35 năm thành lập Đoàn H15 anh hùng (10-4-1973 --- 10 - 4 - 2008): Đột kích mạnh, cơ động cao

04/04/2008 10:10

Kiểm tra bảo dưỡng định kỳ
Trong nhà truyền thống của Đoàn Tăng thiết giáp H15, vẫn còn đoạn mắt xích xe tăng T54 ngày đêm vượt ngàn dặm đường để dội lửa lên đầu thù trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ hướng Đông Bắc Sài Gòn; vẫn còn nắp đài thông tin in vết máu của pháo thủ Nguyễn Văn Vĩnh; chiếc mũ công tác của nguyên Lữ trưởng Đào Xuân Vĩnh chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia năm 1979, và nữa nhiều quyết tâm thư bằng máu của chiến sỹ thể hiện quyết tâm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trên mọi trận tuyến.


Những ngày đạn lửa


Cách đây tròn 35 năm, (10/4/1973), Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 75 thành lập Trung đoàn xe tăng 215, trực thuộc Binh chủng Tăng thiết giáp (TTG) đóng quân tại "vùng đất xe tăng" Vĩnh Phúc. Những ngày mới thành lập, bên cạnh lực lượng nòng cốt là Trung đoàn Anh hùng 201, chỉ có một số đại đội, tiểu đoàn từ các đơn vị khác chuyển về. Sau 2 tháng, qua 2 lần chuyển quân, đơn vị đã xây dựng xong lán trại, hầm trú ẩn xe tăng, sẵn sàng xung trận.

Thời điểm cuối năm 1973, đầu 1974, tình hình trên chiến trường có nhiều biến động lớn. Để kịp thời bổ sung lực lượng cho tiền tuyến lớn, đơn vị chính thức trở thành Đoàn tăng thiết giáp H15. Thủ trưởng Binh chủng đã xác định nhiệm vụ: "Khẩn trương xây dựng lực lượng đơn vị, thực sự trở thành Đoàn dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng, có sức đột kích mạnh, cơ động cao...".

Kíp xe 195 đoạt giải Nhất trong Hội thi toàn quân năm 2007

Trên tinh thần đó, tháng 2/1975, Đoàn H15 hành quân từ Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Liên tục trong các ngày 14, 17, 20/4/1975, Tiểu đoàn Tăng 1, 2 và Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 3 đã cơ động có mặt tại Bù Đốp. Cuộc hành quân dài 1280 km qua bao hiểm nguy và gian khổ đã kết thúc tại điểm hội quân đúng kế hoạch.

Bảng vàng thành tích


l Được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới năm 2004.


l Đại đội 3, đại đội 7 được tặng danh hiệu AHLLVTND năm 1972.


l Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa năm 1976.


l 6 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì các năm 1976, 1984, 1994.


l 39 lần được nhận cờ thưởng luân lưu của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Kỹ thuật, TW Đoàn, BTL Tăng thiết giáp.


l 23 lần được Bộ Tư lệnh tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.


l 15 lần được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội NDVN đến thăm và làm việc.

l Hàng ngàn lượt cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được các cấp trong và ngoài Quân đội tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Trận đầu ra quân, Tiểu đoàn 1 phối thuộc Sư 341 (QK4) tiến công trên hướng Đông Bắc Sài Gòn đánh địch ở Trảng Bom, Bầu Cá, Long Lạc, Hố Nai, Tiểu đoàn 2 phối thuộc Sư đoàn 9 Binh đoàn 232 tiến công hướng Tây và Tây Nam Sài Gòn đánh chiếm trạm rađa Phú Lâm, trường đua Phú Thọ, Biệt khu Thủ đô và phối hợp đơn vị bạn đánh chiếm Dinh Tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn. Nhiều chiến công của đơn vị đã được ghi nhận trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vết xích xe tăng hành tiến của H15 in dấu trong đội hình đại quân ta tiến vào Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975. Với những chiến công đó, Tiểu đoàn xe tăng 1 và 2 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công.


Sau đó, những chiến xa còn khét nồng khói đạn, đi ra từ cuộc chiến tranh vệ quốc bắt tay ngay vào những cuộc chiến mới, không kém phần khó khăn, gian khổ. Theo lệnh điều động, đơn vị tiếp nhận địa điểm đóng quân mới tại Quỳnh Lưu -Nghệ An, một vùng đất bán sơn địa hoang vu, cỗi cằn, chỉ toàn hố bom và cây dại, nước sinh hoạt là chuyện rất xa vời.

Nhưng với truyền thống "Đã ra quân là đánh thắng", toàn Đoàn với sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân địa phương đã san ủi hàng ngàn m3 đất đá, khai thác hàng vạn cây tre nứa làm nhà, dựng lán, củng cố, xây dựng kho xưởng theo hướng chính quy, thống nhất. Một cơ đồ mới mọc lên, tuy còn đơn sơ nhưng đã mang dáng vẻ vững chãi ban đầu. Đó là thời điểm cuối năm 1976...


Tháng 2/1978. Đoàn H15 lại bước vào cuộc chiến mới làm nhiệm vụ quốc tế với một Đoàn tăng nhẹ gồm 2 tiểu đoàn và 5 đại đội trực thuộc. Cùng lực lượng của Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Hải quân, đơn vị đã tham gia đánh 34 trận suốt từ đầu chiến dịch đến trận cuối cùng truy quét địch ở Thủ đô PhnômPênh (Campuchia).

