Gừng Kỳ Sơn "trúng lớn" !

21/04/2008 17:05

Gia đình ông Thò Chồng Chớ đóng gừng đưa đi tiêu thụ
(NAO)Ngoài niềm vui có điện lưới quốc gia, các bản ở xã Nậm Càn, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), còn có thêm một niềm vui: một vụ thu hoạch gừng “trúng lớn” về cả năng suất, chất lượng và giá cả.

Về bản Thẩm Hín xã Nậm Càn, chúng tôi lưu lại nhà ông Thò Chớ Tùng khá lâu để nghe ông kể chuyện trồng gừng: cây gừng được các đội sản xuất của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Quân khu 4 (KT-QP 4) trồng đại trà thử nghiệm cách đây đã 4 đến 5 năm, sau đó nhân giống rồi phổ biến cho bà con trong vùng dự án, thế nhưng cây gừng đứng vững như hôm nay cũng lắm gian nan.

Năm 2004, gừng được giá vì bà con mới trồng ít, đến năm 2005 rồi 2006 bà con đã tăng diện tích, thế là tư thương ép giá và có lúc tưởng chừng mô hình này sẽ thất bại. Nhưng đến cuối năm 2006, năm 2007 gừng trồng ở Na Ngoi, Nậm Càn được thị trường trong và ngoài tỉnh biết tiếng vì chất lượng và giá cả. Sau đó, không chỉ tư thương ở huyện thu mua mà tư thương ở các tỉnh phía Bắc cũng tìm đến đẻ mua gừng ở địa phương. Từ cuối năm 2006 đến nay tuy giá gừng không cao, chỉ giao động từ 2000- 2500 đồng/ kg, nhưng đầu ra tương đối ổn định, sản phẩm tiêu thụ hết. Vì vậy, ở 4 xã thuộc vùng dự án của Đoàn KT-QP 4 cây gừng phát triển khá mạnh, hầu như hộ nào cũng trồng gừng. Chỉ tính riêng ở bản Thẩm Hín xã Nậm Càn có 48 gia đình thì hộ nào cũng trồng gừng. Năm 2007 hộ trồng nhiều thu hoạch trên 10 tấn, hộ ít nhất thu hoạch trên 1 tấn gừng.


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, so với trồng lúa, ngô và dong riềng thì trồng gừng dễ hơn, ít sâu bệnh và ít chịu tác động của khí hậu thời tiết, cho thu nhập cao hơn nhiều lần.

Trên đường đi từ Nậm Càn vào Na Ngoi chúng tôi gặp gia đình ông Thò Chồng Chớ đang đóng gừng chờ xe đến nhận hàng. Gia đình ông năm nay thu hoạch gần 10 tấn gừng theo thời giá hiện tại cũng có thu nhập trên 20 triệu đồng. Năm tới, gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng gừng và thử nghiệm trồng gừng trái vụ để bán ra thị trường được giá hơn. Vợ chồng ông Chớ bộc bạch: gia đình chúng tôi có của ăn, của để cũng nhờ cây gừng, vụ nay bán gừng xong gia đình ông sẽ mua thêm một chiếc xe máy, mua ti vi màn hình phẳng lớn hơn và mua thêm trâu bò.


Gừng đã giúp đồng bào các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Kỳ Sơn thoát nghèo. Nhưng mô hình này vẫn còn mang tính tự phát, chưa có vùng quy hoạch và đầu ra của sản phẩm.


Cây gừng có thể trở thành cây thế mạnh của huyện miền núi Kỳ Sơn hoàn toàn tùy thuộc vào các cấp, các ngành tìm đầu ra bền vững, quy hoạch vùng trồng gừng hợp lý. Có như vậy cây gừng không còn phải lo chuyện “được mùa rớt giá” như các loại nông sản khác.


Bài và ảnh: Ông Quốc Chính - 5NK- 129, Vinh, Nghệ An