Nhớ lại ngày bầu cử Quốc hội khóa I, năm 1946

11/05/2007 15:55

Trước ngày bầu cử Quốc hội, tất cả các đại biểu ứng cử và đề cử đều ra mắt quốc dân, trực tiếp gặp cử tri để trả lời chất vấn. Các đại biểu Nghệ An trực tiếp nhân dân và đại diện các đoàn thể tỉnh nhà tại Rạp hát An- nam xi- nê, gần trước cổng Chợ Vinh thời bấy giờ.

Trước ngày bầu cử Quốc hội, tất cả các đại biểu ứng cử và đề cử đều ra mắt quốc dân, trực tiếp gặp cử tri để trả lời chất vấn. Các đại biểu Nghệ An trực tiếp nhân dân và đại diện các đoàn thể tỉnh nhà tại Rạp hát An- nam xi- nê, gần trước cổng Chợ Vinh thời bấy giờ.

Tôi, Bùi Danh Ba (năm nay 85 tuổi, cán bộ Tiền khởi nghĩa xã Nam Thanh, Nguyên thư ký Ban chấp hành thanh niên cứu quốc huyện năm 1946), được ban thường vụ cử đại diện thanh niên huyện Nam Đàn gặp trực tiếp các đại biểu.
Hôm ấy, đúng 8h tối, nhân dân Thành phố Vinh và đại diện các đoàn thể ở các huyện đã đông nghịt người, phải đứng chen nhau trong rạp hát. Trong bầu không khí thiêng liêng các đại biểu ứng cử và bầu cử được giới thiệu rõ về lai lịch từng vị.
Số đại biểu do tổ chức khác giới thiệu thuộc tầng lớp trí thức gồm:
1, Ông Nguyễn Thiên Biên, thầy giáo giảng dạy Trường Trung học Vinh.
2, Ông Trần Quốc Nghệ, thầy giáo giảng dạy Trường Trung học Vinh.
Số đại biểu do Đảng giới thiệu gồm:
1. Ông Trần Mai (Đảng viên- Nghi Lộc)
2. Ông Lê Viết Lượng (Đảng viên- TP.Vinh)
3. Ông Tôn Quang Phiệt (Đảng viên- Thanh Chương)
4. Bà Tôn Thị Quế (Đảng viên- Thanh Chương)...
Trong bầu không khí trang nghiêm, tôi được chất vấn đầu tiên. Tôi hỏi: "Thưa các đồng chí - Ngay lúc đó, một bạn cùng lứa tuổi ở huyện bạn, hích nhẹ bên hông tôi nói nhỏ: "Sao anh gọi đồng chí". Tôi vội vã phát biểu lại: Thưa các ông! Hiện nay, đất nước ta đang gặp muôn vàn khó khăn, trước mắt là nạn đói, và nền tài chính rỗng tuếch, nhà băng trống rỗng không còn một xu, các đồng bạc quan kim, do lính Tưởng, các đồng bạc của Nhật và đồng bạc Đông Dương đang lưu hành khắp cả nước. Vậy, sau khi qúy vị trúng cử, tất nhiên phải củng cố, xây dựng lại nền tài chính nước nhà, điều đầu tiên là phải huỷ bỏ mấy loại bạc trên, in giấy bạc mới của ta. Ta lấy gì để làm bảo đảm cho đồng bạc Việt Nam? Và xây dựng được Ngân hàng Quốc gia Việt Nam?"
Người trả lời đầu tiên là ông Nguyễn Thiên Biên. Ông ăn mặc khá sang trọng, một bộ com-lê màu đen, ca-vát đỏ. Ông trả lời đại khái như sau: Trước hết ta phải động viên các tầng lớp tư sản yêu nước hùn vốn, góp cổ phần hoặc vay ngoại tệ của nước bạn v.v... Khi chưa có đồng bạc mới ta phải tạm thời lưu hành đồng bạc cũ v.v... Không có vỗ tay.
Tiếp theo là ông Trần Quốc Nghệ, vẻ linh hoạt nói lưu loát hơn, nội dung na ná như ông Biên. Không có vỗ tay.
Đến ông Trần Mai, nét mặt cương nghị, đôi mắt sắc, khuôn mặt chữ điền khoác bộ đồ thầu khoán màu vàng, đi đôi ba ta trắng, giọng nói sang sảng quả là một nhà hùng biện. Nội dung ông trả lời đại khái là trước đây, ta là dân mất nước, nước đã mất thì nhà cũng tan, quả chúng ta không còn gì nữa! Nay cướp được chính quyền, nước nhà độc lập, nhân dân được tự do hạnh phúc, nên chúng ta có tất cả! Có non sông đất nước giàu đẹp. Có nhân dân lao động cần cù sáng tạo. Có Đảng quang vinh và cụ già Ái Quốc vĩ đại!
Vỗ tay ran rạp hát không ngớt. Tiếp, ông xoè hai bàn tay và nhấn mạnh, đây vàng ở đây, không có gì quý hơn sức lao động sáng tạo của nhân dân ta, với hai bàn tay của 25 triệu con người. Chúng ta sẽ sắp xếp lại giang sơn... Lại vỗ tay không ngớt. Về việc in đồng bạc Việt Nam chẳng khó khăn gì, Đảng và Bác Hồ sẽ sớm có đồng bạc thay thế các thứ rác rưởi đó v.v... Cuộc trả lời chất vấn kéo dài tới 10h đêm. Quả là một cuộc trực tiếp cử tri với Quốc hội không bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi.
Ngày bầu Quốc hội khóa I (1946) trên quê hương tôi diễn ra vô cùng trọng thể và vui tươi, tuy người dân mù chữ đến 99%, nhưng ai ai cũng tấp nập đi bỏ phiếu. Đây là một ngày Hội lớn của cả nước!


Bùi Danh Ba (Cán bộ Tiền khởi nghĩa Nam Thanh- Nam Đàn)