Nặng lòng với đất rừng Kỳ Sơn
(baonghean.vn) - Thiếu thốn, khó khăn trăm bề, nhưng chiến sĩ quân y ở Trung tâm cai nghiện Tiểu khu 50 BĐBP Nghệ An bằng tất cả tâm huyết, nỗ lực của mình trả lại cho bản làng ở huyện Kỳ Sơn hàng ngàn lượt người khỏe mạnh đã từng bị “ nàng tiên nâu” quyến rũ.
Trung tâm cai nghiện Tiểu khu 50 (Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An) đứng chân ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
|
Cơ ngơi của Trung tâm còn rất nghèo nàn, chỉ có 4 căn phòng cấp bốn, 10 giường bệnh, 1 tủ sấy dụng cụ, thuốc và phác đồ cai nghiện, không có bình ô-xi. Với biên chế 2 bác sĩ, 3 y sĩ và 1 dược sĩ ngày đêm thay nhau bám sát bệnh nhân giúp họ cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Nhiều đợt con số về quá đông, bệnh nhân phải trải ni-lông nằm giữa nhà, anh em nhường võng cho họ mắc trong vườn để thay giường bệnh. Một lần, các đồn biên phòng tổ chức cho già làng trưởng bản và người thân của những con nghiện về Trung tâm tham quan. Những con nghiện đang trong cơn đói thuốc cứ gồng lên, nước mắt bọt mép sùi ra, mấy y tá, y sỹ cố ghì chặt, vừa quạt vừa lau bọt mép cho con nghiện. Mồ hôi bộ đội cũng vã ra như tắm. Được tận mắt nhìn thấy, các già làng trưởng bản hiểu ra là không có con ma nào về bắt trai bản mình cả. Ai cũng thấy được cái độc của thuốc phiện, tan cửa nát nhà cũng do thuốc phiện. Họ sẽ về cùng bộ đội vận động dân bản triệt phá cây thuốc phiện, không cho kẻ xấu đưa mà túy về với đất rừng mình.
Sau hơn 10 năm xây dựng, trưởng thành Trung tâm cai nghiện Tiểu khu 50 đã cai nghiện thành công cho hàng ngàn lượt dân bản trên đất rừng Kỳ Sơn này. Những ngày công tác ở đây tôi mới thấu hiểu được tấm lòng của các thầy thuốc ở trung tâm cai nghiện tiểu khu 50. Nhiều đêm, 100% họ phải thức trắng vì con nghiện từ các tuyến gửi về lên cơn dữ lắm. Như Lương Văn Lăng và Lương Văn Khưu ở bản Tảng Phăn xã Na Ngoi,... bây giờ đã tỉnh lại cả rồi, ân hận lắm và biết ơn bộ đội vô cùng. Mới đêm qua có tin ở bản Xiềng Tắm, xã Mĩ Lí có một thanh niên tên là Vi Văn Lí, trong cơn nghiện năng bị suy hô hấp. Kíp trực do y sĩ thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Lâm Hậu, trung úy y sĩ Nguyễn Cao Lĩnh giữa đêm khuya vượt rừng đến can thiệp kịp thời, Vi Văn Lý đã qua cơn nguy kịch rồi đưa bệnh nhân về trung tâm tiếp tục cai nghiện.
Kết hợp đông - tây y trong cai nghiện, tập thể y, bác sĩ đã đến với tấm lòng của mình như với những người ruột thịt. Các bệnh nhân được châm cứu, xoa bóp kết hợp với sử dụng thuốc tây để cắt cơn cho bệnh nhân, rồi nhẹ nhàng hướng dẫn cho các bệnh nhân làm quen với các công việc nhẹ nhàng. Nhờ áp dụng biện pháp này, mà thường chỉ sau một tuần bệnh nhân đã có thể cắt cơn và khoảng một tháng là có thể trở về với cuộc sống lao động bình thường.
