Ham muốn tột bậc một người hiền Việt Nam

11/01/2008 16:47

Một con người có thể ít hoặc nhiều ham muốn, và thường "ham muốn tột bậc quy định động cơ, mục đích, lối ứng xử, nói chung là giá trị sự nghiệp của họ. Trường hợp Chủ tịch Hồ Chí Minh là một dẫn chứng thuyết phục. Bởi vậy, thật khó hiểu nếu mỗi chúng ta ngày đêm học tập đạo đức Bác Hồ, mà trong sâu kín lòng mình, lại chỉ nuôi dưỡng toàn những ham muốn nhỏ bé, tầm thường ích kỷ?!


Lịch sử nước ta, mùa Xuân năm 1946, được chứng kiến một sự kiện vĩ đại và cảm động: Ngày 6 -1 - 1946, Tổng tuyển cử lần đầu tiên tiến hành trên phạm vi cả nước. Mọi công dân, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, nam hay nữ, tôn giáo nào, ai cũng có quyền đi bầu cử và ứng cử... Thực ra thì trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời "Kêu gọi đồng bào cả nước", trong đó có đoạn: "Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn!". Trên thực tế, đã có 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu; người công dân có tên Hồ Chí Minh ứng cử tại Thành phố Hà Nội và trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%!

Đánh giá tầm vóc và hiệu quả của Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và Chính phủ liên hiệp Kháng chiến mùa Xuân 1946, ông Vũ Đình Hoè cho rằng: "Nhờ tài ba chèo chống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi cương khi nhu, cùng với sự đấu tranh nhẫn nại, dũng cảm của Tổng bộ Việt Minh và quần chúng nhân dân đông đảo, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 -1 - 1946 thành công rực rỡ! Thế là, trước hai trái núi lớn đột khởi: Quốc hội liên hiệp toàn dân đoàn kết một lòng kiên quyết kháng chiến, và Chính phủ liên hiệp chặt chẽ các đảng phái yêu nước cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại mới về, kiên quyết chỉ huy cuộc kháng chiến, thì những kẻ thực dân ngoan cố nhất cũng phải chùn bước - kể cả số người ủng hộ chúng, trực tiếp hoặc gián tiếp". (1) Nên nhớ, đây là lời phân tích, đánh giá của một nhân vật quan trọng và "trong cuộc" vào thời điểm đó...

Sau sự kiện 6 -1 - 1946, một số nhà báo nước ngoài có nguyện vọng được hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về những tâm tư, nguyện vọng riêng, chung của Người. Trên Báo Cứu Quốc, số 147, ra ngày 21 -1 1946, Bác cho đăng bài "Trả lời các nhà báo nước ngoài". Đây cũng là một dịp để Bác công bố rộng rãi cho đồng bào trong nước và nhân sĩ các nước ngoài biết rõ tâm tư, hoài bão của mình. Phần đầu, nói về "công danh phú quý", về "một sự ham muốn" tột bậc của bản thân, Bác viết như một hiền triết phương Đông đích thực: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi..." (2).

Thật ra, sự "ham muốn tột bậc" của Bác Hồ, khi trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946, còn được Người nhắc lại nhiều lần nữa, mà cô đọng, mở rộng, và day dứt nhất có lẽ là trong phần cuối bản bản Di chúc: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

(1) Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Vũ Đình Hoè. Nxb Văn hoá - Thông tin và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2001, tr86.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945 - 1946). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr161.


Kim Nhật