Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn văn hoá của Nguyễn Huệ - Quang Trung

02/05/2008 09:05

  Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng QuyếtSuốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ trước đến nay trên tả ngạn sông Lam - con sông lớn nhất xứ Nghệ, có hai lần được chọn đóng Đế đô của cả nước. Lần thứ nhất, năm 722, Mai Hắc Đế xây thành Vạn An ở La Nam thuộc huyện Nam Đàn. Lần thứ hai, năm 1788 Nguyễn Huệ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở chân núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân, thuộc TP. Vinh.

Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết
Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ trước đến nay trên tả ngạn sông Lam - con sông lớn nhất xứ Nghệ, có hai lần được chọn đóng Đế đô của cả nước. Lần thứ nhất, năm 722, Mai Hắc Đế xây thành Vạn An ở La Nam thuộc huyện Nam Đàn. Lần thứ hai, năm 1788 Nguyễn Huệ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở chân núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân, thuộc TP. Vinh.


Trong lịch sử, Phượng Hoàng Trung Đô tồn tại như một Cố đô của đất nước, phản ánh tầm nhìn văn hoá của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung.


Trong chiếu gửi La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp ngày 3 tháng 9 năm Mậu Thân (1/10/1788), Nguyễn Huệ đã viết: "Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành sơn, Quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Châu Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây dựng kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy".


Chỗ đất đẹp ở xã Yên Trường, huyện Châu Lộc để đóng đô chính là vùng đất giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân, nay thuộc khối 3, phường Trung Đô, TP. Vinh.


Núi Dũng Quyết có 4 chi: Long thủ (đầu rồng), Phượng dực (cánh phượng), Kỳ Lân (con mèo), Quy bối (lưng rùa) nên được coi là đất tứ linh. Về mặt địa lý, vùng núi Dũng Quyết có vị trí yết hầu trên con đường thiên lý xuyên việt, là chốn đô hội của non nước Hoan Châu, đã trở thành vị trí quân sự trọng yếu. Bằng đường bộ hoặc đường thuỷ, từ đây con người có thể vào Nam, ra Bắc, lên ngàn, xuống biển, tiến lùi đối với các hướng đều thuận tiện. Thế núi Hồng Lĩnh, núi Dũng Quyết, sông Lam, sông Cồn Mộc là những bức tường thành thiên nhiên phòng thủ kiên cố.


Núi Dũng Quyết kết hợp với dòng sông Lam, sông Cồn Mộc là một thắng cảnh hữu tình, đã được nhân hoá qua các thời kỳ lịch sử, giàu chất sử thi, đậm đà sắc thái xứ Nghệ. Dòng sông Lam là dòng sông lớn và đẹp nhất xứ Nghệ, chảy từ đại ngàn Trường Sơn, vượt qua bao thác ghềnh, với độ dài trên 600 km, khi về đây đã tự uốn mình ôm vòng, lượn dưới chân núi Dũng Quyết, rồi băng ra Cửa Hội, hoà vào đại dương mênh mông. Sự gặp gỡ, giao hoà giữa núi Dũng Quyết và dòng sông Lam đã tạo ra chốn địa linh, nhân kiệt.


Trên đây là nói yếu tố Địa. Trong tầm nhìn văn hoá của Nguyễn Huệ - Quang Trung còn một yếu tố hết sức quan trọng là yếu tố Nhân. Trong suốt cả quá trình hoạt động, chiến đấu tiêu diệt kẻ thù cả đàng trong lẫn đàng ngoài, Nguyễn Huệ - Quang Trung rất chú trọng tới con người xứ Nghệ.


Ngược dòng lịch sử, dưới thời Trần, khi vận nước đang bị uy hiếp trước làn sóng xâm lăng của vó ngựa Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông vẫn đặt niềm tin tưởng vào lực lượng ở xứ Nghệ biểu lộ trong câu thơ: "Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan Diễn do tồn thập vạn binh" (Nghĩa là: Cối Kê chuyện cũ Ngươi nên nhớ/ Hoan Diễn đang còn mười vạn quân).


Năm 1424, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đang trong tình thế khó khăn, không phát triển được, Lê Lợi đã đặt ra câu hỏi lớn: "Phải đi về đâu để lo việc nước". Tướng Nguyễn Chích đã hiến kế: "Nghệ An là nơi đất hiểm yếu, đất rộng, người đông... Nay ta trước hãy đánh lấy Trà Lân, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, vật lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ". Đó là những bài học lịch sử sống động về con người xứ Nghệ.