Có những trường hợp như: Kha Báo Khăm ở Phà Đánh, Quang Văn Quyên, 56 tuổi ở xã Chiêu Lưu,... nghiện hút 28 - 30 năm đều được trung tâm điều trị cắt nghiện. Lô Phồng Chuyền ở xã Mỹ Lý, chỉ sau một tuần đã cắt cơn. Anh tâm sự: ”Mình nghiện hút đã 10 năm nay và trước đây cũng đã cai được một lần nhưng khi về đi rừng làm gỗ bị bạn bè rủ rê nên nghiện lại. Vợ chồng mình có hai con, con gái đầu đang học lớp 11 trường DTNT huyện. Lần này mình quyết cai nghiện để về làm rẫy với vợ cho con nó học chứ không đi rừng làm gỗ nữa”.
Nằm cạnh giường với anh Chuyền là Vi Văn Lý cũng ở xã Mỹ Lý, vốn là thanh niên xuất ngũ trở về năm 1998, cũng vào rừng làm gỗ nên nghiện từ năm 2000 đến nay. Có thời gian Lý đã tự cai nhưng sau đó lại đi rừng nên tái nghiện. Lý xúc động: “Ta đi cai, lần này về sẽ không bao giờ hút nữa.” Già Lương Văn Long, bản Tảng Phăn, xã Na Ngoi, trước đây là một thầy cúng, sau các lễ cúng người ta thường biếu ông thuốc phiện để hút. Chính vì lẽ đó, mà ông đã nghiện thuốc từ năm 1979. “Tính tuổi ta nghiện thuốc lớn hơn nửa tuổi đời rồi, nhưng phải cai thôi, còn làm gương cho con cháu”. Phía trong góc phòng nơi tấm phản đặt dưới nền nhà là một người phụ nữ có đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm thức trắng ngồi bên cạnh người chồng trẻ đang trong giai đoạn gần cắt cơn nghiện. Đó là cặp vợ chồng trẻ Mặc Đăng Khoa và Kha Thị Xuân, ở bản Hoa Lý, xã Mỹ Lý, họ vừa cưới nhau năm ngoái. Vì muốn có cuộc sống no đủ cho gia đình, Khoa đã theo bạn bè vào rừng làm gỗ rồi bị rủ rê nghiện hút hơn 4 tháng nay. Được già làng, trưởng bản nhắc nhở, động viên Khoa cùng vợ vượt hơn 40 km đường rừng về trung tâm cai nghiện. Chị Xuân (vợ Khoa) chấm vội hai giọt nước trên khóe mắt mình, nói với tôi: “Khổ thế nào em cũng chịu được, chỉ mong anh ấy cai nghiện thành công thôi !”
Bên cạnh sự vất vả đối mặt giành giật sự sống cho bao bệnh nhân ở trung tâm cai nghiện này, hàng năm tập thể những người thầy thuốc ở đây còn tổ chức tổ quân y về các bản vùng sâu, vùng xa khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con các dân tộc; phối hợp với cấp ủy chính quyền, các đồn biên phòng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện cai nghiện tại cộng đồng đã góp phần cho các bản ở huyện biên giới này giảm hẳn tỉ lệ người nghiện.
Trong cuốn nhật ký mà trung úy-bác sĩ Trần Nam Thắng, phụ trách trung tâm cai nghiện trao cho tôi trong chuyến đi dã ngoại cai nghiện cho bà con tại cộng đồng vừa rồi: ” Mĩ Lý: 30, Phà Đánh: 30, Chiêu Lưu: 61, Mường típ: 42, Na Ngoi: 38, Nậm Càn: 38, Keng Đu: 32, Tà Cả: 28, Hữu Kiểm 24. Tổng cộng 324 ca cai nghiện. Tăng 200 ca so với chỉ tiêu được giao.”
Dẫu trước mắt hay còn biết bao khó khăn thiêu thốn, nhưng những chiến sĩ quân hàm xanh ở trung tâm cai nghiện Tiểu khu 50 đã gieo vào tâm khảm chúng tôi đức tính cao đẹp mà bác Hồ đã dạy:” Vì nhân dân quên mình, Vì nhân dân hy sinh”.
Bài, ảnh: Thuận Thắng