Lễ gọi vía của Người Thái

08/04/2009 14:56

Người Thái Nghệ An gọi Lễ gọi vía là “hoọng văn”, hoặc “hằng văn”. Đó là lễ cúng dành cho người đang ốm, vừa ốm dậy, vừa gặp chuyện không hay, vừa qua khỏi một cái nạn lớn và cả khi gặp phúc lớn. Lễ gọi vía còn được tổ chức cho những người sắp phải lên đường đi xa dài ngày như tòng quân nhập ngũ hay những người xa nhà lâu ngày trở về.

(Baonghean.vn) - Người Thái Nghệ An gọi Lễ gọi vía là “hoọng văn”, hoặc “hằng văn”. Đó là lễ cúng dành cho người đang ốm, vừa ốm dậy, vừa gặp chuyện không hay, vừa qua khỏi một cái nạn lớn và cả khi gặp phúc lớn. Lễ gọi vía còn được tổ chức cho những người sắp phải lên đường đi xa dài ngày như tòng quân nhập ngũ hay những người xa nhà lâu ngày trở về.

Những thầy cúng, thầy mo là người điều hành các lễ gọi vía, họ đóng vai trò là người trung gian tiếp xúc với những hồn vía của người và dẫn dụ chúng về với con người, để từ nay vía không đi xa người nữa.

Mâm cúng cho ngày gọi vía bình thường không cần cầu kỳ, thường chỉ có một con gà, hai đĩa xôi, một chén rượu. Đôi khi chỉ cần hai quả trứng luộc cũng đủ để làm một lễ gọi vía. Có một điều đã thành quy định trong mỗi lễ gọi vía là nhất thiết phải có những chiếc áo của các thành viên trong gia đình đặt vào mâm cúng. Và khi xong lễ gọi vía, mỗi người được buộc một sợi chỉ đen hoặc đỏ để cầu mong sức khỏe, để từ nay vía không đi lạc chủ nhân nữa.


Trong lễ gọi vía của người Thái ở một bản thuộc huyện Con Cuông.


Trong quan niệm của người Thái Nghệ An, mỗi người chúng ta có rất nhiều phần vía. Có 30 vía gọi là “văn càu” và 900 vía gọi là “văn hua”. Ngoaì ra thì những đồ vât, cây lúa hay con trâu đều có phần vía của mình.

Cho đến khi mãn kiếp, một người phải traỉ qua rất nhiều lễ gọi vía bởi mấy ai cả đời không ốm đau hay không phải trải qua những biến cố lớn nhỏ. Mục đích chính của lễ gọi vía chỉ để cầu mang lại sức khỏe cho người ốm, đem lại niềm tin và nghị lực sống cho mỗi người.

Từ khi mới chào đời, lễ cúng vía đầu tiên cho một đứa trẻ sơ sinh trong ngày đặt tên. Trong ngày lễ này đứa trẻ sẽ được gửi gắm cho thần linh và những phần vía của mình, nhờ cậy những đấng siêu nhiên trông coi cho con người vừa mới sinh ra kia sẽ được trọn đời khỏe mạnh, may mắn.

Sau mỗi đám cưới người Thái Nghệ An cũng tổ chức những lễ gọi vía cho các cặp vợ chồng trẻ. Lễ gọi vía này thường chỉ làm đơn giản với mong muốn đôi vợ chồng mới sẽ sống hòa thuận, gắn bó cả đời.

Những người đã về già thường như ngọn đèn trứơc gió, không biết giờ khắc nào sẽ lụi tắt, họ rất cần sự quan tâm của con cháu, nhất là về mặt tinh thần. Con cháu trong nhà thường tổ chức cho họ một lễ gọi vía để cầu cho những bậc cao niên trong nhà được hưởng thọ lâu dài bên con cháu.

Đôi khi lễ gọi vía vẫn còn mang những nét của mê tín. Đó là trường hợp khi một người đau ốm lâu ngày không khỏi, người ta cho rằng chính những phần vía của họ đã đi lạc. Lễ gọi vía được tổ chức để gọi những phần vía còn lang thang nơi con khe, góc núi trở về.

Có những trường hợp, người Thái Nghệ An làm lễ gọi vía cho những người đã có công cứu sống bản thân hay người nhà mình. Lúc ấy người ta mang theo gà, xôi, rượu thịt đến nhà “ân công” của mình vừa làm lễ gọi vía vừa để đáp trả công ơn.

Hà Phượng