Xứ Nghệ là đất cố hương của anh em nhà Tây Sơn. Năm 1653-1657, quân chúa Nguyễn đánh ra chiếm 7 huyện phía Nam Nghệ An, khi rút lui có đưa một số tù binh người Nghệ An, trong đó có Hồ Sĩ Anh, quê ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vào ở đất Bằng Châu, tỉnh Bình Định. Nguyễn Huệ là hậu duệ đời thứ 5 của Hồ Sĩ Anh. Cha của Nguyễn Huệ là Hồ Phi Phúc đổi họ Hồ sang họ Nguyễn gọi là Nguyễn Phi Phúc.


Do thực tế cuộc sống đã trải qua, nhân dân xứ Nghệ rất ghét tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở đàng ngoài và tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn ở đàng trong, vì cả hai tập đoàn này đã gây ra chiến tranh tàn khốc nồi da nấu thịt suốt 200 năm, nhân dân xứ Nghệ phải trực tiếp chịu bao điều cơ cực, khổ nhục. Đối với nhà Tây Sơn, nhất là Nguyễn Huệ - Quang Trung, nhân dân xứ Nghệ triệt để dốc lòng ủng hộ. Trong Chiếu ngày 3 tháng 9 năm Mậu Thân (1/10/1788), Nguyễn Huệ giao cho Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận cùng với La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô dưới chân núi Dũng Quyết. Công việc xây dựng đang được khẩn trương tiến hành thì ở Nghệ An gặp hạn hán, mất mùa, Quang Trung xuống chiếu: "Những công việc to, tạm thời hoãn lại. Nhưng sở Ngũ Hành thì không thể lưỡng lự được, cần phải hoàn thành sớm".


Chỉ hơn một năm sau, ngày 5 tháng 10 năm Kỷ Dậu (21/10/1789) trong tờ Chiếu gửi La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, một lần nữa Quang Trung khẳng định việc xây dựng bằng được Phượng Hoàng Trung Đô để dời đô từ Phú Xuân ra Nghệ An: "Trẫm ba lần xa giá Bắc Thành. Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: "Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ", Tiên sinh hẳn có thế, chứ không phải là hạng người chỉ bo bo làm việc gần mình mà thôi...

Trẫm nay đóng đô ở Nghệ An, cùng Tiên sinh gần gũi. Rồi đây, Tiên sinh hãy ra giúp nhau để trị nước". Ngay sau đó, Quang Trung cử tướng Trần Quang Diệu ra làm Trấn thủ Nghệ An thay Nguyễn Văn Thận để đẩy nhanh tốc độ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.


Thành ngoài của Phượng Hoàng Trung Đô xây bằng đất đá o­ng, hình tứ giác, chu vi khoảng 2.820m, bờ thành cao từ 3m- 4m diện tích rộng 22 ha. Bao quanh phía ngoài có con hào rộng khoảng 30m, sâu từ 2,50m - 3m.


Thành nội xây bằng gạch vồ vá đá o­ng, chu vi 1.680m, cao 2m. Trong thành nội có toà lầu rồng 3 tầng, phía trước có bậc tam cấp bằng đá o­ng, phía sau có 2 dãy hành lang nối với điện Thái Hoà, nơi dùng cho việc thiết triều của vua Quang Trung.


Tuy chưa dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô, nhưng Quang Trung đã dừng lại ở đây nhiều lần. Từ Bắc Hà về (tháng 10 năm Kỷ Dậu -1789), Quang Trung đã hồi giá nghỉ ngơi ở Phượng Hoàng Trung Đô. Tháng 5-1791, từ đây Quang Trung kéo quân lên vùng thượng du Nghệ An để tiêu diệt lực lượng phản nghịch. Tháng 1-1792, khi từ thượng du Nghệ An trở về, Quang Trung cũng dừng chân ở đây.


Vua Quang Trung đang có những dự định to lớn để củng cố xây dựng phát triển đất nước thì đột ngột lâm bệnh nặng. Khi tỉnh dậy, Quang Trung cho triệu Trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu vào Phú Xuân bàn việc thiên đô ra Nghệ An. Những việc chưa quyết xong, thì bệnh tình đã nguy kịch. Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16/9/1792) vua Quang Trung mất. Việc dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô không thực hiện được. Tuy vậy, với tầm nhìn văn hoá của Nguyễn Huệ - Quang Trung, Phượng Hoàng Trung Đô đã được xây dựng như một kỳ tích của dân tộc ta!


Trần Minh Siêu - Nhà 6- Ngõ 6B- Đ. Hồng Bàng - TP. Vinh