Núi Nàng thức giấc

28/12/2007 17:05

Nơi ấy có tên Núi Nàng với bao huyền thoại, xưa kia vốn rừng hoang rậm rạp không dấu chân người. Vậy mà chỉ bằng sức trẻ, những chàng trai, cô gái vừa tròn mười tám đôi mươi đã tạo nên một vùng quê mới. Đó là những người trẻ của Tổng đội TNXP 4 Tân Kỳ.


Vùng đất huyền thoại

Tổng đội TNXP 4 giáp ranh với hai xã Giai Xuân và Tân Hợp (xã đặc biệt khó khăn) chủ yếu đồng bào dân tộc Thổ sinh sống. Để vào đến nơi phải vượt qua dốc Vình. Hết đoạn dốc hiện ra trước mắt một "bình nguyên" đất đỏ màu mỡ. Anh Hà Huy Lợi -Tổng đội phó nói như khoe: Đây vừa phát triển kinh tế, vừa có thể khai thác tiềm năng du lịch bởi còn khá nhiều diện tích rừng nguyên sinh rậm rạp, với những lèn đá, hệ thống hang động rất kỳ thú, hấp dẫn". Anh dẫn tôi đến một vùng đất bằng, rồi chỉ tay: Nhà báo nhìn ra ngọn núi gần kia! Tôi thoáng thấy dãy núi này như một thiếu nữ đang nằm xõa tóc xuống dòng suối. Phía dưới là bát ngát màu xanh của những đồi cây ăn quả, ngô, mía. Anh Lợi giải thích: Các cao niên đồng bào Thổ cho hay, núi này bao đời người dân địa phương vẫn gọi là núi Nàng gắn với bao huyền thoại. Tương truyền hồi ấy có đám tiên nữ giáng trần xuống hạ giới ngao du, đã phải lòng chàng trai Thổ tên là Thà Moong. Ngọc hoàng nổi giận đã không cho tiên nữ kia về thiên giới. Hai người đã cải tạo, xây dựng biến vùng rừng núi âm u thành miền đất trù phú. Tuy nhiên Ngọc Hoàng luôn gây khó khăn, quanh năm đại hạn, đất đai nứt toác, dân tình khốn đốn. Nàng tiên ấy đã cùng Thà Moong khoét núi đá Pu Thèn lấy nước ở Pù Thơi tạo nên dòng khe Kẻ Thai ăm ắp nước ngày nay. Ngay tại chân núi Nàng, người dân bao đời đã lập miếu thờ, ngày rằm, lễ hội đều hương khói để tưởng nhớ đến Nàng tiên đã có công khai phá nên vùng đất này là vì thế. Tìm hiểu tôi biết, từ năm 1997, lúc đầu chỉ có 4 anh em từ Tổng đội TNXP I Anh Sơn được cử sang vùng đất mới của Tân Kỳ để "khai thiên lập địa", tạo dựng nên một Tổng đội TNXP mới này. Buổi đầu rất gian khổ, nhưng anh em đã động viên nhau bám trụ, rồi tuyên truyền cho đồng bào Thổ, được bà con ưng cái bụng! Sau đó, có gần 20 thanh niên Thổ tham gia vào Tổng đội, họ vào rừng chặt cây vầu, cây nứa dựng lán trại. Chỉ với những cây cuốc, thuổng những người trẻ vừa "mở đất", vừa trồng ngô, khoai lạc để "lấy ngắn nuôi dài". Vừa phải trăn trở nghĩ suy về tầm chiến lược, trồng cây gì là hợp với vùng đất này. Ban đầu Tổng đội triển khai cho trồng một số diện tích cà phê, cao su, bởi đây là vùng đất đỏ bazan rất lý tưởng với loại cây công nghiệp này, nhưng vì thiếu nước đành chịu. Cuối cùng đã tìm ra lời giải, các loại cây ăn quả, như cam, nhãn, vải mới đứng được; còn vùng đất đồi thoải trồng mía, xen canh với các loại cây hoa màu trong các trang trại. Đến nay vừa tròn 10 năm, Tổng đội đã thu hút được 155 đội viên, tạo dựng được vùng kinh tế trù phú. Theo thống kê đã trồng được 50 ha nhãn, vải; 10 ha cam, 50 ha mía, 12 ha măng tre. Ngoài ra, còn trồng được 760 ha rừng nguyên liệu... Bình quân kinh tế hộ ngày càng được nâng cao, hiện 80% số hộ có xe máy, 95% nhà xây lợp mái ngói. Tổng đội đã xây dựng, hình thành được làng thanh niên lập nghiệp của người Thổ.


Thắm duyên tình trẻ

Chúng tôi đi thăm làng thanh niên, anh Lợi "bật mí", cả Tổng đội có 155 đội viên thì có 70 "cặp" đội viên nam, nữ thành lập gia đình với nhau (tỷ lệ trên 80%). Phải nói là hiếm, mà chủ yếu là người Kinh kết hôn với người Thổ. Mới đây trong một đám cưới, già làng của Tân Hợp phát biểu: "Có lẽ tiên nữ Núi Nàng đã tác hợp cho những chàng trai, cô gái bén duyên nhau". Nghe chuyện, tôi càng muốn vào thăm cơ ngơi của những chàng trai, cô gái ấy. Xuyên qua những cánh rừng keo lai, phía trước mắt hiện ra ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, xum xuê là vườn cây nhãn, vải, cam, đàn bò đang thong dong gặm cỏ. Đây là cơ ngơi của gia đình Trương Văn Chính người dân tộc Thổ và Nguyễn Thị Nga quê Nghĩa Phúc-Tân Kỳ. Họ đều sinh năm 1980, hồi mới lên đều ở độ tuổi đôi mươi. Thành hôn, hai vợ chồng trẻ ở riêng và nhận 1,7 ha đất ở nơi heo hút, dựng tạm mái lều tranh nằm nghiêng bên quả đồi. Vợ chồng hăng say cải tạo đất để trồng các loại cây trồng, chỉ qua 3 năm đã cải tạo trồng được 10 sào lạc, 200 gốc nhãn, vải, hơn 100 gốc cam, 4 con bò. Mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng, tương lai khoảng 2 năm nữa, cả vườn cây trái này sẽ cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Bây giờ, họ đã xây dựng được căn nhà ngói khang trang.

Bên kia quả đồi là gia đình của Nguyễn Anh Tuấn quê ở Giang Sơn-Đô Lương, vợ là Trương Thị Hằng người Thổ. Họ đến với nhau ban đầu cũng khó khăn bởi khoảng cách của hai gia đình. Nhưng họ đã vượt qua, bây giờ xây dựng được một cơ ngơi hơn 3 ha đất, trồng được trên 600 gốc cây ăn quả các loại, trong đó có 200 gốc vải, 120 gốc cam... chưa kể 5 con bò, lợn.

Rời dốc Vình khi chiều buông, trong bát ngát màu xanh của rừng, tôi vẫn thấy bóng dáng của những người trẻ đang "chinh phục" núi rừng. Họ đang lập nên một kỳ tích thức dậy một miền rừng heo hút.

Văn Trường