Tân Trào - Nơi khởi đầu sự kiện lịch sử

17/08/2008 18:05

(Baonghean.vn) - Tân Trào có tên cũ là Kim Long (Rồng Vàng) là tên một xã (trong đó có xã Hồng Thái cũ) thuộc tỉnh Tuyên Quang. Hạ tuần tháng 5-1945, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của của Đảng từ Cao Bằng chuyển về Tân Trào hoạt động. Đình Hồng Thái - nơi đầu tiên vinh dự được đón Bác. Sau một thời gian ở nhờ nhà dân (nhà ông Nguyễn Tiến Sự ), Bác Hồ chuyển lên ở lán Nà Lừa.


Cây đa Tân Trào.

Ngày 13-8-1945, tại lán Nà Lừa (Tân Trào), hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp với đông đủ đại biểu của các đảng bộ 3 miền Băc, Trung, Nam; một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài; đại biểu khu giải phóng và đại biểu của các chiến khu. Hội nghị đã đánh giá tình hình thế giới, khẳng định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc trước khi quân đồng minh Anh-Mỹ vào Việt Nam. Hội nghị cũng nêu rõ đường lối đổi mới, đối ngoại của cách mạng với phương châm: thêm bạn, bớt thù, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và nhân dân thế giới.

Cũng trong ngày 13-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng phụ trách. 11 giờ đêm cùng ngày, Uỷ ban khởi nghĩa đã ra quân lệnh số1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại đình Hồng Thái, trong 2 ngày 16 và 17-8-1945 đã diễn ra Đại hội quốc dân, Bác Hồ chủ trì Đại hội. Đại hội có hơn 60 đại biểu từ ba miền Bắc, Trung, Nam; đại biểu kiều bào ở nước ngoài; đại biểu các chính đảng, đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo tham dự. Đại hội quốc dân đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thông qua lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn:

1. Thủ tiêu lực lượng của Nhật, trừ khử Việt gian, trừng trị lưu manh.
2. Tịch thu tài sản của lũ giặc bán nước và của Việt gian, tuỳ trường hợp để làm của chung toàn dân hay chia cho dân nghèo.
3. Thực hiện quyền phổ thông tuyển cử và các quyền tự do dân chủ khác.
4. Võ trang quần chúng, động viên quần chúng nhân dân ủng hộ du kích và tham gia Cứu quốc quân kháng Nhật.
5. Tổ chức khai hoang, khuyến khích sinh sản, thực hiện kinh tế tự túc cho khu giải phóng.
6. Hạn chế ngày lao động, thi hành pháp luật xã hội bảo hiểm, cứu tế nạn nhân.
7. Chia lại ruộng công, giảm địa tô, giảm tức lợi và hoãn nợ.
8. Bỏ hết thúê khoá và phu dịch, dự định đặt thúê luỹ tiến lợi tức duy nhất và nhẹ.
9. Chống nạn mù chữ và huấn luyện quân sự, chính trị phổ thông cho nhân dân.
10. Dân tộc bình đẳng, gái trai bình quyền.

Đại hội đã ra lời hiệu triệu phát động toàn dân khởi nghĩa và công bố bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào cả nước, kêu gọi đồng bào tiến lên dưới lá cờ Việt Minh để tự giải phóng. Cũng tại Đại hội, nhiều vấn đề lớn đã được quyết định với sự nhất trí cao đó là việc định ra Quốc kỳ, Quốc ca, cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức là Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Bác Hồ lãnh đạo, và từ Đại hội này, nhân dân ta đã gọi Bác Hồ là Hồ Chủ tịch.

Chiều 16-8-1945, dưới bóng cây đa Tân Trào, theo mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, đội quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên - đường tiến về Hà Nội.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do", nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa 19-8 thành công. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bảo Ngọc - Giới thiệu