Những trận đánh thần tốc lại ghi thêm kỳ tích chiến công vào lịch sử của Đoàn. Trận xe K6385- Đại đội 11 vượt sông đánh chiếm đầu cầu Thị xã Côngpôngchàm, trận Đại đội 10 phối hợp đánh địch giải phóng thị xã Côcông. Riêng Đại đội 7 Anh hùng đã tham gia đánh 8 trận, trong đó có 5 trận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Truyền thống "Đã ra quân là đánh thắng" được phát huy cao độ. Bộ đội Tăng thiết giáp luôn dẫn đầu trận tuyến thần tốc, thọc sâu vào đội hình địch làm chủ chiến trường. Kết thúc chiến dịch, có 3 đại đội và 22 đồng chí được tặng Huân chương các loại.

Năm 1979, sau khi rút quân từ Campuchia trở về, một tiểu đoàn tăng của đơn vị lại lên đường cùng đội hình Quân đoàn 3 chi viện bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1985, Đoàn thành lập tiểu đoàn PT-76 mang phiên hiệu 1031 tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Bánh xích xe tăng vẫn chưa có ngày ngơi nghỉ. Lẵng hoa cao quý của Bác Tôn tặng năm 1976 là nguồn động viên lớn lao cho những nhiệm vụ phía trước của Đoàn H15.


Còn mãi chất
"lính xe tăng"


Từ trong đạn lửa, tiếng xe gầm xung trận, trở về hậu cứ đơn vị, bắt đầu tạo lập hậu cứ vững chắc, bắt tay vào một quá trình, tinh thần "Đã ra quân là đánh thắng" lại thêm một lần được thể hiện. Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu vẫn được đặt lên hàng đầu.

Diễn tập đội hình hành tiến

Qua 10 lần Bộ Quốc phòng và 24 lần Binh chủng TTG kiểm tra, Đoàn đều đạt loại giỏi, các phương án A, A2, chiến đấu tại chỗ thường xuyên thực hiện tốt. Nhiệm vụ phòng chống "Diễn biến hoà bình" và "bạo loạn lật đổ" luôn hoàn thành xuất sắc. Chất lượng công tác huấn luyện được tích cực đề cao nhằm sát thực tế chiến đấu. Đã có 25 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 5 giải thưởng trong hội thi Sáng kiến CTKT cấp Binh chủng, Bộ QP và Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen vì huấn luyện giỏi các năm 1996-2000, 1998-2000, 2000-2001...


Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng. Trong 22 năm qua, toàn Đảng bộ kết nạp được 571 đảng viên mới. Từ 1987 đến nay, Đảng bộ Đoàn luôn đạt đơn vị trong sạch vững mạnh. Tình cảm keo sơn, gắn bó giữa đơn vị với địa phương cũng là điều dễ cảm nhận qua những con số biết nói: Giúp xã 5000 ngày công tu sửa đường giao thông (30km), tặng 19 sổ tiết kiệm, phụng dưỡng 2 bà mẹ VNAH, toàn Đoàn có 23/23 đầu mối kết nghĩa với địa phương.


Bình dị và gần gũi thân quen, ấm áp tình người lính là cảm nhận của chúng tôi khi đến thăm H15. Trong bất kỳ khuôn viên của mỗi tiểu đoàn, thảm cỏ, bồn hoa được chăm bón, cắt xén như một công viên thu nhỏ. Khu tăng gia của đơn vị được thực hiện với phương châm 3 xanh: Xanh ngoài vườn, xanh trên giàn, xanh trong kho. Đơn vị đã tự túc được 100% rau xanh, 40% thịt cá, hàng năm thu hoạch từ 60-70 tấn rau xanh các loại.

Để có cả chục ngàn m2 rau xanh mướt mát, dãy chuồng chăn nuôi khang trang, thoáng đãng, ao cá với hàng trăm gà vịt, bộ đội đã phải bóc hẳn lớp đất cằn cỗi đi, chở hàng ngàn m3 đất từ Nghĩa Đàn về đổ lên, tạo lớp áo mới cho đất đồi, theo đó là mồ hôi chảy xuống cho cây trái lên xanh. Cán bộ chiến sĩ đã bỏ công khai thác hàng trăm m3 đá để làm nên hồ chứa nước sạch, là nguồn sinh hoạt và tưới tắm cho toàn đơn vị.

Khó khăn là vậy, nhưng dạo qua một vòng cơ ngơi mới biết ý chí "Bàn tay ta làm nên tất cả..." của lính TTG. Nhà làm việc, chỉ huy sở 2-3 tầng, phòngg truyền thống, nhà xe, nhà xưởng, nhà ở với tổng diện tích 18.762 m2, 100% đường đi lại nội bộ được bê tông hoá, một trạm biến áp 100 KVA với 5 km đường điện nội bộ, hệ thống sân vận động, thao trường, vườn hoa... Còn rất nhiều thành tích của đơn vị qua những kỳ hội thao, diễn tập để một vinh dự rất lớn đến với Đoàn H15 trong năm 2004 khi được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý " Anh hùng LLVT trong thời kỳ đổi mới".


Đoàn H15, đoàn quân tiên phong, "quả đấm thép" trên đầu thù nay bình dị giữa lòng dân, xiết đỗi tự hào với tuổi 35.


Trần Hải