Ấm lại Piêng Lâng

21/01/2009 12:22

Những ngôi nhà mới đỏ tươi nằm san sát trên một vùng đất rộng. Dòng nước mát từ phía trong Huồi Cò Mạ đã được khơi nguồn để tưới cho những chân ruộng cứng. Sau cơn thuỷ hoạ, cuộc sống của người dân bản Pục, bản Méo trên vùng đất mới Piêng Lâng đang hồi sinh.

Những ngôi nhà mới đỏ tươi nằm san sát trên một vùng đất rộng. Dòng nước mát từ phía trong Huồi Cò Mạ đã được khơi nguồn để tưới cho những chân ruộng cứng. Sau cơn thuỷ hoạ, cuộc sống của người dân bản Pục, bản Méo trên vùng đất mới Piêng Lâng đang hồi sinh.

Đồng chí Nguyễn Thế Trung cùng lãnh đạo các ngành cấp tỉnh và huyện Quế Phong
thăm bà con bản mới Piêng Lâng
(tháng 12/2008)

Trở lại Nậm Giải sau hơn một năm trận lũ quét kinh hoàng đi qua. Con suối vẫn còn trơ lại những vệt trắng. Dừng chân phía bên cầu tràn, nơi trong cơn lũ trở thành điểm cách ngăn cô lập Nậm Giải với bên ngoài, dòng nước đã hiền hoà trở lại. Không khí chuẩn bị đón một năm mới đã rộn rã. Hàng hoá từ các sạp ốt được chất đầy. Bà con Nậm Giải còn vui hơn nữa vì lại được đoàn công tác của tỉnh đến thăm hỏi, động viên.


Chúng tôi vào thăm nhà cụ Lô Văn Vượng, bản Pục, gia đình có 2 người con (con trai và con dâu) bị mất trong đợt lũ quét. Cụ rót nước mời khách rồi chậm rãi nói: "Sau hoạn nạn ta cũng động viên con cháu cố gắng vượt qua. Tập trung khai hoang cải tạo lại ruộng nước và cùng dự án đưa nhà lên phía trên khỏi nước lũ...". Cụ đã vận động con cháu cải tạo đồng ruộng, diện tích 14 sào của gia đình đất cũng đã thành thục. Trên sàn nhà lúa ngô chất đầy, vàng đượm, gia đình không còn lo đói nữa. Rời khỏi nhà ông Vượng, theo chân Bí thư Đảng uỷ xã Ngân Văn Tình trên con đường cấp phối mới mở, chúng tôi đến với bản mới tái định cư Piêng Lâng. Từ xa, Piêng Lâng hiện ra với những nếp nhà sàn đỏ authấp thoáng dưới thung lũng. Piêng Lâng theo tiếng Thái nghĩa là vùng đất bằng rộng có nước tự nhiên. Vẫn đang là mùa khô của miền núi, ấy vậy mà những khu vườn chia theo từng hộ, rau và cây cối rất xanh tốt. Mới đến khu tái định cư, ai cũng lo chuyện nguồn nước. Và nguồn nước dẫn từ khe Huồi Cò Mạ ra phía ngoài đã tưới mát cho cả bản. Bà con đã đào ao, hồ chứa để trồng rau xanh, cây lương thực... nhanh chóng ổn định cuộc sống. Mới một năm về nơi ở mới, các hộ đã ổn định cuộc sống.


Đến nơi ở mới, bà con bản Pục và bản Méo mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng, bao gồm vật liệu làm nhà, phát triển sản xuất, lương thực. Theo báo cáo của Ban di dân PTKT huyện thì đã có 40/45 hộ đến nơi ở mới theo đề án. Trong cơn lũ, tình cảm khắp nơi dồn về Nậm Giải, khi dòng nước vừa rút, tình cảm đó được nhân lên gấp bội với hàng ngàn màu áo xanh của thanh niên và bộ đội tình nguyện xé rừng, vượt dốc không quản giá lạnh mùa đông để lên cùng bà con khai hoang phục hoá. Bà con cũng gạt nỗi đau cùng hoà vào chiến dịch tình nguyện. Chiến dịch tình nguyện "Hướng về Nậm Giải yêu thương" đã giúp bà con khôi phục hơn 22 ha đất sản xuất, dự án phục hoá của Sở Nông nghiệp cũng đã lấy lại hơn 10 ha đất sản xuất bị bồi lấp... Có ruộng, có nước lại được sự hỗ trợ về giống, phân bón, bà con bắt tay ngay vào sản xuất. Được chia đất vườn theo định mức 2.000m2, bà con nhà nào cũng rào dậu cẩn thận rồi trồng rau xanh, cây ăn quả. Nhà Ngân Văn Minh, (bản Pục) có em Ngân Văn Duyên bị chết trong nước lũ, mới chuyển ra Piêng Lâng sau Tết năm ngoái, giờ ngô, lúa đã đầy nhà, đã chuẩn bị nếp, lợn, đón Tết trên đất mới.

Bản mới Piêng Lâng


Anh Minh cảm động lắm khi có đoàn công tác đến thăm nhà, nhận món quà là chiếc chăn ấm từ chính tay đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ trao, anh nghẹn ngào: "Cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Gia đình sẽ cố gắng làm ăn để sớm ổn định cuộc sống trên đất mới...".


Mùa này Piêng Lâng lạnh lắm. Cái lạnh của miền sơn cước không ngăn nổi bước chân của Đoàn công tác lên thăm bà con. Cái lạnh dường như được xua tan, ấm lại khi cuộc sống trên đất mới của bà con đã ổn định. Quây quần bên đống lửa và choé rượu cần toả mùi thơm ngát, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thế Trung căn dặn bà con phải tập trung cải tạo đồng ruộng, tích cực trồng lúa nước, bảo vệ thật tốt rừng phòng hộ đầu nguồn, phát triển chăn nuôi gắn với trồng cỏ, nuôi nhốt... Cả bản háo hức, trên gương mặt mỗi người đều rạng lên niềm tin, sự quyết tâm để chống lại cái đói, cái nghèo, lạc hậu. Tết năm nay bà con bản mới Piêng Lâng không còn lo đến cái đói nữa bởi ngoài việc đủ lương thực nhờ canh tác tại chỗ thì các cấp, các ngành đã có kế hoạch lo Tết cho bà con Nậm Giải rất chu đáo. Bí thư Đảng uỷ xã Ngân Văn Tình cho biết: Năm nay, xã sẽ tổ chức đón Tết cho bà con ngay trên bản mới với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian. Gần Tết, sẽ tổ chức nhiều đoàn đến nhà thăm hỏi, động viên bà con.

Piêng Lâng như ấm lại để đón mùa xuân mới. Phong tục cúng tổ tiên bằng bánh chưng và cá cũng được bà con chuẩn bị nguyên liệu từ bây giờ. Những tình cảm sẻ chia đối với Nậm Giải là động lực giúp bà con nơi đây vươn lên để đón một mùa xuân mới.


Hữu Nghĩa