Nuôi nhím cũng mau giàu

27/08/2008 11:22

(Baonghean.vn) - Cơ sở nuôi nhím của ông Lê Văn Thân ở xóm Phúc Sơn (xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) hiện nay cho thu nhập khá cao, mỗi năm từ 80 -100 triệu đồng.

Năm 2008, ông Lê Văn Thân sau khi tham gia chiên đấu trở về địa phương, được sự mách bảo của đồng chí, đồng đội, cầm trong tay 10 triệu đồng đã mạnh dạn đi tham quan học hỏi một số cơ sở nuôi nhím trong nước như Ninh Bình, Củ Chi, Lai châu…. và quyết định cuối cùng là ông chọn cho mình 3 cặp nhím ưng ý tại tỉnh Ninh Bình. Giá nhím thịt trên thị trường hiện tại là 300 ngàn đồng /1kg, nhưng với cách nghĩ và hướng đi của mình ông đã chọn mua 3 cặp nhím đã sinh sản với giá là 500 ngàn đồng/1kg. Trọng lượng khi mua mỗi con trung bình nặng 10 -15kg. Theo ông, mua nhím đã sinh sản có hệ số an toàn cao hơn, bởi vì khi mua nhím con, khó mà phân biệt được cặp đó là đực hay cái, thứ hai là khi mua chưa chắc đó là nhím mẹ đẻ ra, chưa kể trường hợp mua phải nhím rừng thì khả năng sinh sản rất thấp vì chúng ta phải có quá trình thuần hoá.

Nhím là loài lớn nhất trong bộ gặm nhấm. Nặng khoảng 15-20 kg, thân dài 65-75 cm , đuôi dàI 6-12 cm toàn thân phủ gai trâm, gáy có bờm lông nhô cao, cuối đuôi có túm lông. Đây là đặc điểm để nhận biết về loài.

Khi chúng tôi đến để tham quan mô hình của ông, bước đầu chúng tôi nghe bảo nhím hung dữ lắm nhưng ông bảo “Tôi chẳng biết nói sao, mời các anh chị ra đây xem rồi biết ngay”. Thật kỳ lạ là khi ra đến chuồng những chú nhím này không sợ người lạ và đến gần để đòi thức ăn. Ông bảo nuôi nhím không đòi hỏi nhiều công sức và chi phí, nguồn thức ăn cho nhím rất chủ động, dễ tìm, dễ kiếm chủ yếu là các loại củ qủa, ngũ cốc, rau xanh. Những loại thức ăn này vùng nông thôn rất dễ kiếm. Về chuồng trại thì không cầu kỳ, chỉ cần thông thoáng và đầy đủ ánh sáng. Ông cho biết bước đầu nuôi chưa am hiểu về khoa học hay tập tính của chúng nên khi cho nhím ăn thì nó lại cắn nhau. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi của một số địa phương thì họ vẫn xây hang trong chuồng cho nhím ở, với ông thì lại không xây hang cho nhím, nhằm mục đích: Ban ngày muốn cho nhím ăn thì nó lại vào hang ngủ cho nên rất khó nhìn thấy nó, thứ hai là nhím thường đi ăn vào buổi tối cho nên ông thắp sáng điện để tạo thói quen cho nhím ăn cả ngày. Mỗi chuồng ông nhốt từ 2-3 con.

Theo ông, chăm sóc cho nhím dễ hơn nuôi dê, lợn…Mỗi ngày chỉ quét dọn một lần bởi vì phân của nhím cũng giống như phân dê và quá trình nuôi chưa thấy hiện tượng nhím bị bệnh gì. Ông cho hay, nhím cũng rất thích tắm nhưng chỉ dùng hai chân nhúng xuống nước và tự vuốt mình chứ không bao giờ nhúng cả mình vào nước. Mỗi năm 1 con nhím cái chỉ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, mùa sinh sản của nhím là vào tháng 3-4 và tháng 10-11 dương lịch. Sau khi đẻ nhím con có đủ lông mềm nhưng chưa mở mắt, đẻ xong thì tự nó bú ngay. Trọng lượng nhím con khi mới đẻ từ 0,2-0,3 kg. Nhím đực trưởng thành sinh dục là sau 12 tháng, còn nhím cái sau 15-16 tháng. Nhím con sau 2 tháng thì tách bố mẹ để đẻ bố mẹ giao phối lứa thứ 2. Đặc biệt sức đề kháng của nhím rất tốt. Ông cho hay: Lá sắn giống mới trâu bò không ăn được nhưng với nhím thì vẫn ăn bình thường. Giá nhím giống hiện nay rất cao, từ 8 -10 triệu đồng/cặp.

Mỗi năm ông cho xuất chuồng 2 lứa giống, mỗi lứa là 5 cặp. Như vậy mỗi năm ông có từ 80 -100 triệu đồng. Đây là mô hình mà mọi nông dân có thể tham gia để làm giàu cho chính mình.

Bài, ảnh: Cao Minh Hưng - Trạm khuyến nông Nghi Lộc