Những bức ảnh do các cựu binh Mỹ ở Việt Nam chụp-Gấp ngàn lời nói

02/05/2008 01:59

Martin Tucker không hề nghĩ rằng dự án cho một lớp học ông dạy cách nay vài năm lại có thể dẫn đến một cuộc triển lãm tầm cỡ quốc gia. Ngày mai, 1-5, Bảo tàng Lịch sử Bắc Carolina (Mỹ) khai mạc triển lãm A Thousand Words: Photographs by Vietnam Veterans (Gấp ngàn lời nói: Những bức ảnh do các cựu binh Mỹ ở Việt Nam chụp).

Martin Tucker không hề nghĩ rằng dự án cho một lớp học ông dạy cách nay vài năm lại có thể dẫn đến một cuộc triển lãm tầm cỡ quốc gia. Ngày mai, 1-5, Bảo tàng Lịch sử Bắc Carolina (Mỹ) khai mạc triển lãm A Thousand Words: Photographs by Vietnam Veterans (Gấp ngàn lời nói: Những bức ảnh do các cựu binh Mỹ ở Việt Nam chụp).

Góc nhìn rất riêng


Cựu phóng viên ảnh Tucker hiện dạy nhiếp ảnh và mở một studio ở Winston-Salem, Bắc Carolina. Thời chiến tranh Việt Nam, ông từng phục vụ trong Hải quân Mỹ.


Tháng 11-2003, khi dạy ở Trường Nghệ thuật thị giác Sawtooth ở Winston-Salem, Tucker cho phát tờ rơi trong vùng, tìm kiếm các cựu binh từng ở Việt Nam, đề nghị họ cho mượn những phim âm bản chụp thời chiến để sinh viên thực tập làm ảnh.


Yêu cầu nhỏ đó dẫn đến một... cơn lũ: Hơn 2.600 ảnh và phim, từ các cựu binh và gia đình họ, tràn ngập văn phòng Tucker chỉ trong 5 tháng.


Tucker thấy sự việc trở nên quá lớn và nghĩ phải công bố những bức ảnh đó. Tháng 11-2004, ông tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên với 60 ảnh, vừa đủ trưng bày ở một trung tâm nghệ thuật. 130 thư mời được gửi đi và... hơn 400 khách đã đến.


Sự kiện được cả Đài Phát thanh quốc gia (NPR) tường thuật và sau đó nhiều bang như Michigan, Ohio, Virginia, Nam Carolina... mời Tucker đưa cuộc triển lãm đến với họ. Mỗi lần như thế thu hút hàng ngàn người xem.


Tucker cho biết, những bức ảnh này là góc nhìn rất riêng của người lính về những gì họ đã trải nghiệm trong cuộc chiến. Sau khi chọn ảnh để triển lãm, Tucker cùng nhóm tình nguyện và sinh viên đã phỏng vấn từng cựu binh về những bức ảnh. Do đó, mỗi ảnh đều rất thu hút khi kèm thông tin do chính tác giả cung cấp... Với triển lãm này, Tucker đã được trao giải “Phục vụ xuất sắc”, giải dân sự cao quý nhất của quân đội.


Nói những điều không thể


Trên tờ News & Observer đầu tuần này, Tucker cho biết, việc công bố ảnh đã đem lại một lợi ích bất ngờ và quan trọng. Những bức ảnh đã giúp các cựu binh tìm được cách để diễn tả những gì họ đã không thể nói ra trong hàng chục năm qua, sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.


Sự im lặng về cuộc chiến đã làm chia rẽ nhiều cặp vợ chồng, nhiều thành viên gia đình và nhiều người khác. “Không chỉ những bức ảnh tràn ngập văn phòng tôi mà các cựu binh còn muốn trải lòng thật nhiều... Khi đem đến những chiếc hộp lưu giữ kỷ niệm thời chiến và mở ra, hầu hết họ đều khóc” – Tucker kể.


Phần lớn cựu binh cho biết, từ khi kết thúc cuộc chiến, họ chưa hề kể về chiến tranh. Họ mang những bức ảnh về và luôn giữ chúng, muốn đến lúc có ai đó “nghe” được chúng.


Cuộc triển lãm đã giúp các cựu binh “nói chuyện” với người thân, bạn bè, cho mọi người thấy được sự khủng khiếp của chiến tranh mà họ đã trải qua. Trong những câu chuyện dài, các cựu binh nhớ rõ tên những ai đã không trở về và những ai may mắn hơn. Những câu chuyện chỉ ra mặt yếu đuối ẩn sau vẻ ngoài cứng rắn của họ.


Cựu binh Joe Idol giải thích bức ảnh chụp người lính trong rừng già Campuchia: “Chúng tôi không bao giờ dám ngưng nhiệm vụ. Trong vùng chiến, có thể bị giết vào bất cứ lúc nào”...


Cuộc chiến Việt Nam vẫn ám ảnh nhiều người Mỹ. Như Gerald Harrison, từng chụp nhiều ảnh bằng phim 35mm khi phục vụ trong quân y Mỹ ở Việt Nam và bảo quản đến nay dù không hề mở ra xem. Đến khi đưa ảnh cho Tucker, Harrison ngạc nhiên thấy mình vẫn nhớ chính xác từng nơi đã chụp ảnh, dù đã 40 năm cố không nghĩ đến...


Theo SGGP