Con tằm ở bản Hoa Tiến

21/08/2008 12:59

(Baonghean.vn) - Đời sống của nhiều hộ dân ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đang khá lên dần nhờ phục hồi được nghề trồng dâu nuôi tằm với mức thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng/ha/năm.

Hiện tại, bản Hoa Tiến có 30 hộ được dự án phát triển nông thôn Đa Lĩnh vực (ĐLV) huyện đầu tư trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế, huyện Quỳ Châu đang khuyến khích nhân rộng.

Chị Sầm Thị Bích, tổ trưởng mô hình trồng dâu, nuôi tằm bản Hoa Tiến cho biết: “trước đây ở Hoa Tiến cũng đã trồng dâu, nuôi tằm nhưng do chưa có kỹ thuật, giống tằm cũ... nên không phát triển được. Sau khi được dự án phát triển nông thôn Đa Lĩnh vực huyện hỗ trợ vốn, tập huấn về kỷ thuật trồng dâu nuôi tằm. Qua một năm (từ tháng 8/2007) thực hiện toàn tổ đã thu 12 lứa kén, bà con đã rút được trên 200kg tơ và dệt thành 4.000 sản phẩm Thổ Cẩm các loại từ tơ tằm và đã bán được trên 300 triệu đồng. Nhờ nuôi tằm mà đời sống của bà con đã khá giả hơn nhiều”.

Còn theo các “nghệ nhân” Làng nghề Thổ cẩm ở bản Hoa Tiến, nghề trồng dâu nuôi tằm không chỉ cho thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây màu khác, mà còn tạo được công ăn việc làm quanh năm cho nhiều lao động. Đặc biệt là giúp họ có được những sợi tơ “xịn” để làm nghề, không phải mua tơ, sợi ở các nơi khác giá đắt, không đảm bảo chất lượng... Bởi vậy bà con đã tận dụng các vùng đất ven sông Hạt thường bị ngập lụt trong mùa mưa để trồng dâu nuôi tằm. Từ đầu năm 2008 đến nay, bà con đã trồng thêm được 20 sào, nâng tổng số diện tích dâu nuôi tằm lên 70sào/30 hộ.

Tuy nhiên, cái khó cho bà con là thời gian dự án đã hết, xã Châu Tiến đang muốn nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm để xây dựng cơ sở ươm tơ, thành lập các tổ hợp tác chuyên canh dâu tằm, tơ nhưng lại sợ khó khăn về giống (vì loại tằm này không nhân được giống mà phải nhập ngoài), bà con nơi đây đang rất cần các cấp, các ngành tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ đầu tư nguồn vốn, kĩ thuật xây dựng cơ sở nhân giống tằm, cung cấp con giống tằm cho bà con chăn nuôi. Để nghề không chỉ là nghề, mà còn góp phần tăng thu nhập cho gia đình, ổn định đời sống cho người dân. Có như thế mới bảo lưu được nghề, không để nghề mai một dần.

Bài, ảnh: Trần Ngọc Lan - Quỳ Châu