Cô giáo mầm non ở bản H’Mông

14/11/2008 16:42

Xã Huồi Tụ - Kỳ Sơn - Nghệ An với gần 100% cư dân là các tộc người thiểu số, chủ yếu là người H’Mông. Khơ Mú và Thái, được coi là một địa phương nghèo đói nhất nước ta hiện nay. Đời sống của giáo viên vùng cao Huồi Tụ cũng đang gặp vô vàn gian khó, đặc biệt là giáo viên bậc học mầm non.

(Baonghean.vn) - Xã Huồi Tụ - Kỳ Sơn - Nghệ An với gần 100% cư dân là các tộc người thiểu số, chủ yếu là người H’Mông. Khơ Mú và Thái, được coi là một địa phương nghèo đói nhất nước ta hiện nay. Đời sống của giáo viên vùng cao Huồi Tụ cũng đang gặp vô vàn gian khó, đặc biệt là giáo viên bậc học mầm non.

Hành trình gieo chữ bao gồm cả việc dựng lớp, xây trường nơi miền núi thẳm

Cô giáo tự dựng lớp ...

Trường mầm non xã Huồi Tụ mới có từ tháng 8 năm 2001, được xây cất trên một ngọn đồi cao nhất bản Huồi Đun. Chúng tôi đến nơi đúng vào lúc các cô giáo đang dựng nhà bếp. Căn bếp nhanh chóng được hoàn thành trong một buổi chiều. Nó chỉ là một cái lán nấu ăn nho nhỏ phủ tấm lợp chung quanh che chắn bằng phên nứa..

"Các cô giáo tranh thủ ngày thứ bảy cuối tuần để “lao động xây dựng cơ sở vật chất”. Cô hiệu phó, Nguyễn Thị Hải vui vẻ cho biết. Nhìn các chị làm những công việc nặng nhọc đáng lẽ ra không dành cho phụ nữ chúng tôi không khỏi cảm thấy ái ngại. Tôi hỏi sao các chị không nhờ chi đoàn thanh niên thôn bản giúp đỡ? Cô giáo Trần Thị Anh nhìn tôi vẻ thông cảm. “Chắc các chú ở dưới xuôi nên không biết. Không phải đồng bào dân tộc ở đây không chịu giúp đâu. Nhưng đang mùa gặt lúa, hầu hết họ đều đi rãy tối mịt mới về".

Năm nào cũng vậy, những cô giáo chân yếu tay mềm vẫn phải tự mình dựng mới hoặc sửa sang các lớp học cho các cháu. Có nhiều người trong số họ là người ở các huyện miền xuôi nhưng đã gắn bó lâu năm với Kỳ Sơn như chị Nguyễn thị Hiền quê huyện Đô Lương hiện là hiệu trưởng trường mầm non Huồi Tụ đã công tác ở Kỳ Sơn suốt 12 năm nay, và cũng ngần ấy năm chị phải đi dựng lán để mình cũng như đồng nghiệp có nơi đứng lớp.

Vào những dịp đầu năm học thì đồng bào ở các bản cũng có một đợt lao động làm lớp học cho con em. Điều này đã thành thông lệ và các cô giáo vẫn cùng làm với bà con. Nhưng những lớp học được dựng bằng tranh tre nứa lá thường xuống cấp nhanh chóng và việc tu sửa lại phải do các cô đảm nhiệm. Cô Trần Thi Anh dạy ở Kỳ Sơn từ năm 2003 không giấu được nước mắt, chị nói: “Nhiều khi trời mưa, lớp dột, thương các cháu quá, thế là cô giáo lại bảo nhau trèo lên chữa lại mái tranh". Nhà cô Anh ở huyện Con Cuông, cách cơ sở mầm non Huồi Tụ gần 160 km. Cô phải cho con gái vừa mới 4 tuổi theo cùng vừa để dễ bề chăm con vừa được yên tâm nuôi dạy các cháu nhỏ trong bản. Chị Anh tâm sự tiếp : “Như chị đây vẫn còn sướng đó chú. Khổ nhất ở đây có lẽ là chị Hải và chị Hiền hiệu trưởng. Chồng con chị Hải ở Anh Sơn, Gia đình chị Hiền ở mãi dưới thành phố Vinh. Có khi cả nửa năm các chị ấy mới được về với chồng con một lần.”

