ăn có sống được không? (dạ, không ạ") vậy phải làm thật nhiều phân lên..." Vệ sinh còn kém. Nhà cửa chưa sạch sẽ. Đường sá chưa sạch sẽ. Tục ngữ có câu: Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon... Cho nên từ trong nhà ra ngoài ngõ, đến cái ăn, cái mặc cần chú ý hơn nữa"...

Những lời dạy của Bác mộc mạc, thân tình, dễ nghe, dễ hiểu đã đi vào lòng người dân từng câu, từng chữ. Đã trở thành động lực thúc đẩy các phong trào thi đua của nhân dân toàn xã làm thuỷ lợi, làm phân xanh, cải tiến công cụ sản xuất và phong trào "sạch làng tốt ruộng"... trong những năm sau đó.


* Bài học thứ hai: "Dân là chủ, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".


Người đánh giá rất cao về dân chủ: "Dân chủ là của quý nhất của nhân dân...". "Dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn". Nói chuyện với nhân dân Vĩnh Thành, Bác dạy: "Dân là chủ, xã viên là chủ. Ban quản trị làm việc để phục vụ ông chủ, bà chủ không ngồi chỉ tay năm ngón, buộc người khác phải làm cái này, cái kia"... Bác nhắc nhở cán bộ: "Ban quản trị là những người do xã viên lựa chọn và bầu cử ra. Mọi công việc của hợp tác xã trước khi làm, Ban quản trị phải đem ra bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến xã viên"... "Lao động sản xuất ra ai cũng muốn biết người ta sản xuất được bao nhiêu, những thứ sản xuất ra đã làm gì? Về vấn đề tài chính, tài chính phải công khai, thu và chi phải báo cáo cho xã viên biết, Ban quản trị phải minh bạch... Nếu thu nhập và chi tiêu không công khai, sổ sách lại lèo nhèo, xã viên dễ nghi ngờ ông quản trị "chấm mút" vô đó rồi"...

Những lời Bác dạy, thể hiện rõ quan điểm tư tưởng: Của dân, do dân và vì dân.

Đảng và Nhà nước ta đã cụ thể hoá quan điểm tư tưởng đó bằng chỉ thị của Bộ Chính trị, các Nghị định của Chính phủ Về quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm cụ thể hoá phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Quá trình triển khai đã có tác động tích cực, khơi dậy sức sáng tạo, phát huy nội lực của toàn dân trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, bảo vệ Quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng cuộc sống mới.

Tuy vậy, việc tổ chức và thực hiện quy chế dân chủ ở nhiều cơ quan, xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp Nhà nước còn "dàn dựng" hình thức bề ngoài, thực chất bên trong lại vi phạm các quy định của quy chế dân chủ, thậm chí có nơi nghiêm trọng. Tình trạng suy thoái phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, lợi dụng chức quyền để tham nhũng đang gây tác hại không nhỏ cho công cuộc đổi mới. Để chống được tệ nạn này không có biện pháp nào tốt hơn là phải dựa vào dân, như lời Bác đã dạy: "Muốn chống quan liêu, tham nhũng phải dân chủ".


* Bài học thứ ba: Đoàn kết và chăm lo lợi ích của nhân dân.


Nói chuyện với cán bộ, xã viên Vĩnh Thành, Người căn dặn: "Không có đoàn kết, hợp tác xã không tiến bộ lên được... hợp tác xã phải đoàn kết, sản xuất tốt để tăng thu nhập chung của hợp tác xã và thu nhập riêng xã viên, nâng cao đời sống xã viên".

Suy ngẫm lời Bác dạy, chúng ta thấy rằng: "Đoàn kết và chăm lo lợi ích nhân dân" là yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển xã hội. Tuy nhiên, thực trạng đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng ở một số cơ sở, đoàn kết nhân dân ở một số địa phương có không ít các vấn đề phức tạp.

Giải quyết vấn đề đoàn kết, cán bộ, đảng viên cần làm theo lời Bác: "Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ, có khuyết điểm thì thật thà phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo".

Muốn thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có hiệu quả, thì bài học rút ra từ những lời dạy của Bác trong lần thứ hai về thăm quê tại xã Vĩnh Thành càng phải được phổ biến sâu rộng.


Xuân Phùng