Tảo tần... ra phố

29/08/2007 09:24

Ruộng đồng ngày một thu hẹp, hạt thóc làm ra nhọc nhằn cõng hàng chục thứ chi phí, chăn nuôi cũng chẳng ăn thua... thành ra, nông dân đầu tắt mặt tối nhưng thu nhập lại quá thấp. Không tha thiết với ruộng đồng, lại không có nghề phụ, cũng đồng nghĩa với nghèo túng! Những người phụ nữ nông thôn tảo tần đã đổ xô ra phố, hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn ở lũy tre làng.  Cảnh sống của lao động tự do ở khối Vinh Quang, phường Hưng Bình, TP. Vinh.

Ruộng đồng ngày một thu hẹp, hạt thóc làm ra nhọc nhằn cõng hàng chục thứ chi phí, chăn nuôi cũng chẳng ăn thua... thành ra, nông dân đầu tắt mặt tối nhưng thu nhập lại quá thấp. Không tha thiết với ruộng đồng, lại không có nghề phụ, cũng đồng nghĩa với nghèo túng! Những người phụ nữ nông thôn tảo tần đã đổ xô ra phố, hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn ở lũy tre làng.

Cảnh sống của lao động tự do ở khối Vinh Quang, phường Hưng Bình, TP. Vinh.


Việc làm cho lao động nói chung đang là vấn đề bức xúc, nhưng riêng khu vực nông thôn lại càng nan giải, nhất là các vùng đã bị thu hồi đất sản xuất để phát triển đô thị và các khu công nghiệp. Theo khảo sát của Sở LĐTB&XH, trong số 36 vạn người, với 19,7 vạn lao động ở 48 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thành phố, thị xã có diện tích đất thu hồi lớn (thành phố Vinh, Cửa Lò, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành) thì lao động nữ chiếm 53,4%. Trước khi thu hồi đất, tỉ lệ sử dụng thời gian lao động của lao động chưa đạt đến chỉ số trung bình, nay không còn tư liệu sản xuất, tình trạng thất nghiệp ở các địa phương này lại càng gia tăng: thêm 8.780 người mất việc hoàn toàn, trong đó nữ chiếm 65%. Thiếu việc làm không chỉ xảy ra ở tỉnh ta. Gần Nghệ An là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định cũng có lượng lao động thất nghiệp khá đông. Điều đó lý giải vì sao, lao động tự do ở các địa phương có đất thu hồi và lao động ở các tỉnh nói trên "góp mặt" đông đảo tại thành phố Vinh.

Ra thành phố tìm việc làm là lựa chọn của nhiều người. Có người tìm việc làm lâu dài, nhưng cũng có người chỉ kiếm sống trong thời gian nông nhàn, rỗi rãi. Dù dăm bữa nửa tháng hay biền biệt hàng năm trời xa quê, thì hiện tượng di cư tự phát kiểu như thế vẫn ngày càng gia tăng không chỉ với lao động nữ, gây nên tình trạng "già hóa" lao động ở các làng quê. Với đặc thù lao động đa phần không có chuyên môn, chưa qua đào tạo, thì các công việc mà họ tìm được thường là lao động công nhật tại các khu chợ, phụ hồ, phục vụ nhà hàng, giúp việc gia đình... Lực lượng lao động này cũng chiếm số lượng đáng kể trong các khu công nghiệp, đặc biệt là lao động nữ ở các ngành nghề may mặc, chế biến thủy hải sản... Mặc dù một số trung tâm dịch vụ việc làm, dạy nghề trực thuộc các cơ quan, đoàn thể như: Phòng LĐTB&XH tại các địa phương, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên... có chức năng định hướng, tư vấn nghề nghiệp, nhưng, hầu hết lao động không biết để tìm đến các trung tâm này. Đa phần là "tự thân vận động", trong làng người này bảo người kia, hoặc có người may mắn thì được anh em, bà con sống ở thành phố giới thiệu... Việc làm có thể phù hợp hoặc không đối với điều kiện sức khỏe, sở trường, nhưng hầu hết đều không ổn định và ít có tính lâu dài.

