Mở hướng cho nghề gỗ lũa Đô Lương

12/12/2008 09:50

Gỗ lũa là phần lõi bên trong của các gốc cây cổ thụ khô. Là phần gốc, lại là lõi nên gỗ lũa rất cứng và không bao giờ bị mối mọt, mục nát. Gỗ lũa kết hợp với cây cảnh, non bộ là thú chơi và thưởng thức nghệ thuật của ông cha ta truyền lại.

Nghề chế tác gỗ lũa ở huyện Đô Lương đã có hơn 10 năm phát triển. Xuất phát ban đầu của nghề này chỉ là từ một số người có sở thích chơi lũa khi tình cờ tham quan và gặp gỡ một số nghệ nhân chế tác lũa ở các tỉnh phía Bắc. Từ ham mê, sở thích của một số người, dần dần nhu cầu tìm mua và sử dụng gỗ lũa ngày càng tăng. Nhiều khách hàng ở một số tỉnh xa tìm đến các cơ sở chế tác ở Đô Lương để đặt hàng sản phẩm lũa. Đặc biệt, kể từ sau năm 1998, khi Hội sinh vật cảnh huyện Đô Lương tham gia các kỳ festival, các hội chợ SVC ở các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc, sản phẩm lũa mỹ nghệ của Đô Lương giành giải thưởng cao lại càng được nhiều nơi biết đến. Hiện trên địa bàn huyện có 18 cơ sở chuyên sản xuất chạm trổ điêu khắc gỗ lũa, gỗ nghệ thuật và nghề này đã tạo nên nét độc đáo đặc trưng của Hội sinh vật cảnh Đô Lương.


Nằm trong một con ngõ nhỏ xóm 6 xã Đông Sơn cận kề thị trấn Đô Lương, cơ sở sản xuất, chế tác gỗ lũa nghệ thuật của ông Nguyễn Danh Kế hoạt động trên mười năm nay. Đây là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều khách hàng ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh.


Ban đầu, chỉ mình ông Kế mày mò chế tác, dần dần phát triển thành một cơ sở chuyên về sản phẩm lũa và gỗ mỹ nghệ. Hiện nay, cơ sở của ông tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động và trên 10 lao động thời vụ. Đối với lao động có tay nghề cao thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng và trung bình là 1,5-2 triệu đồng/tháng. Sản phẩm lũa của cơ sở đã từng 3 lần tham gia Festival sinh vật cảnh tại TP Hồ Chí Minh và giành được 1 Huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng.


Nghề sản xuất, chế tác gỗ lũa mỹ nghệ ở Đô Lương đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.


Ở TT Đô Lương nghề mộc chạm trổ đã có từ lâu nhưng nghề gỗ lũa hay điêu khắc gỗ còn khá mới. Tuy vậy, những người tiên phong trong nghề gỗ lũa ở đây đang rất phấn khởi về khả năng phát triển của nghề này, nhất là tại những làng nghề có truyền thống lâu đời về nghề mộc.


Thời gian qua, nghề lũa và sản phẩm gỗ lũa của Đô Lương đã được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến thông qua triển lãm sản phẩm ở các hội chợ. Một số tác phẩm đã đạt danh hiệu, giải thưởng. Tuy nhiên, cũng như một ngành nghề TTCN khác, có những khó khăn đang rất cần được quan tâm, tạo điều kiện để đầu tư phát triển như vốn, mặt bằng nhà xưởng... Vì vậy, mong muốn chung của các cơ sở chế tác gỗ lũa nghệ thuật ở Đô Lương là sớm thành 1ập được làng nghề.


Hy vọng những định hướng tích cực của chính quyền địa phương và chủ trương khuyến khích phát triển nghề của tỉnh sẽ là động lực để nghề gỗ lũa phát triển.


Hoàng Việt Anh