Lính pháo, lính tăng “3 cùng” Nậm Giải

26/02/2008 17:08

Công trường của thanh niên
Ngày 24-2, lực lượng đoàn viên thanh niên xung kích thuộc các đơn vị H06, M6 (QK4) và huyện Đô Lương, Quỳnh Lưu đã tiến quân vào Nậm Giải, thực hiện chương trình “Đồng hành vì cuộc sống cộng đồng” đợt 2 do Tỉnh đoàn Nghệ An khởi xướng.

Đã đầu xuân, tiết trời ấm lên rất nhiều, thế nhưng trên những cánh đồng ở Nậm Giải (Quế Phong – Nghệ An) vẫn còn thấy sự hoang lạnh… Bởi vì, một lớp cát sỏi, thực bì dày từ 40 – 50 cm đến hàng mét còn phủ kín. Dưới lớp cát dày kia là ruộng vườn, đất đai canh tác của bà con. Không có đất, mùa vụ năm nay biết làm thế nào đây?


Anh Thái Thanh Quý, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nghệ An, người “chỉ huy” cả hai đợt “thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” cho biết: Trước khối lượng công việc quá lớn, bà con không thể tự giải quyết, việc triển khai sản xuất vụ đông xuân bị đình trệ. Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, hơn 70 ha diện tích đất trồng lúa nước của xã Nậm Giải đã bị bồi lấp không thể canh tác. Một số nơi bị ảnh hưởng nhẹ, bà con đã chủ động cải tạo để sản xuất, còn lại gần 65 ha bị đất cát, sỏi đá và cây cối phủ kín, nhiều nơi, đặc biệt ở bản Méo và bản Pục đất cát phủ dày gần 2m. UBND tỉnh đã có chủ trương sử dụng máy xúc, máy ủi để san mặt bằng giúp bà con tái tạo đất sản xuất. Tuy nhiên, một số nơi xe cơ giới không thể vào được nên phải nhờ đến sức người. Tỉnh đoàn Nghệ An đã chủ trương huy động lực lượng thanh niên tình nguyện xung kích lên biên giới giúp đỡ bà con khắc phục để kịp thời sản xuất vụ đông xuân 2008. BTV Tỉnh đoàn đã khảo sát, lập kế hoạch và huy động đoàn viên thanh niên các đơn vị Quân khu 4, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Quế Phong và nhân dân địa phương với lực lượng khoảng 1.000 người tham gia lao động tình nguyện tại Nậm Giải. Chiến dịch được chia làm 2 giai đoạn: đợt 1 từ ngày 26 đến ngày 30/01/2008, đợt 2 từ ngày 24 đến ngày 28/02/2008.


Đại tá Nguyễn Minh Khải – Phó Chủ nhiệm Chính trị QK tặng quà những hộ khó khăn ở Nậm Giải.

Chúng tôi gặp trong Lễ ra quân tình nguyện đợt 2 các đoàn viên thanh niên xung kích đơn vị H06 xe tăng và Đoàn M6 pháo binh, cùng với hàng trăm chàng trai cô gái đoàn viên thanh niên của hai huyện Đô Lương, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Màu quân phục dã chiến chen lẫn màu áo xanh tình nguyện và những sắc màu thổ cẩm trên váy áo các thiếu nữ Thái. Những chàng lính tăng và pháo binh tạm rời xa thao trường, bãi tập, rời xa những cỗ pháo, tăng hùng dũng của mình để tiến quân vào Nậm Giải, thực hiện công việc đầy ý nghĩa và nhân văn này: “Đồng hành vì cuộc sống cộng đồng”. Thượng tá Nguyễn Đậu Dật – Phó Chính ủy Đoàn pháo binh M6 bổ sung thêm: Đây còn là một hoạt động của công tác dân vận, giúp nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất; là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Chính vì thế, trước khi hành quân vào Nậm Giải, đơn vị chúng tôi đã tổ chức giáo dục, tuyên truyền cho từng cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên nhận thức được mục đích, ý nghĩa của thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cho từng đoàn viên thanh niên trong đợt công tác.

Trung úy quân y Đặng Văn Phong khám bệnh cho bà con
ở bản Poòng

Chưa bao giờ Nậm Giải vui như những ngày này. Từng bản, từng xóm chộn rộn từ lúc mờ sáng, khi tiếng còi báo thức của bộ đội vang lên giữa màn sương tĩnh mịch. Bầy trẻ con trong bản bám theo đội hình chỉnh tề, hành quân ra công trường… Bà con nhân dân bản Cáng, bản Poòng, bản Toóng, bản Mờ cũng kéo nhau ra đồng tham gia cùng lực lượng thanh niên cải tạo lại những thửa ruộng bị đất đá, cát sỏi và cây cối bồi lấp. Ông Quang Văn Thy – Trưởng bản Poòng xúc động nói: "Dân bản rất cảm ơn bộ đội đã không quản nắng mưa, đến với bà con". Chúng tôi được biết, nhờ Trung úy quân y Đặng Xuân Phong phát hiện và cấp cứu kịp thời mà cụ Lữ Thị Von bị sốt vi rút biến chứng co giật, đã “tai qua nạn khỏi”. Đêm đến, trong từng nếp nhà sàn vang lên tiếng cười trong trẻo của những người trẻ. Những buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, tiếng hát, lời ca vang lên giữa Nậm Giải, xóa đi cái u tịch thâm nghiêm nơi núi rừng xa xôi… 15 hộ khó khăn và thuộc các đối tượng chính sách ở bản Poòng đã được bộ đội pháo binh M6 hỗ trợ, mỗi suất quà là 10kg gạo; đơn vị H06 xe tăng tặng quà cho các em học sinh Nậm Giải trị giá 1.000.000 đồng. Những món quà tuy nhỏ, nhưng thực sự đã làm ấm lòng quân dân.

Bên bờ con sông Nậm Giải, anh Thái Thanh Quý tâm sự với chúng tôi: "Ngoài việc đẩy mạnh phong trào hoạt động tình nguyện "Vì cuộc sống cộng đồng", giúp đỡ nhân dân xã Nậm Giải khắc phục một phần diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp, chúng tôi còn muốn qua đó, khơi dậy tinh thần chủ động, tự giác của bà con, hướng dẫn bà con cách làm để sau này gặp những hoàn cảnh khó khăn bà con có thể chủ động trong công việc. Thực tế, khi các lực lượng đoàn viên thanh niên xung kích xuống đồng, đã kéo theo nhiều người dân bản cũng tự nguyện cùng lao động… Đặc biệt, cả hai đợt hoạt động đều có lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên LLVT Quân khu 4. Các anh thực sự là những người lính – đoàn viên thanh niên xung kích luôn đi đầu, đi đến những nơi khó khăn nhất…”.

Khi chúng tôi rời khỏi công trường Nậm Giải, mặt trời đã gần khuất núi. Những chàng lính tăng, lính pháo như chạy đua cùng thời gian, dấn mạnh lưỡi xẻng sắc ngọt vào trong lớp bùn cát sâu, hất lên thành một bờ thành như công sự chiến đấu. Tiếng Thiếu tá Nguyễn Duy Linh, phân đội trưởng phân đội 2 đơn vị H06 xe tăng hát oang oang trên loa phát thanh của công trường, một bài hát về tình yêu…


Bài, ảnh: Trần Hoài