Mong bản Đình Hương không còn heo hút !

26/03/2008 11:18

Bản Đình Hương (xã Tam Đình - huyện Tương Dương) nằm chênh vênh trên sườn núi, trước mặt là dòng Nậm Nơn, ba phía là rừng núi. Cả bản có hơn 100 hộ dân thì phần lớn thuộc diện nghèo đói. Trai tráng đi đãi vàng thuê, làm rẫy, phụ nữ hái rau rừng làm bữa, trẻ con sa sẩn quanh làng...

(NAO) - Bản Đình Hương (xã Tam Đình - huyện Tương Dương) nằm chênh vênh trên sườn núi, trước mặt là dòng Nậm Nơn, ba phía là rừng núi. Cả bản có hơn 100 hộ dân thì phần lớn thuộc diện nghèo đói. Trai tráng đi đãi vàng thuê, làm rẫy, phụ nữ hái rau rừng làm bữa, trẻ con sa sẩn quanh làng...


Những ngôi nhà sàn nép bên lối nhỏ vắng bóng người.

Thật khó tin khi thấy bản Đình Hương lại sống heo hút ! Mấy chục nếp nhà sàn tươm tả trải trên sường núi, bên kia dòng Nậm Nơn, gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, phương tiện đi lại duy nhất chỉ có thuyền. Từ đây lên thị trấn Hoà Bình đi thuyền máy cũng phải hơn hai tiếng, còn nếu đi bộ thì mất nửa ngày. Không có điện, thiếu nước sạch, cuộc sống của người dân nơi đây còn rấtnhiều khó khăn. Cả bản có hơn 100 hộ dân thì phần lớn thuộc diện nghèo đói. Cái ăn cái mặc trông cả vào nương, rẫy, vào con cá ven sông. Thanh niên trai tráng có sức khoẻ thì rủ nhau đi đãi vàng thuê, lấy công làm lãi. Phụ nữ và trẻ nhỏ hàng ngày vẫn ra bờ sông hái rau cụm - thứ rau dại mọc quanh năm - về để muối làm dưa, cải thiện bữa ăn.

Cùng với thiếu ăn thiếu mặc, gần đây học sinh trong bản bỏ học ngày càng nhiều. Trong năm học này đã có ít nhất 20 em học sinh cấp II nghỉ học giữa chừng vì đường đi học quá khổ. Một số em may mắn hơn được bố mẹ cho đi học trường cấp II tại Khe Bố, tuy nhiên do còn ít tuổi lại phải trọ học nên việc học của các em bị ảnh hưởng. Chị Lô Thị Kim có con trai là Lô Mạnh Dũng đang học cấp II buồnrầu nói: "Hồi học cấp I năm nào nó cũng được tiên tiến, năm nay lên lớp 6, trường ở mãi tận Khe Bố nên tuần nào nó cũng nghỉ vài ngày để về nhà, không được tiên tiến nữa...".


Bể nước sạch... không có nước.

Mọi lối ngõ ở bản Đình Hương, đâu cũng thấy trẻ con. Chúng tụm năm, tụm ba trêu đùa chọc ghẹo, chơi vất vưởng... Do trẻ em bỏ học quá nhiều nên thầy cô giáo đã đến vận động các em đi học ở lớp bổ túc tại xã. Nhiều em đang học ở trường phổ thông, thấy học bổ túc vừa nhanh lại vừa gần nhà bèn rủ nhau đổi lớp. Cả bản được dự án xây 6 bể nước sạch nhưng nó đã bị hư hỏng từ lâu rồi, giờ không có nước. Cả bản có 3 chiếc xe máy nhưng cũng chỉ nằm im lìm ở nhà, thi thoảng mới được lấy ra chạy quanh trong bản.


Hơn một năm trở lại đây khi bắt đầu nghe tin Đình Hương sẽ là một trong năm bản phải di dời vì nằm trong lòng hồ của thuỷ điện Khe Bố thì mọi cố gắng để thay đổi cuộc sống gần như đình trệ.

Trong một thời gian ngắn nữa, nhờ công trình thuỷ điện Khe Bố, một con cầu bê tông sẽ bắc qua sông, theo đó một con đường chạy dọc bên kia sông cũng sẽ được mở. Huyện Tương Dương cùng với ban quản lý dự án thuỷ điện đang lên quy hoạch khu tái định cư theo phương án di vén tại chỗ, từng bước trưng cầu ý dân, công khai các hạng mục được đền bù, giá trị được đền bù, kí cam kết với các bản đền bù... Ông Vi Hợi – Phó chủ tịch huyện cho biết thêm: Chúng tôi đang cố gắng để mọi người dân thuộc diện di dời đều sớm ổn định cuộc sống khi về nơi ở mới. Điều quan trọng là phải giữ được bản sắc, giữ được linh hồn của bà con dân tộc Thái vùng này.


Bải, ảnh: Mỹ Hà