Ngày Xuân nói chuyện cưới

29/01/2009 19:12

Hôn nhân là việc hệ trọng, là hạnh phúc to lớn của đôi trai gái và các bậc cha mẹ. Cho nên, nhân tiệc cưới mọi người đến chúc mừng, chia vui với đôi lứa là việc nên làm. Thế nhưng hiện nay nhiều nơi tổ chức cưới linh đình, rườm rà, gây khó nhọc tốn kém cho cả chủ và khách mời.

(Baonghean.vn) - Hôn nhân là việc hệ trọng, là hạnh phúc to lớn của đôi trai gái và các bậc cha mẹ. Cho nên, nhân tiệc cưới mọi người đến chúc mừng, chia vui với đôi lứa là việc nên làm. Thế nhưng hiện nay nhiều nơi tổ chức cưới linh đình, rườm rà, gây khó nhọc tốn kém cho cả chủ và khách mời.


Tục xin cưới của đồng bào Thái vùng tây bắc Nghệ An.

Quê tôi cách trung tâm huyện không xa và cũng không còn nghèo như trước nữa. Nhiều người biết thời vận đã chuyển công việc từ người nông dân chân lấm tay bùn thành người kinh doanh, buôn bán... Thế nhưng thủ tục cưới xin thì chẳng tiến bộ chút nào, lại có phần rườm rà hơn trước.

Anh bạn tôi lấy vợ, thế là cả làng được vui. Theo lệ, cưới ở quê cứ phải 3 ngày: ngày dựng rạp, ngày chính lễ và ngày thứ 3 hạ rạp. Lương thực, thực phẩm được chuẩn bị từ trước. Người ra, kẻ vào làm mâm làm cỗ tấp nập, rất vui. Điều đáng nói là cỗ diễn ra trong 3 ngày, thực phẩm làm cỗ nhiều nhưng lại thiếu nơi bảo quản. Gặp hôm trời nắng, thế là bao nhiêu biện pháp được áp dụng để chống thiu. Lúc cỗ đã có mùi, người nấu lại đem gia giảm đủ thứ để khỏi lãng phí. Người làng quê thật thà, cỗ đầy tú hụ cố ăn cho hết, chỗ thức ăn thừa đem xào nấu lại, cất dành cho những người phục vụ dọn dẹp ngày cuối, và thế là lại có người bị ngộ độc, tiêu chảy...

Nhà cô dâu chú rể chỉ cách nhau một quãng, vậy mà hai cái đài được đám thanh niên mở hết công suất, cứ xập xình thâu đêm suốt sáng, đám cưới nào cứ phải có nhạc sống mới là đám cưới to. Nhiều nhà rất nghèo nhưng cũng cố thuê cho được để không "thua chị kém em"... Đám thanh niên cứ oang oảng hát nói trên loa suốt mấy ngày, hưng họ cho ngày vui là phải thế !

Đã có nhiều chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về việc tổ chức cưới theo nếp sống mới. Nhưng trên thực tế thì chẳng thay đổi chút nào. Càng có chức, có quyền, đám cưới càng to. Đa số nhân dân đều muốn tổ chức gọn nhẹ cho đỡ tốn kém, song không ai dám nói, chỉ biết “làng làm sao ta làm vậy”.

Theo tôi, đám cưới theo nếp sống mới có thể tổ chức được nếu như: Cấp ủy, chính quyền các cấp quyết tâm chỉ đạo và kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ đảng viên, công chức không thực hiện đúng theo các chỉ thị, quy định của Trung ương, của tỉnh về việc cưới, việc tang theo nếp sống mới. Trung tâm ăn hóa thông tin huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các đoàn thể: MTTQ, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Đồng thời giúp cơ sở tổ chức một vài đám cưới “mẫu” với hình thức gọn nhẹ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình.

Các khu dân cư đưa việc cưới theo đời sống mới vào hương ước và phải luôn chỉ đạo nhân dân thực hiện nghiêm túc, nhưng trước hết cán bộ phải làm gương trước đã, nhân dân sẽ làm theo.

Bài, ảnh: Trần Ngọc Lan