Thực tế, làm việc ở thành phố đã đưa đến sự thay đổi cho cuộc sống của các lao động và gia đình họ. Chị Nguyễn Thị Thuận, xóm 4 Nghi Xá, Nghi Lộc so sánh: "ở nhà làm nông, trừ tiền giống má, phân bón, thuốc trừ sâu và đủ các loại chi phí khác, tính chi ly mỗi ngày công chỉ từ 1.000 đến 1.200 đồng thôi. Quảy sọt hoa quả sáng 5h đạp xe vào thành phố, 7 giờ tối, có hôm thì muộn hơn mới về, vất vả nhưng cũng được 20 đến 30 nghìn đồng. Có hôm son sẻ còn được 50 nghìn đồng." Nhà chị Thuận và hàng trăm hộ khác trong xã, sắm được tivi, mua được xe máy, cho con cái học hành được, là nhờ thu nhập "phi nông nghiệp" trên thành phố. Bởi vậy, Nghi Xá- xã có diện tích đất sản xuất thu hồi để xây dựng khu công nghiệp Nam Cấm lớn nhất huyện Nghi Lộc (160 ha), nhiều hộ đã nghỉ làm ruộng, cho người khác thuê lại, rồng rắn vào Vinh... tìm việc!

Kiếm tiền nhiều hơn, nhưng người lao động cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi về "hợp phố". Trước hết, đó là cuộc sống tạm bợ, điều kiện ăn ở thiếu thốn, mất vệ sinh tại các khu trọ rẻ tiền. Khối Vinh Quang, Phường Hưng Bình là nơi có hơn 500 lao động nhập cư, trong đó chiếm đa số là những người thu mua phế liệu. Họ đến từ đủ mọi miền quê, nhưng đông nhất là người Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương và các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định... Tại nhà chủ hộ Hồ Viết Thanh, trong gian trọ chừng hơn 25 mét vuông, tối om, nồng nặc mùi mồ hôi, thuốc lào và la liệt áo quần trên những tấm phản kê là nơi ở của hơn 20 người, chị Vân quê ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đều là người cùng làng, có 2 gia đình cũng ở "ghép" tại đây. Sáng đi, tối mới về. Phòng trọ chỉ là nơi để ngủ nên chúng tôi thuê "tập đoàn" cho rẻ...". Ngoài các nguy cơ luôn rình rập đối với lao động tự do (nam và nữ) như dễ bị rủ rê, lôi kéo vào các TNXH, thì riêng với lao động nữ, bị xâm hại về nhân phẩm, quấy rối tình dục, buôn bán người là nguy cơ cao. Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 1998 đến nay, hơn 700 phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán thuộc 18/19 huyện, thị (trừ thành phố Vinh), đông nhất là Quỳnh Lưu: 76 người; Con Cuông: 49; Diễn Châu: 32; Anh Sơn: 31... Độ tuổi: trên 16 tuổi chiếm 95%, dưới 16 tuổi chiếm 5%. Những người bị bán phần đa nghề nghiệp không ổn định, rất đông trong số này là lao động di cư lên thành phố làm việc. Không chỉ những khó khăn đối với người lao động, mà tình trạng di cư lên thành phố tìm việc nói chung, của nữ giới nói riêng, cũng gây không ít thách thức đối với xã hội. Quân số luôn luôn biến động; tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm vệ sinh môi trường gia tăng... là các khó khăn của chính quyền sở tại trong quản lý lao động tự do trên địa bàn.

Hiện nay, di cư ra thành phố kiếm việc làm một cách tự phát như đã đề cập mặc dù không được khuyến khích nhưng không bị ngăn cản. Trong khi chờ đợi các giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn ngay tại địa phương, như dạy nghề, tuyển dụng lao động bị thu hồi đất vào làm việc ở các khu công nghiệp, vay vốn XKLĐ..., thì trang bị những hiểu biết về di cư an toàn là rất cần thiết đối với người lao động và việc "cần làm ngay" đối với các cấp và các ngành hữu quan.


Nguyệt Anh