...Và “rước” học trò tới trường
Chị Hải quê ở Long Sơn (Anh Sơn - Nghệ An), đã làm công việc nuôi dạy trẻ ở Kỳ Sơn từ năm 1999. Ngày trước khi mới lên Kỳ Sơn chị phải cố gắng lắm mới quen được với địa hình và khí hậu của vùng núi cao thường lạnh về đêm và buổi sáng sớm, trưa về thì nắng gắt. Mùa đông có năm nhiệt độ xuống gần đến 00C, những ngày lạnh giá như thế các cháu nhỏ cũng không thể đến lớp. Mùa đông ở đây thường không có mưa và các cô giáo phải đi chở nước ở những vùng thấp về mới có cái nấu ăn. Gian nan là vậy nhưng các chị vẫnquyết tâm gắn bó với nghề.

Chị Hải tâm sự: “Mình đã có tuổi rồi. Lại nhận thấy hình như nghề giáo hợp với mình nhất nên biết gian khó nhưng vẫn phải ăn đời ở kiếp với nó thôi chú ạ.” Thường thì không ai bảo ai, cứ sáng ra chị nào cũng phải rời khỏi giường khi con gà mới gáy lần hai, thổi cơm ăn sáng đến năm rưỡi là phải xuống cơ sở ở các làng bản.. Bản nào cũng cách xa cơ sở chính 5 đến 6 km đường rừng. Cơ sở bản Huồi Thăng, do cô Vi Thị Tắm phụ trách nằm cách cơ sở chính 8km. Chị Tắm nói với chúng tôi với chúng tôi thế này: “Đi dạy xa thế mình cũng nản. Chắc sắp tới phải sắm xe máy thôi. Đi bộ 3 năm nay rồi đấy. Đường khó đi thật đấy nhưng có xe máy vẫn đỡ nhọc sức hơn. Mà khi mua xe máy cũng ngại. Lương mỗi tháng cũng ngót 2 triệu đấy nhưng bấy giờ giá xăng lên cao quá. Chỉ sợ không kham nổi tiền xăng xe thôi.”

Nước sinh hoạt phải gánh về từ dưới chân núi

Một lí do khiến các cô giáo mầm non Huồi Tụ phải đến cơ sở sớm vì còn phải đến từng nhà trong bản đón các cháu nhỏ đến lớp. Nếu không đến đóncác cháu sẽ ngồi lì ở nhà chứ không tới lớp. Dân bản đã quen với tiếng gọi trẻ đi học mỗi sáng của các cô giáo mầm non. Nhiều nhà chỉ đến khi cô giáo đến gọi mới cho con đi học. Chuyện này đã thành thông lệ ở xã Huồi Tụ rồi. Chị Vi Thị Tắm kể hồi chỉ mới chuyện về cơ sở Huồi Thăng. Có hôm chị đi gom hết các cháu ở cuối bản đến lớp rồi tiếp tục đi gọi các cháu ở đầu bản.Khi trở lại lớp thì không còn một bóng học trò nào, sau phải đến từng nhà nói với phụ huynh các cháu mới chịu đi học. Có một cháu lớp 5 tuổi tên Muế Chơ, người Khơ Mú thản nhiên nói: “Không phải cô giáo của con, không đi theo dâu.” Thì ra bọn trẻ còn chưa quen với cô giáo mới.

Câu chuyện của chúng tôi phải dừng lại vì đã đến giờ các cô giáo đi chở nước. Các chị cứ hai người một khiêng theo một cái can nhựa loại 20 lít đi xuống những con khe dưới thấp chuyển nước về chuẩn bị bữa tối. Chỉ còn chị Trần Thị Anh ngồi lại với chúng tôi. Chị lại rủ rỉ tâm sự: “Ở đây buồn lắm các chú ạ. Nhưng mình không thể bỏ đi được, phần vì nghề nghiệp tuy vất vả một chút nhưng có thể nói là đã ổn định, phần vì thấy thương các cháu nhỏ ở đây quá. Các cháu phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn cả, cha mẹ tối ngày trên rừng còn đâu thời gian lo cho con cái. Mình ở đây cùng với đồng nghiệp nuôi dạy các cháu cũng là góp phần làm thay công việc của cha mẹ các cháu.

Buổi chiều tối tháng mười mưa gió ấy chúng tôi chia tay các cô giáo mầm non xã Huồi Tụ trở về xuôi với một niềm mong mỏi, mong sao sớm có một con đường rải nhựa vào đến trung tâm xã và cô trò của trường mầm non Huồi Tụ không phải ngồi dạy và học trong những căn lán tranh tre nứa lá nữa. Đó cũng là mơ ước của không chỉ của 19 cô giáo mầm non Huồi Tụ mà của toàn thể nhân dân xã xã vùng cao này.


Hà Phượng